HỎI: Xin hỏi, các chùa hiện nay sử dụng trống làm bằng da trâu hay bò, liệu có hợp lý không?
(HỮU THÀNH, [email protected])
Trống bát nhã được làm từ da trâu. Ảnh minh họa
ĐÁP: Bạn Hữu Thành thân mến!
Trống (chuông trống Bát-nhã) là một pháp khí quan trọng
không thể thiếu trong các chùa viện hiện nay. Thông thường, tang trống làm bằng gỗ, mặt trống được chế tác từ chất liệu chủ yếu là da trâu, bò. Trên thị trường, do chưa có chất liệu khác thay thế để làm mặt trống nên các chùa viện bất đắc dĩ phải sử dụng trống có mặt bịt da.
Vấn đề này liệu có hợp với giáo lý từ bi của đạo Phật? Hiện có hai lập trường. Thứ nhất, vì thực hành từ bi, không sát sinh, không ăn thịt, dĩ nhiên cũng không sử dụng các sản phẩm được chế tác từ động vật.
Thứ hai, cũng vì thực hành từ bi, không sát sinh, không ăn thịt, nhưng riêng với vấn đề sử dụng trống da thì có quan niệm “thoáng” hơn. Bởi ngoài đời thường, trâu bò bị giết chủ yếu để lấy thịt (không nhằm để lấy da như báo, cá sấu…). Thay vì quăng bỏ những phần không ăn được, người ta tận dụng da để làm mặt trống. Nhà chùa khi sử dụng trống da này, một mặt quán niệm rằng đây là việc chẳng đặng đừng, mặt khác sự tận dụng này mà góp phần giúp cho người hướng thiện thì vẫn có ích hơn. Dĩ nhiên người có lập trường thứ nhất không phải ai cũng chấp nhận điều này.
Đi tìm giải pháp hợp lý hơn cho vấn đề trên, hiện có chùa mạnh dạn đúc trống đồng làm trống Bát-nhã (ảnh) để thay thế cho trống da như đã có. Mặt khác, với sự phát triển của công nghệ làm da nhân tạo, nếu quyết tâm thì trong tương lai gần chúng ta sẽ có trống Bát-nhã làm từ da nhân tạo thay thế trống làm từ da trâu bò như hiện nay.
Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như – Quảng Tánh