An cư: Ban đầu Phật chế an cư ba tháng mùa hạ là để hộ sanh, vì trong mùa hạ phạm vi đất đai một thước vuông đều có trùng, nên Phật chế ra pháp an cư vậy. Kết vào ngày mười sáu tháng tư và giải vào ngày mười lăm tháng bảy.
Nên bạch với người mình nương tựa rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con Tỳ kheo mỗ giáp… nay tiền an cư ba tháng, phòng xá hư đã sửa sang” (Nói ba lần). Người kia bảo: “Nên biết, chớ có buông lung”. Đáp: “Xin thọ trì”. Nếu không có ai để nương tựa thì tâm niệm rằng: “Con Tỳ kheo nương tựa vào Tăng già lam tiền an cư ba tháng. Hậu an cư là đổi chữ tiền thành hậu, ngoài ra văn bạch đều giống nhau. Nếu đến chỗ an cư mà quên không kết cũng thành pháp an cư. Lại nữa, khi mới đến nơi ấy thì liền thành an cư.
Minh Liễu Luận chép: Chỗ không có năm điều lỗi thì được ở trong đó an cư:
Ni chúng An Cư Kiết Hạ
1/ Quá xa tụ lạc, vì việc khất thực khó được.
2/ Quá gần thành thị, vì trở ngại đường tu.
3/ Chỗ quá nhiều muỗi, kiến, mình và đại chúng đều tổn hại.
4/ Không thể nương tựa vào người không đủ năm đức, người phải có đủ năm đức mới có thể nương tựa.
5/ Không có thí chủ cung cấp thuốc, y phục, đồ ăn uống.
Nen-an-cu 5
Có đủ năm đức là:
1/ Chưa nghe khiến cho được nghe.
2/ Đã nghe khiến cho được thanh tịnh.
3/ Có thể quyết nghi cho mình.
4/ Khiến cho mình thông đạt không bị đình trệ.
5/ Trừ tà kiến được chánh kiến.
Phàm người an cư không nhất định phải ở trong chùa, mà có thể ở những nơi như: A Lan Nhã, dưới gốc cây, trong bọng cây, trong hang đá, trong nhà nóc nhọn, trên thuyền nhưng ở trên phải không đụng đầu. Chỗ ngồi có thể lọt đầu gối thì đều được an cư, nhưng cần phải lìa năm điều lỗi trước. Tỳ kheo ni không an cư phạm Ba Dật Đề, ngoài ra bốn chúng khác không an cư phạm Đột Kiết La.
Người tác pháp an cư vào ngày mười sáu tháng tư gọi là tiền an cư, còn vào ngày mười bảy tháng tư đến mười lăm tháng năm gọi là hậu an cư. Tiền an cư là ở trong ba tháng trước, còn hậu an cư là ở trong ba tháng sau, nhưng tất cả đều phải đủ chín mươi ngày, không đủ thì không được tính tuổi hạ. Người tiền an cư tự tứ, người hậu an cư cũng đồng tự tứ, nhưng tiền an cư tự tứ rồi là được tính thêm một tuổi, còn người hậu an cư thì không được, do vì chưa đủ chín mươi ngày. Người tiền an cư phân chia vật, người hậu an cư cũng được phân chia, nhưng phải ở lại cho đủ số ngày.
Nên An cư kiết hạ
(Lại có thuyết nói: “Có ba loại an cư:
1/ Mười sáu tháng tư gọi là tiền an cư.
2/ Mười bảy đến mười lăm tháng năm là trung an cư.
3/ Mười sáu tháng năm gọi là hậu an cư.
Nhưng tất cả đều đủ số chín mươi ngày mới được tính tuổi hạ).
Trong thời gian an cư nếu có duyên sự như pháp bắt buộc phải đi, thì nên về liền trong ngày, bằng không thể về kịp trong ngày thì cho thọ pháp bảy ngày, đến ngày thứ bảy thì phải trở về. Pháp thọ là đối thú tự bạch rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con… thọ pháp bảy ngày vì việc… việc xong về lại trong đây an cư” (Nói một lần).
