Câu Chuyện Dưới Cờ là một hình thức sinh hoạt rất lợi ích, quen thuộc và phong phú trong tổ chức GĐPTVN, trong đó người nói Câu Chuyện Dưới Cờ sẽ truyền đạt đến cử tọa hay thính giả những lời nhắn nhủ mang tính chất khuyến tấn, răn nhắc, hướng dẫn, để mọi người chiêm nghiệm, suy nghĩ mà thực hành theo.
(Đừng hiểu lầm Câu Chuyện Dưới Cờ là lúc để Anh Liên Đoàn Trưởng hay Huynh Trưởng Trực thông báo hay phân công các công tác trong một ngày sinh hoạt).
Câu Chuyện Dưới Cờ nên nói lúc nào: Ngay sau khi chào Gia Đình Kỳ trong buổi sinh hoạt hằng tuần, hay ngay sau khi Lễ Phật buổi sáng của một ngày trại (câu chuyện đầu ngày).
Ai sẽ nói Câu Chuyện Dưới Cờ: Thường là Anh, Chị Liên Đoàn Trưởng hay Bác Gia Trưởng phụ trách nói Câu Chuyện Dưới Cờ trong các buổi sinh hoạt thường lệ hằng tuần, Trại Trưởng, Trại Phó nói Câu Chuyện Dưới Cờ trong các ngày trại. Tuy nhiên có thể phân công cho một Huynh Trưởng khác để thay nhau tập làm quen với cách nói Câu Chuyện Dưới Cờ. (Người được phân công phụ trách nên được thông báo trước ít nhất là một tuần, để kịp chuẩn bị những gì sẽ nói).
Đối tượng của Câu Chuyện Dưới Cờ là ai: Toàn Gia Đình (Đoàn Sinh và cả Huynh Trưởng. Ðừng nghĩ rằng Câu Chuyện Dưới Cờ chỉ dành riêng cho Đoàn Sinh) hay toàn Trại.
Nội dung Câu Chuyện Dưới Cờ: Mang tính chất giáo dục, răn nhắc, khuyến tấn tu tập, thực hành các thiện pháp. (Chẳng hạn như nhắc nhở thực hành một trong cách hạnh cuả người Phật Tử, về lòng thương, bố thí, ái ngữ, lễ độ, chào kính, bảo hộ thân tâm…) Nội dung nên sát với thực tế trong đời sống hằng ngày, đừng nên quá viễn vông, xa vời, cao siêu khó thực hiện. Nội dung cũng cần phải thích hợp với trình độ của từng loại đối tượng, chẳng hạn như khi nói trước các em Oanh Vũ thì nội dung câu chuyện nên đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành, khác với khi nói với Ngành Thiếu và chắc chắn sẽ rất khác với nội dung khi nói trước cử tọa gồm toàn Huynh Trưởng trong một ngày trại huấn luyện hay một trại hội thảo.
Câu Chuyện Dưới Cờ được nói trong bao lâu: Đừng nên quá dài vì người nghe sẽ chán và thiếu tập trung. Không ai thích đứng dưới nắng hay gió lạnh để nghe mình dài dòng. Tốt nhất, Câu Chuyện Dưới Cờ không nên kéo dài quá 10 phút đồng hồ.
Phong cách trình bày: Vì là người thay mặt toàn Ban Huynh Trưởng hay thay mặt Ban Quản Trại để truyền đạt nên bắt buộc người nói Câu Chuyện Dưới Cờ phải ăn mặc tươm tất, nón mũ chỉnh tề, đúng theo quy định về tác phong của Huynh Trưởng. Cử chỉ, âm hưởng lời nói cũng cần phải cân nhắc. Tất cả những điều này sẽ tạo ấn tượng và ảnh hưởng đến người nghe rất nhiều.
Chuẩn bị: Nên chọn chỗ họp chung thích hợp, đừng có quá nhiều người qua lại hay gây tiếng động ồn ào. Đừng nên họp dưới ánh nắng quá nóng, nơi đầu gió lạnh, hay dưới trời mưa. Trước khi Câu Chuyện Dưới Cờ được bắt đầu, người điều khiển nên cho mọi người hô tiếng reo để tạo sự yên lặng, tập trung và chú ý cần thiết.
Kết luận: Câu Chuyện Dưới Cờ là lúc người Huynh Trưởng truyền đạt những điều khuyên nhắc, hướng dẫn, giáo dục không những của riêng mình mà còn là của tập thể lãnh đạo đến các em, cho nên nội dung cần phải được chuẩn bị chu đáo, cân nhắc thật cẩn thận, để mang lại lợi ích thiết thực trong sứ mạng giáo dục của tổ chức GĐPTVN.
Tâm Lễ Vương Học (Úc Châu)