Những suy nghĩ trong bài này rất rời rạc, không hệ thống, có nhiều tính chủ quan, và từ một góc nhìn riêng. Thực tế, có lẽ cũng không ai nhìn hết toàn cành Phật giáo Việt Nam từ trong ra ngoài nước cho toàn triệt. Những sai sót trong bài này hẳn nhiên sẽ có, nhưng hy vọng tất cả đều là góp ý khả dụng cho một số trường hợp. Vấn đề là, làm thế nào để giúp việc hoằng pháp thuận lợi hơn.
Điều Thân
Trước tiên, để nói chuyện điều thân. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hầu hết nơi chánh điện các chùa đều là gạch bông. Thời xa xưa tại Việt Nam, có thể chỉ là sàn xi măng. Không thấy ghế ngồi. Thường, chùa có nhiều giá kinh, sẽ để trước mặt để những cuốn kinh cho Phật tử tụng đọc theo quý tôn túc tăng ni.
Dĩ nhiên, nếu để ghế ngồi, sẽ là y hệt như tôn giáo khác. Nhưng có lẽ, nên để thêm vài hàng ghế hai bên chánh điện giành cho những người cao niên không ngồi xếp bằng trên gạch được. Thêm nữa, chỉ trừ các chùa Thiền Tông, hầu hết các chùa không có nệm và tọa cụ. Có chùa chỉ có tọa cụ, nhưng không có nệm dưới tọa cụ. Ngồi như thế, ngay cả trẻ em tại Hoa Kỳ cũng thấy đau chân, không thể ngồi dài lâu. Người đi chùa hải ngoại hiện nay đa số là cao niên, đa số chỉ dắt theo trẻ em vào chùa khi có tang sự. Và khi các em ngồi chừng một buổi trên sàn gạch bông, có thể các em không muốn tới lần thứ nhì nữa. Do vậy, khi mỗi em vào chùa đều nên có cả nệm và tọa cụ sẽ giúp ngồi yên, thoải mái hơn, và nếu lúc đó được hướng dẫn ngồi thở dịu dàng chừng mươi phút, đó sẽ là kỷ niệm đẹp. Vì không nên mong đợi trẻ em hải ngoại hiểu được lời tụng kinh hay thuyết giảng; hãy để trẻ em cảm nhận ưu thắng của hình ảnh ngồi thiền.
Được điểm may mắn, đa số (có lẽ, hầu hết) các chùa tại Nam California đều nấu ăn ngon. Điều này rất cần thiết, vì sẽ cho các thiếu niên kỷ niệm về ăn cơm chùa. Các em quen ăn mặn ở trường học, bây giờ khi ăn cơm chùa, vừa ngon, vừa giúp cơ thể nhẹ nhàng… đó sẽ là kỷ niệm rất đẹp.
Đức Phật quan tâm chuyện điều thân, xem đây là việc rất quan trọng, nếu chúng ta nhớ rằng Ngài dạy về niệm hơi thở, dạy về niệm 32 chi phần cơ thể. Thêm nữa, trong bộ luận Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) nói rằng người tập thiền nên cẩn trọng về thức ăn, có người ăn ngọt tốt, có người ăn chua sẽ tốt; có người thích hợp với khí trời ấm, có người hợp với khí trời mát.
Một số chùa tu thiền chú trọng vào ngồi nhiều. Nhiều thầy nói rõ như thế. Điều này gây cảm tượng cho Phật tử rằng hễ ngồi lâu, ngồi nhiều là tốt. Như thế là không nên. Vì sẽ có rất nhiều người không thể ngồi lâu, dù là ngồi trên tọa cụ và nệm, huống gì chỉ ngồi trơn trên sàn gạch bông. Có rất nhiều trường hợp, nên để các vị cao niên ngồi ghế tiện hơn.
Bộ luận Thanh Tịnh Đạo nói rằng, có người phù hợp ngồi thiền, có người phù hợp đứng thiền, có người phù hợp nằm thiền, có người phù hợp đi bộ thiền. Và bộ luận nói, người tu nên thử các tư thế đó, cứ 3 ngày một tư thế, và tư thế nào cho tâm an tịnh là nên giữ, và nên hiểu rằng các tư thế khác không thích nghi. (1) Nhưng khi ngồi tập thể, dĩ nhiên không thể thử hết các tư thế. Do vậy, thích nghi nhất, nên luân chuyển hai uy nghi: ngồi thiền và đi bộ thiền. Nhưng trong các khóa thiền cho trẻ em, nên cho xoay vòng cả 4 tư thế đi, đứng, nằm, ngồi… vì như thế, các em sẽ thấy vui hơn. Dĩ nhiên, chỉ là đề nghị thôi, vì nằm trong chánh điện sẽ không trang nghiêm, nhưng ở hội trường sẽ phù hợp hơn. Và nếu ở hội trường, cũng nên dạy các em tư thế thể dục căn bản, vừa vui, vừa có lợi cho trọn đời các em.
