Trong phạm vi “vấn nạn gia đình” – chúng tôi xin tóm lược vài phương cách giáo dục, chuyển hóa đơn giản nhưng tích cực theo căn bản những lời Đức Phật đã dạy như sau:
LỜI DẪN NHẬP:
Tôi rất tâm đắc với lộ trình phát triển của một đời người theo tinh thần của Khổng Giáo là: “Tu thân – Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ”. Chúng ta phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất, hay cũng có thể hiểu là từ “nền tảng”, từ cái gốc – thì mới có thể tiến dần lên cái lớn – cái lớn nhất, một cách vững chắc và tốt đẹp được. Quan niệm như vậy, nên chúng tôi muốn tham gia góp một vài suy nghĩ, chung quanh đề tài “Vấn nạn Gia đình và Giải pháp của Phật giáo” trong buổi gặp gỡ thân tình hôm nay.
THỰC TRẠNG VỀ MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH:
Vì thời lượng rất hạn chế dành cho một bài tham luận đúng quy định của Ban Tổ chức (15 phút) – nên chúng tôi cũng chỉ xin nêu lên những nét lớn, có tính khái quát – để từ đó, chúng ta có thể suy nghĩ thêm. Có thể bổ sung và rút ra những phương cách thiết thực nhất trong việc thực hành sau này …
Gia đình được định nghĩa là “nơi gia quyến đoàn tụ với nhau” – đó là đơn vị cơ bản hình thành nên xã hội. Chúng ta có thể ví “gia đình” là cái nền, cái móng, cho “căn nhà xã hội” rộng lớn phát triển. Cái nền móng có tốt, có vững chắc – kiên cố – thì căn nhà mới bền vững, không lo sợ bị sụp đổ, gây nhiều tác hại cho mọi người.
Nhưng trong thực tế đời sống “cái nền móng” tối quan trọng đó đang có vấn đề. Hay nói rõ hơn đang là “một vấn nạn”. Sở dĩ chúng ta gọi là “vấn nạn”, vì “cái nền móng” ấy (gia đình) đang có những triệu chứng lung lay, gặp sự cố xấu, có biểu hiện tan rã đau lòng-ảnh hưởng làm suy thoái đạo đức, tạo sự bất an trong xã hội. Chúng ta gọi là “vấn nạn” là vì từ xưa đến nay – nhiều người đã quan tâm giải quyết-tốn nhiều thời gian và giấy mực –mà cũng chưa có thể làm tốt hơn được nếu không muốn nói là đang có chiều hướng xấu đi !
Cách nay hơn 100 năm – Trần Tế Xương (1871-1907) đã từng than:
“Nhà kia lỗi đạo con khinh bố !
Mụ nọ chanh chua vợ mắng chồng”.
Như định nghĩa sơ khởi đã đề cập ở trên – gia đình là “nơi gia quyến đoàn tụ với nhau” – nói rõ hơn, là nơi ông bà, cha mẹ, chồng vợ, con cháu sống chung với nhau. Vì sự chung sống gần gũi với nhau, nên mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình luôn nẩy sinh, luôn phát triển. Đây chính là đầu mối của mọi vấn đề xảy ra trong gia đình có được sự hạnh phúc hay khổ đau; an bình hay bất an; vinh hạnh hay tủi nhục, v.v…
Chúng ta hãy nhìn rõ vào “mối quan hệ” ấy trong thực tại đời sống đã và đang xảy ra như thế nào chung quanh chúng ta ?
Ông bà là người đã cao tuổi – có thể gọi là “chủ hộ” – chủ gia đình; có uy thế cao nhất. Con (rể, dâu) và cháu (chắc,v.v) là những thành viên nhỏ tuổi tiếp theo cùng chung sống trong một mái gia đình. Mối quan hệ từ “ông bà” đến các cháu phải trải qua giai đoạn các con (cha mẹ của các cháu). Cấp bậc trong gia đình thấp hơn thường “nhìn theo” (hay noi theo, làm theo) người trên mình; bởi vì họ hãy còn thơ trẻ – chưa có nhận thức rõ ràng, đúng đắn; cần phải nương nhờ vào ‘người trên” mình.
Muốn cháu (chắc,v.v..”) có mối quan hệ tốt với “ông bà”- nghĩa là có cách cư xử lễ phép, ngoan hiền, cung kính – thì các bậc làm cha mẹ phải “làm gương”, phải uốn nắn, hướng dẫn, dạy dỗ đúng cách.
Xã hội ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật tiến bộ nhanh chóng đã đòi hỏi đời sống con người phải bươn bả chạy theo, phải bị “dính mắc” vào nhiều nhu cầu, nhiều ham muốn, cám dỗ. Vì mải mê chạy theo “nhịp sống thời đại”, nên họ không còn có chút thời gian nào dành cho những người thân chung quanh. Thậm chí cho chính bản thân mình. Họ đã biến những con “robot” ích kỷ, tham lam, lạnh lùng từ lúc nào chính họ cũng không có thời gian để nhận biết.
