Nằm trên một tấm nệm êm ái và đắp tấm chăn ấm áp, để từ từ chìm vào giấc ngủ. Nhưng dù cố gắng thế nào, bạn vẫn trăn trở không tài nào chợp mắt được. Đó là do não trái của bạn đang từ chối việc bạn ngủ trong môi trường không quen thuộc.
Một giấc ngủ ngon thật khó khăn để tìm được. (Nguồn: Newscientist)
Khái niệm “Đêm đầu tiên” là khái niệm nổi tiếng trong việc nghiên cứu về giấc ngủ. Vì điều này nên khi nghiên cứu về mô hình giấc ngủ trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học phải bỏ ra một thời gian để người tham gia làm quen với môi trường xung quanh.
Để tìm hiểu thêm về hiện tượng này, Masako Tamaki cùng với đồng nghiệp tại trường đại học Brown, Rhode Island, đã quét não của 11 tình nguyện viên khỏe mạnh trong lúc họ ngủ ở 2 thời điểm, mỗi tuần 1 lần. Trong khi ngủ, nhóm nghiên cứu đã phân tích sóng não chậm của các tình nguyện viên, mẫu tần số của hoạt động não phản ánh sâu sắc một ai đó đang ngủ.
Sự mơ màng
Lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu phát hiện ra sóng não chậm ở bán cầu trái yếu hơn bên phải, điều này chứng tỏ phía bên trái có sự cảnh giác hơn. Sóng não chậm sẽ rất yếu trong lúc chúng ta suy nghĩ khi đang tỉnh táo, nó được gọi là các mạng chế độ mặc định.
Một tuần sau, các nhà nghiên cứu thấy rằng sóng não chậm đã cao hơn và gần như bằng với bên phải. Nhóm còn phát hiện ra sự tương đồng của sóng não chậm ở hai bán cầu não là nó hoạt động nhanh hơn khi chúng ta ngủ say.
Để kiểm tra thêm những cảnh báo mà con người có thể nhận được khi đang ngủ ở nơi xa lạ, nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm tương tự nhưng lần này các tình nguyện viên được nghe nhạc bằng tai nghe để chìm vào giấc ngủ. Phải mất một tuần, hoạt động não của các tình nguyện viên mới bắt đầu thích nghi với âm thanh được nghe thấy khi ngủ.
Con người có cơ chế ngủ giống cá heo
Một số loài chim và động vật biển có vú được biến đến là chỉ có một nửa bộ não được ngủ, còn nửa còn lại là để cảnh giác trong thời gian đó. Tamaki nghĩ điều này cũng giống như bộ não của con người khi ngủ trong môi trường lạ.
Các mạng chế độ mặc định sẽ tham gia vào khi chúng ta suy nghĩ lan man hoặc suy nghĩ về những kế hoạch trong tương lai. Chúng hoạt động xuyên suốt khi chúng ta tỉnh táo nhưng chỉ có bộ phận ở bán cầu trái mới làm được nhiệm vụ “trực đêm”, giám sát và báo động cho chúng ta biết những nguy hiểm tiềm tàn trong lúc ngủ. “Vẫn chưa thể giải thích được vì sao bán não trái có thể làm được điều này, nhưng có thể nó có kết nối mạnh với các giác quan tiếp xúc với bên ngoài, nên bán cầu não trái có thể hoàn thành nhiệm vụ “trực đêm” Tamaki cho biết.
Nếu bạn muốn làm tăng khả năng được ngủ ngon tại nơi lạ thì Tamaki chỉ đơn giản khuyên bạn nên cố gắng thư giãn và đừng suy nghĩ gì trước khi đi ngủ. “Đừng nên lo lắng vì lo lắng sẽ đánh thức não bộ, bạn có thể đem theo vật gì thân thuộc và khiến bạn cảm thấy thoải mái khi ngủ ở một nơi trường lạ” Tamaki chia sẻ thêm.
Adrian Williams, một nhà nghiên cứu y học giấc ngủ tại Đại học Hoàng gia London, cho biết hiện tượng “đêm đầu tiên” trái ngược với những bệnh nhân mất ngủ của ông. Những bệnh nhân của ông thường ngủ ngon hơn khi xa nhà, bởi vì họ bị ám ảnh phòng ngủ của bản thân tới mức không thể ngủ được. Nhưng kết quả nghiên cứu về vấn đề không ngủ được ở môi trường lạ rất thuyết phục và hấp dẫn.
Bảo Ngọc (Newscientist)