Điều Tâm
Bây giờ, nói chuyện điều tâm. Một điểm cần ghi nhận rằng, không nên để bất kỳ Phật tử nào nghĩ rằng mỗi ngày tụng hai thời kinh là đủ. Huống gì là mỗi tuần chỉ tới chùa có vài giờ, có khi tụng kinh, có khi ngồi thiền. Thiệt thòi lớn cho Phật giáo là, đa số Phật tử cả năm chỉ tới chùa vài ngày lễ lớn. Cũng tốt, còn hơn là không đi chùa.
Nhưng Đức Phật luôn luôn nhắc rằng ngay cả các cư sĩ, rằng sáng trưa chiều tối, hiểu là 24 giờ/ngày (nói theo kiểu thời nay), rằng phải hộ tâm trong mọi thời. Lời dạy này do Đức Phật trực tiếp dạy cho cư sĩ Mahanama về sáu pháp niệm (Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Bố Thí, niệm chư Thiên) rằng, như phần niệm chư Thiên:
“Mahanama, con hãy niệm chư Thiên trong khi con đang đi bộ, trong khi con đang đứng, trong khi con đang ngồi, trong khi con đang nằm, trong khi con đang bận làm việc, trong khi con đang nghỉ ngơi trong nhà với con cháu vây quanh.” (2)
Nghĩa là khi niệm Phật, hay niệm Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiên… người Phật tử phải niệm cả trong khi bận tay làm việc, cả trong khi ngồi nghỉ ngơi ở nhà với mọi người khác vây quanh. Nghĩa là, khi đã chọn một pháp để niệm, là 24 giờ không rời niệm (niệm nơi đây, nên hiểu là nghĩ, nhớ, giữ tâm lặng lẽ trên đề mục).
Nghĩa là, mỗi tuần có đi chùa vẫn không đủ, không thấm vào đâu. Nếu tất cả Phật tử — già trẻ lớn bé – đều tu học trong 24 giờ, mới phần nào đúng ý Đức Phật.
Nói chuyện điều tâm, là nói về hiểu nghĩa Kinh Phật. Tụng Kinh nên bằng tiếng Việt đơn giản, không nên sử dụng các văn bản Hán Việt quá nhiều. Thực tế, ngay cả người lớn cũng không hiểu hết đa số kinh văn, huống gì nói tới trẻ em (cả trong nước và ngoài nước). Đó là chưa kể, khi tụng kinh bằng ngôn ngữ địa phương vùng miền; người miền Nam nghe giọng miền Trung, miền Bắc có khi cũng gian nan.
Dĩ nhiên, nếu giữ tâm kham nhẫn, người nghe kinh dù không hiểu cũng vẫn có niềm vui riêng. Nhưng không phải ai cũng thế. Bản thân người viết đã từng ngồi ở rất nhiều ngôi chùa, nghe tụng kinh trong nhiều ngôn ngữ — tiếng Việt, tiếng Tây Tạng, tiếng Nhật, tiếng Pali, tiếng Quan Thoại… – và xem chuyện nghe kinh tiếng khác là bình thường, là tất nhiên, cứ nghe như nghe nhạc là vui rồi (cũng vì cương vị phóng viên, nên mọi chuyện này là tất nhiên).
Nhưng hãy hình dung một thiếu niên tới chùa (ghi nhận: đa số trẻ em tới chùa chỉ vì tang sự cho người thân), nghe kinh và không hiểu gì hết. Phản ứng tất nhiên là, cac em sẽ xem Đạo Phật như là chuyện của ba mẹ, của ông bà… nghĩa là, của quá khứ, không phải của các em, và cũng không phải của tương lai.
Như thế, mô hình nào nên có cho Phật giáo hấp dẫn hơn? Nói thế, không có nghĩa là kêu gọi rời bỏ các thời công phu hàng ngày. Nơi đây, chúng ta chỉ muốn nói bổ túc thêm cho thời khóa nhật tụng, để suy nghĩ về cách tiếp cận với Phật tử và đặc biệt với thế hệ tương lai.