Hệ quả mang lại là:
– Họ sống xa rời cha mẹ, không làm tròn bổn phận hiếu thảo, và sau cùng là bỏ bê khinh thường, và quên lãng đấng sinh thành ra mình ! Thậm chí, có kẻ còn cư xử thô bạo, vô lễ, bất nhân đối ông bà, cha mẹ chỉ vì những ham muốn ngông cuồng; chỉ vì quyền lợi cho riêng mình. Những tin tức phản ánh ghi lại trên báo chí hằng ngày cho thấy tình trạng đã rất bi đát.
Con đối xử với cha mẹ vậy – không có lễ nghĩa, hiếu thảo; không có chút tình thương yêu, cung kính – thì các cháu làm sao có thể tốt hơn khi tuổi còn quá nhỏ ? Chúng sẽ “bắt chước” lối sống ấy qua thời gian. Và cuối cùng, lớn lên – với một “nếp nhà” như vậy – chúng lại tiếp tục hành xử với ông bà, cha mẹ mình. Đời sống cứ tiếp tục như vậy. Các thế hệ con – cháu cứ tiếp diễn như vậy. Câu chuyện nhỏ trong sách “Giáo Khoa Thư” ngày xưa kể chuyện đứa con thấy cha mình làm gáo dừa cho ông nội ăn cơm khỏi bị rơi bể; đã tự làm “chén vỏ dừa” để dành cho cha mình lúc về già – đáng để cho tất cả chúng ta suy ngẫm. Phương cách giáo dục giáo điều ở phương Tây vào TK 17-18 đã quá lỗi thời, phản khoa học: “Hãy làm những gì tôi nói – không làm những gì tôi làm”. Hình như vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong các gia đình ở Việt Nam.
Trong mái gia đình ấy – còn có mối quan hệ quan trọng khác cần đề cập là “quan hệ giữa chồng – vợ” (và vợ đối với chồng). Mối quan hệ này có thể coi là nền tảng của hạnh phúc gia đình, bởi vì, sợi dây nghĩa tình này có một sự liên kết chặt chẽ với tất cả những thành viên khác. Người phụ nữ ngày nay đã được xã hội trả lại sự bình đẳng đã bị tước mất từ nhiều thế kỷ trước. Họ đã chứng tỏ có đầy đủ năng lực, trí tuệ, để được hưởng quyền lợi thiêng liêng ấy. Vì vậy, mối quan hệ giữa “chồng/vợ” phải được thay đổi cho phù hợp với đời sống mới. Tuy nhiên, trong nhiều gia đình – vẫn còn đang duy trì, níu giữ mọi quyền lực vào tay người chồng. Do tư tưởng lạc hậu ấy – người chồng đã có lối hành xử độc tài, thô bạo; không tôn trọng đối với người bạn đời của mình – dẫn tới rối loạn, khổ đau và tan rã !
Bên cạnh đó, thiết tưởng cũng nên nói thêm – mối quan hệ giữa “vợ” đối với “chồng” cũng có nhiều “nhược điểm” cần phải được xét lại, chấn chỉnh và kịp thời uốn nắn: Đó là sự “lạm dụng” quyền bình đẳng để trở nên kiêu căng; sự thiếu thủy chung ở một số người và sau cùng là sự “không biết đủ” trong sinh hoạt thường nhật của người vợ. Tất cả các nguyên nhân ấy cũng đã đem lại bao thảm cảnh cho “mái ấm gia đình” phải ly tán, chia lìa – để lại tác hại lâu dài cho con, cháu sau này…
PHƯƠNG CÁCH ĐỂ CHUYỂN HÓA (Theo giải pháp của Phật Giáo)
Khi còn tại thế, Đức Phật cũng đã rất quan tâm tới mối quan hệ trong gia đình, và Ngài đã có nhiều lần khuyến dạy trong các tạng kinh về cách cư xử của các con đối với cha mẹ (và ngược lại) của vợ đối với chồng (và ngược lại) của chủ với người giúp việc (và ngược lại). Nói rộng ra, mối quan hệ giữa người với người; giữa người với vạn vật, thiên nhiên đều đã được Đức Phật chỉ dạy, hướng dẫn một cách tường tận, thấu đáo để đem lại cho mọi người, mọi gia đình một giá trị hạnh phúc đích thực đầy trí tuệ và đạo hạnh. Bên cạnh đó, bàn bạc trong tất cả giáo lý của đạo Phật – luôn luôn hàm chứa một năng lực chuyển hóa giáo dục rất sâu sắc, mạnh mẽ. Chúng ta có thể khẳng định một cách không do dự rằng – triết lý của đạo Phật là kim chỉ nam để giải quyết cho mọi vấn nạn về con người, về đời sống mà nhân loại cần phải nhanh chóng nắm bắt và thực hành nếu muốn có một nền hòa bình và hạnh phúc chân chính bền vững.