Nếu duyên sự không thể trở về trong bảy ngày thì cho thọ pháp hơn bảy ngày, hoặc mười lăm ngày, một tháng, bạch nhị yết ma rằng: “Đại đức Tăng nghe, nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng bằng lòng cho con mỗ giáp… thọ pháp hơn bảy ngày, hoặc nói rằng mười lăm ngày… một tháng, vì duyên sự mỗ giáp… việc xong sẽ trở về trú xứ này an cư”. Bạch như thế, văn yết ma tự nên biết, nhiều người thì có thể yết ma chung. Nếu Tỳ kheo an cư rồi, thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, quá bảy ngày mới trở về, Tỳ kheo kia kể như phá tiền an cư, trái với điều Phật dạy, mắc tội. Nếu Tỳ kheo an cư rồi, (đến bảy ngày) cuối cùng thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, dù có trở về hay không đều không phá tiền an cư, không trái với lời Phật dạy, cũng không mắc tội.
Nếu Tỳ kheo thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, lại bị mẹ giữ lại hơn bảy ngày mới trở về, nhưng không mất tuổi hạ. Nếu Tỳ kheo thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới vì đường xá chẳng thông, bị nạn giặc, ác thú… hơn bảy ngày mới trở về, không mất tuổi hạ.
Nếu Tỳ kheo an cư rồi thấy trong đó có mạng nạn, tịnh hạnh nạn, nên đến nói với người đàn việt xin dời đi, người kia cho thì tốt, bằng không cho thì liền phải vì việc này mà bỏ đi, hoặc chỗ đó có nhiều độc trùng e rằng làm tổn thương sanh mạng, phải vì việc này mà bỏ đi, như thế thì không phá an cư.
Hoặc có Tỳ kheo an cư một mình, nếu thọ pháp bảy ngày, nên tâm nghĩ miệng nói rằng: “Con Tỳ kheo… nay thọ pháp bảy ngày”. Hoặc bạch rằng: “Hơn bảy ngày… ra ngoài giới vì duyên sự… trở về lại trụ xứ này an cư” (Nói ba lần).
Phật chế kết hạ an cư là vì lòng thương yêu chúng sanh, nhân vì mùa hạ có nhiều loài côn trùng sanh sản, nếu như đi lại bên ngoài nhiều thì sẽ giẫm đạp làm tổn thương đến loài côn trùng. Ngoài ra do vì mùa hạ khí trời oi bức, mồ hôi ra nhiều, nếu đi ra ngoài hóa duyên, đắp y nóng nực mồ hôi tuôn ra làm mất oai nghi, cho nên cấm túc không đi ra ngoài. Đồng thời mùa hạ nóng nực, Tăng nhơn hóa duyên cũng không tiện lợi, cho nên phải kết hạ an cư.
Nội dung của việc kết hạ an cư chủ yếu là học tập lễ nghi của Phật giáo.
Nội dung học tập có ba phương diện:
1/ Lắng nghe Phương trượng và 4 đại ban đầu khai đạo, nghe bổn đường pháp sự hoặc các vị cao Tăng khác giảng kinh.
2/ Học tập giới luật và những lễ nghi thường nhật, hiểu được khuôn phép của nhà Phật.
3/ Học tập tham thiền, tụng kinh trì chú, đánh nhịp xướng tụng, phóng diệm khẩu… và thực hành những Phật sự khác nữa.
Đến ngày 15 tháng 7 Âm lịch tức là ngày giải chế, Tăng Ni trong các Tòng lâm nhóm họp lại một chỗ, tự do kiểm tra những lỗi lầm của mình, cũng có thể chỉ bày góp ý những lỗi lầm của người khác. Mỗi người đều bình đẳng phê bình lẫn nhau, cùng nhau sám hối. Đây chính là Tự Tứ, ngày nầy cũng gọi là ngày Phật hoan hỷ. Sau khi Tự Tứ thì được tính thêm một tuổi, hoặc thêm một mùa hạ lạp. Vì thế kết hạ an cư cũng gọi là “Tọa hạ”.
Thích Thiện Phước