Bố thí và cúng dường là những hạnh tu phổ biến của hàng Phật tử. Hạnh lành này nếu được vun bồi và trưởng dưỡng liên tục trong đời sống thì mang đến quả phước vô lượng. Đức Phật đã dạy về bố thí thanh tịnh gồm…
HỎI: Tôi nghe thuyết giảng, quý thầy bảo rằng cúng dường và bố thí cần phải đúng người. Nếu sai thì chẳng những không được phước lại còn mang tội. Tôi rất băn khoăn vì nếu mỗi khi phát tâm bố thí và cúng dường mà lại khởi lòng nghi ngờ xét nét thì vô tình tạo khoảng cách, khó có thể phát khởi từ bi và tâm hộ trì Tam bảo trọn vẹn. Tôi suy nghĩ, khi bố thí thì chỉ phát khởi tâm từ bi là đủ, vì phụng sự chúng sanh trong đó có mình và người thân, mọi người đều được lợi; khi cúng dường ta chỉ nghĩ hỗ trợ Tam bảo để mong Tam bảo trường tồn lâu dài ở thế gian. Trừ trường hợp tai nghe, mắt thấy người được bố thí, cúng dường là xấu thì thôi. Nếu không biết thì không khởi tâm nghi. Sự hiểu của tôi như vậy có đúng không?
(THÀNH TÂM, [email protected])
ĐÁP: Bạn Thành Tâm thân mến!
Bố thí và cúng dường là những hạnh tu phổ biến của hàng Phật tử. Hạnh lành này nếu được vun bồi và trưởng dưỡng liên tục trong đời sống thì mang đến quả phước vô lượng. Đức Phật đã dạy về bố thí thanh tịnh gồm: Người thí, vật thí, người nhận đều thanh tịnh; trong ba thời điểm trước, trong và sau khi bố thí tâm đều thanh tịnh thì thành tựu phước quả không thể nghĩ bàn.
Bạn đã thành tựu hai điều, người thí và vật thí thanh tịnh. Còn người nhận có thanh tịnh hay không, chẳng riêng bạn mà tất cả chúng ta không ai có thể biết được, trừ trường hợp chính mình mắt thấy, tai nghe về người nhận là không tốt. Ngay đây người thí đứng trước hai vấn đề: Không tìm hiểu người nhận thì sợ cúng-thí nhầm người; cố công tìm hiểu người nhận thì tâm dễ khởi niệm lăn tăn không thanh tịnh.
Vì không xét nét về người nhận thì không được mà băn khoăn về họ cũng không xong, nên chúng tôi đồng cảm với cách bố thí của bạn: “Khi bố thí thì chỉ phát khởi tâm từ bi; khi cúng dường ta chỉ nghĩ hỗ trợ Tam bảo”. Có thể, khi cúng thí với vật thí có giá trị nhỏ thì cứ tùy duyên. Cho người mà thực chất là cho mình; quyết không để tâm từ bi thí xả của mình bị thui chột. Còn khi cúng thí với vật thí có giá trị lớn thì cũng nên tìm hiểu kỹ rồi mới gieo duyên. Bố thí và cúng dường thanh tịnh xong thì buông hết. Dĩ nhiên, cúng dường và bố thí đúng người thì phước báo sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp cúng dường và bố thí mà chưa đúng người thì phước báo được ít hơn mà thôi, không thể vì làm lành cúng thí mà “không được phước lại còn mang tội”.
Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như – Quảng Tánh