Trong phạm vi “vấn nạn gia đình” – chúng tôi xin tóm lược vài phương cách giáo dục, chuyển hóa đơn giản nhưng tích cực theo căn bản những lời Đức Phật đã dạy như sau:
1. Đức Phật Thế Tôn đã từng dạy: “ Dù tại gia hay xuất gia; dù là Thanh Văn hay chư Phật đều có bổn phận đền ơn cha mẹ. Vì Tâm Hiếu là Tâm Phật”. Ngài kết luận: “người nào muốn đạt đến cứu cánh Phật đạo – người ấy phải tuyệt đối hiếu kính cha mẹ”. Như vậy, theo Phật giáo – trước khi là người Phật tử phải là một con hiếu thảo, một người cháu ngoan hiền. Khi đã được giáo dục, rèn luyện để trở nên một người con có hiếu, tức là xây dựng nên một con người đạo hạnh. Từ cái gốc ấy – mọi quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội cũng sẽ được tốt đẹp.
2. Con người được sinh ra – tất cả đều được bình đẳng, vì mỗi chúng sinh đều có “Phật tánh”. Không phân biệt nam – nữ, già trẻ, giàu –nghèo v.v… Do vậy, sự “tôn trọng lẫn nhau” là điều cần thiết – là điều Đức Phật đã nhiều lần khuyến dạy. Mỗi hành động trong mối quan hệ (nói chung) nếu thiếu sự “tôn trọng” là sự khiếm nhã; đã tự mình đánh mất sự tôn trọng ở người khác. Mất đi sự sẻ chia, cảm thông và sau này là tình yêu thương. Đã không còn có sự lắng nghe, thông cảm và sẻ chia thì các mối quan hệ làm sao được tốt đẹp.
3. Rèn luyện và giữ gìn “bá nghiệp” luôn được thanh tịnh, trong sáng. Khi thân không có hành vi thô bạo, miệng không nói lời thô lậu, ý nghĩa không điên đảo, mê muội – thì mọi mối quan hệ giữa Ta và Người luôn luôn êm đẹp, thắm thiết. Ba nghiệp Thân – Khẩu – Ý hằng thanh tịnh còn đưa người tiến xa hơn trên bước đường thiết lập sự an lạc vĩnh hằng.
4. Xây dựng từng bước cho sự hình thành vững chắc “Bốn Tâm Lớn” (Tứ Vô Lượng Tâm) là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Bốn tâm ấy được gọi là “vô lượng” vì nó rộng lớn, bao la – có thể dung chứa được tất cả. Khi nó đã dung chứa được tất cả, thì mọi sự, mọi việc đều sẽ tan biến. Tâm ta bao dung được tất cả mọi người, mọi loài – thì đâu còn những thứ như: khổ đau, phiền não, chấp trước, đố kỵ trong mọi mối quan hệ trong gia đình – ngoài xã hội ?
5. Những lời Đức Phật Thế tôn đã giảng dạy trong các kinh – đều luôn hàm chứa một sự chuyển hóa, giáo dục tích cực cho cuộc sống an lạc, hạnh phúc của mọi người. Do vậy, sự hiểu biết thêm về giáo lý đạo Phật sẽ góp phần củng cố, xây dựng cho triết lý sống của mỗi người thêm phong phú – vững chắc trước mọi biến động theo chiều hướng tiêu cực của thời đại. Gần gũi và cần thiết trước mắt cho việc giải quyết các “vấn nạn” trong gia đình là các thuyết giảng về: Nhân – Quả; Nghiệp; Nhân duyên; “Tam thánh đế” (Khổ – vô thường – vô ngã) … sẽ giúp ích rất nhiều cho người với tất cả ý nghĩa thiêng liêng cao quý… (và nếu gia đình nào cũng sống theo phép “Lục Hòa” và xã hội ứng xử với nhau bằng “Tứ nhiếp pháp” (Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) thì nhà nhà yên vui, người người yên vui, xã hội an bình, đất nước giàu mạnh … tuyệt vời biết bao. Theo quan điểm của TG – PNT).
LỜI KẾT LUẬN:
Với một “vấn nạn” gay go, to lớn, có nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi người như vậy – những điều chúng tôi vừa trình bày, chỉ mới là “bước khởi đầu” cho nhiều sự đóng góp, xây dựng sau này mà thôi. Nếu được cho phép có một sự yêu cầu – đề nghị thì chúng tôi xin được thưa rằng: “Hãy khẩn thiết đưa triết lý đạo Phật vào trong các chương trình giảng dạy ở các trường Tiểu, Trung và Đại học ở Việt Nam càng sớm, càng tốt”. Bởi vì, thưa quý vị, Văn hóa Phật giáo là văn hóa Dân tộc, văn hóa của loài người văn minh và tiến bộ đích thực và lâu dài…
Lập Tâm tịnh thất
Cư sĩ HUỆ THÀNH / MANG VIÊN LONG