Ông cố ngoại đặt tên cho mẹ tôi là Trần Thị Vui, sau đặt tên cho dì Út là Trần Thị Mừng, ghi dấu niềm vui lớn tràn ngập cả nhà khi mong ước, nguyện cầu “sanh con gái thì được sanh con gái” của ông bà ngoại chúng tôi toại nguyện…
Chúng ta đều biết năng lực nhiệm mầu của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm qua kinh Phổ Môn. Ngài luôn lắng nghe tất cả những nỗi lòng, mong mỏi của chúng sanh mà tùy duyên hóa độ. Những ai có lòng tin tưởng tuyệt đối, dốc lòng cầu nguyện, xưng niệm danh hiệu và học theo hạnh nguyện của Ngài thì mọi mong cầu đều được toại ý, như nguyện.
Vào những ngày vía Ngài, những thánh địa đạo tràng của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm như Phổ Đà sơn (Triết Giang, Trung Quốc) hay Hương Tích (Hà Tây, Việt Nam) luôn tấp nập du khách hành hương. Họ không ngại xa xôi, vượt qua hàng ngàn dặm để đến thánh tích, chiêm bái, cầu nguyện cho những ước vọng của mình được thành tựu. Những người không đủ điều kiện thì chăm lo, thờ phượng, lễ bái và nguyện cầu nơi Thánh tượng Đức Bồ-tát ở chùa nhà. Và gần như đối với Phật tử ở các nước Phật giáo Bắc truyền, nơi nào có tôn trí hình tượng của Bồ-tát thì nơi ấy luôn nghi ngút khói hương, tấp nập người tới lui cầu nguyện.
Sách Linh ứng Quán Thế Âm kể rằng: “Ông bà ngoại chúng tôi sinh liên tục ba người cậu, cả đại gia đình và dòng họ ai cũng đều lấy làm vui. Riêng ông ngoại có lúc ngồi một mình đăm chiêu, nghĩ ngợi và buồn rầu. Bà ngoại thấy vậy, gạn hỏi căn do nhiều lần, ông ngoại không giấu diếm được liền nói với bà ngoại rằng:
– Tôi một mình tự ý hứa với ngài Chánh tổng trong làng là hễ trong nhà có sinh con gái thì sẽ kết nghĩa làm sui gia. Thế nhưng đã nhiều năm trôi qua mà lời hứa của tôi vẫn chưa thực hiện được. Bà đừng hiểu lầm là tôi trách bà, chỉ là nhà ta thiếu phước nên chưa đủ duyên cùng làm người nhà với ngài Chánh tổng đó thôi.
Nghe ông nói xong, bà thấy thương chồng, sốt ruột và lại cũng đâm ra lo lắng. Sau cùng, hai ông bà đều đồng tình, thuận ý nghĩ tới việc lên chùa cầu tự, xin Phật phù hộ được sinh con gái.
Hôm ấy nhằm tiết Trung nguyên rằm tháng Bảy, ông bà ngoại chúng tôi về chùa Sắc Tứ (Quảng Trị) cúng Phật và bày tỏ ý nguyện. Trong dịp ấy, ông bà được duyên may gặp Tổ sư Bích Phong từ Huế ra giảng pháp. Ngài dạy ông bà phát tâm mua ngói lợp lại ngôi Phật điện bị hư dột vì chiến tranh để tạo phước. Hai ông bà lại được quy y với Tổ và biết lễ bái, tụng niệm, phụng thờ Đức Bồ-tát Quán Thế Âm từ đó. Tổ Bích Phong căn dặn ông bà ngoại chúng tôi là nên phát nguyện ăn chay, giữ giới thanh tịnh, trong sạch thân tâm thì mọi sự mong cầu đều được toại nguyện.
Vâng lời dạy của Tổ, ông bà ngoại chúng tôi hết lòng tu tập, giữ gìn giới hạnh tinh nghiêm, phát nguyện thỉnh tôn tượng Đức Bồ-tát Quán Thế Âm về thờ phượng, lễ bái, xưng niệm, cầu nguyện rất chuyên cần và tha thiết. Một năm sau, ước mong của ông bà ngoại chúng tôi được thỏa nguyện. Bà ngoại thọ thai, mẹ tôi ra đời, rồi kế đến là dì Út. Ông cố ngoại đặt tên cho mẹ tôi là Trần Thị Vui, sau đặt tên cho dì Út là Trần Thị Mừng, ghi dấu niềm vui lớn tràn ngập cả nhà khi mong ước, nguyện cầu “sanh con gái thì được sanh con gái” của ông bà ngoại chúng tôi toại nguyện.
Chính nhờ sự linh ứng, cầu nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm có hiệu nghiệm này mà trong đại gia đình nội ngoại chúng tôi cùng bà con dòng họ xa gần, dân chúng thôn trên xóm dưới, ai ai cũng một lòng tín cẩn, phụng thờ, chăm lòng lễ niệm và sống theo hạnh lành của Ðức Bồ-tát Quán Thế Âm”.
Trong tâm khảm mọi người, Đức Bồ-tát Quán Thế Âm là mẹ hiền, là nơi tìm về để gửi gắm niềm tin sau biết bao trăn trở, lo toan. Trước những điều gần như vượt quá tầm tay, tưởng chừng như phải chấp nhận buông xuôi cho số phận thì Mẹ hiền Quán Thế Âm trở thành điểm tựa, luôn lắng nghe, thấu hiểu và âm thầm sẻ chia, trợ lực. Tình thương của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm thật bao la, những ai khổ đau xưng niệm danh hiệu là lập tức có Ngài. Người Phật tử nguyện cầu Ngài, không xin sự ban ân để thỏa mãn những niềm riêng tham vọng cá nhân mà phải là những ước vọng chính đáng, chân thành. Ngoài chiêm lễ, xưng niệm và cầu nguyện Ngài một cách chí thành còn phải thực hành theo hạnh nguyện của Bồ-tát thì mới “cảm ứng” và nhận được sự gia hộ.
Như hai vị Phật tử kia, cầu mong con gái thì sanh được con gái ngoan hiền. Để được vậy, họ không cầu nguyện suông mà rất tha thiết, chân thành lễ bái, xưng niệm và trì kinh, tạo phước… Chính sự thành tâm đã cảm ứng và nhận được sự gia hộ trọn vẹn của Bồ-tát nên cầu mong mới thành tựu như ý nguyện.
Quảng Tánh / http://thichquangtanh.blogspot.com/2014/07/cau-sinh-con-gai-uoc-nhu-nguyen.html