HỎI: Tôi là Phật tử, trong quá trình tìm hiểu giáo lý, nhận thấy hiện tại có một số sư-thầy nói về giáo lý nhà Phật phủ nhận kinh điển Đại thừa không phải do Phật Thích Ca thuyết, điều này làm cho tôi cảm thấy bức xúc. Vậy quan điểm của GHPGVN về vấn đề này thế nào?
(TỪ AN, [email protected])
ĐÁP: Bạn Từ An thân mến!
Thời Phật Thích Ca còn tại thế, hơn 45 năm thuyết pháp, những lời Phật dạy không được ghi lại bằng văn bản. Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, kinh điển được các vị Thánh tăng ghi nhớ, truyền miệng lại cho các thế hệ tiếp theo. Hơn 300 năm (khoảng từ 300 đến 500 năm) sau khi Đức Phật nhập diệt, kinh điển mới bắt đầu được ghi chép. Kinh tạng Pàli (kinh điển Nguyên thủy) hình thành trong giai đoạn này, được xem là gần với thời Đức Phật nhất.
Kinh điển Đại thừa, ngoài một phần tương đương với Kinh tạng Pàli (bốn bộ A-hàm), thì phần lớn được hình thành muộn hơn. Điều cần thẳng thắn nhìn nhận là, trong kho tàng kinh điển Đại thừa rất đồ sộ, ngoài các bộ kinh có nguồn gốc từ Ấn Độ còn có một số kinh được trước tác tại Trung Quốc rất muộn về sau. Các nhà nghiên cứu kinh điển bằng phương pháp văn bản học đã xác định điều này. Và ngay trong Kinh tạng Đại thừa, các nhà kết tập kinh điển tuy vẫn cho nhập tạng nhưng lưu ý một số kinh và xếp vào Nghi tợ bộ.
Rõ ràng, trong Kinh tạng Đại thừa, tuy có một số kinh được trước tác tại Trung Quốc, nhưng phủ nhận toàn bộ kinh điển Đại thừa không phải do Phật Thích Ca thuyết là một sự thiển cận và hẹp hòi. Người học Phật hiện nay cần phát huy chánh kiến để hội nhập với Phật giáo thế giới. Đứng trên lập trường truyền thống, tông phái của mình để phê phán hay công kích các truyền thống, tông phái khác là điều không nên.
Hiện tại, chúng tôi chưa có tư liệu cụ thể về quan điểm của GHPGVN đối với vấn đề này. Tuy vậy, theo quan điểm của chúng tôi, Phật giáo thế giới có hai truyền thống lớn Nguyên thủy và Đại thừa là sự phong phú và đa dạng, làm giàu có thêm cho gia tài tuệ giác mà Đức Phật để lại cho nhân loại. Cả hai truyền thống này đều đồng nhất ở giáo lý căn bản như Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Duyên khởi, Vô ngã… Ngoài ra, hai truyền thống này còn có những luận điểm về giáo lý khác nhau. Cần thấy rõ là, dù khác nhau nhưng không hề đối nghịch và phủ nhận lẫn nhau.
Người học Phật thuộc bất cứ truyền thống nào, khi nghiên cứu kinh điển cần nêu cao chánh kiến, vận dụng ba (hoặc bốn) dấu ấn Chánh pháp, còn gọi là Tam pháp ấn hay Tứ pháp ấn, để soi rọi và kiểm chứng. Nếu bản kinh nào, nhân danh truyền thống nào mà không có các dấu ấn của Chánh pháp thì xác định kinh đó không phải do Phật thuyết.
Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như – Quảng Tánh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, trang web Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)