Tôi nghĩ, có duyên đến chùa là điều tốt, nhưng các Phật tử khi đến chùa phải suy nghiệm rằng:
Thầy Chân Pháp Lộ (chùa Pháp Vân, quận Tân Phú, TP.HCM)
Đi chùa để cầu xin – điều này hoàn toàn không đúng với tinh thần Phật giáo, trái với luật nhân quả mà Phật đã dạy. Muốn điều tốt lành đến với mình thì chỉ có cách duy nhất là gieo nhân lành. Chúng ta tự nghiệm xét những gì chúng ta xin đó, nếu được hết thì chắc rằng Phật tử đều giàu, đều vui vẻ, không ai khổ phải không? Nhưng kiểm lại trong giới Phật tử có giàu hết chưa, có hết khổ hoàn toàn chưa? Nếu Phật cho thì phải cho đều, người này cho thì người kia cũng phải cho. Sao có người xin được, có người xin không được?
Lạy Phật để làm gì? Chúng ta lạy Phật với tất cả tấm lòng biết ơn. Biết ơn đối với người thầy đã chỉ ta lối đi, người giúp ta thoát khỏi khổ đau. Để báo đáp phần nào công ơn ấy, trong khi quỳ lạy dưới chân Phật, chúng ta phải nguyện noi gương Phật xa lìa tất cả việc ác, làm tất cả việc lành để cứu độ chúng sanh như Phật đã và đang làm.
Phàm bất cứ việc gì, nếu muốn có kết quả tốt thì chúng ta cần có phương pháp đúng đắn. Việc lễ Phật cũng không ngoại lệ. Nếu chúng ta lạy Phật giống như một cái máy – chỉ biết đứng lên rồi lạy xuống hoặc là vừa lạy vừa suy nghĩ lung tung, tâm trí cứ nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác thì e rằng việc lạy Phật chỉ uổng công vô ích, và nếu có lợi thì chỉ chút ít không đáng kể.
Ý nghĩa của tụng kinh: Kinh có nghĩa là những lời Phật dạy, bao gồm những bài thuyết pháp của Đức Phật từ buổi thuyết pháp đầu tiên tại Vườn Nai cho đến lúc Phật nhập Niết-bàn. Tụng kinh là để ôn lại những lời Phật dạy và để tự nhắc nhở mình ứng dụng lời của Phật dạy vào cuộc sống hàng ngày là không làm các việc ác, làm các việc lành và tự thanh lọc tâm ý chứ không phải tụng kinh là để cho Phật nghe.
Khi tụng kinh, do chú tâm vào lời kinh nên cả ba nghiệp là thân, khẩu và ý không có cơ hội tạo tác. Do đó xa lìa được các gốc rễ của khổ đau như tham lam, sân hận, si mê, đem lại lợi lạc cho mình và người.
Minh Tiến – Hồng Nho ghi