Có một mô hình đã có sẵn, là các chùa thỉnh thoảng có những ngày thọ Bát Quan Trai, có một số chùa mở khóa tu Một Ngày An Lạc, có nơia mở nhưng khóa tu dài ngày như Các Khóa Anapana Cho Trẻ Em Hè 2016 do Trung tâm Ucenlist ở VN thực hiện, hay Khóa tu tiếng Việt “Khơi suối yêu thương” tại Làng Mai, Thái Lan, hay các Khóa Tu Phật Thất tại VN, và vân vân.
Đó là những khóa tu làm chùa bận rộn cả ngày, hay bận rộn nhiều ngày. Có thể không thích hợp với nhiều chùa, vì phải chuẩn bị công phu quá.
Tuy nhiên, mỗi chùa có lẽ nên tìm mô hình chỉ cần có 2 hay 3 giờ đồng hồ mỗi tuần để hướng dân Phật tử, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Người viết đã dự một buổi sinh hoạt với các bạn Giới Trẻ Mây Từ do Hòa Thượng Thích Phước Tịnh hướng dẫn, và nghĩ rằng đây là một mô hình sinh hoạt thích nghi với các bạn trẻ này, và hẳn là sẽ thích nghi với nhiều bạn trẻ khác.
Trong 15 phút đầu tiên là ngồi thiền, theo lời hướng dẫn là nên ngồi thế nào, để thân thư giãn ra sao, nên thở thế nào, để tâm vào hơi thở thế nào… Sau đó là giảng kinh, hoặc vị Thầy giảng kinh, hoặc là các thanh thiếu niên đã đọc và soạn trước, rồi tự trần thuyết, với góp ý từ vị thầy. Thỉnh thoảng, sẽ có một bạn cầm đàn guitar hát một ca khúc.
Dĩ nhiên, mô hình trên có thể biến đổi tùy các chùa. Sẽ có chùa không cho đàn hát vào. Sẽ có chùa hoặc tự thầy trụ trì hoặc mời giảng sư bên ngoài vào. Sẽ có chùa mời các nghệ sĩ vào kể chuyện tùy các đề tài thích nghi, như đề tài “ca sĩ tu học ra sao”… Hay mời một bác sĩ vào nói chuyện mươi phút về cách ngừa bệnh… Hay, có chùa dạy thể dục, dạy khí công, dạy Yoga…
Nhưng điều quan trọng nhất nên có hàng tuần cho Phật tử (già trẻ lớn bé) là nên có 15 phút ngồi thở. Vì hơi thở sẽ giữ sức khỏe, chữa vô số bệnh. Thêm nữa, Phật tử đi làm suốt cả tuần mệt nhọc, thanh thiếu niên đi học ở trường vất vả cả tuần, có 15 phút ngồi thiền lăng lẽ ở chùa sẽ là những giây phút tuyệt vời. Bởi vì, chỉ cần ngồi xuống (dù là ngồi trên ghế, hay cho các em nằm, nếu cần), thở dịu dàng vài phút là sẽ thấy an lạc ngay.
Điểm thứ nhì quan trọng là mỗi tuần nên giảng một bài kinh (hay một đoạn kinh, hay một câu kinh). Hãy để Phật tử mỗi tuần khi rời chùa sẽ nhớ một điều gì trong lời Đức Phật dạy. Thí dụ, dạy rằng hãy tin sâu nhân quả, rằng hãy thấy các pháp vô thường. Hay nên giảng về bài Bát Nhã Tâm Kinh (nên sử dụng bản tiếng Việt, bỏ hẳn bản âm Hán Việt; nếu cần, nền dùng song ngữ Anh-Việt).
Hiện nay, rất nhiều chùa không dạy ngồi thiền, cũng không hề giảng kinh gì, rất nhiều chùa chỉ tụng kinh (và thanh thiếu niên không hiểu). Như thế, khi rời chùa, rất nhiều Phật tử không hiểu, không nhớ. Và khi tang sự hoàn tất, sau 49 ngày hay 100 ngày, nhiều Phật tử thấy không cần tới chùa nữa (có khi bay đi tiểu bang xa). Thiệt là tiếc vô cùng.
Hoằng Pháp
Hiện nay, có lẽ quý Thầy trong nước nên nghĩ tới việc thiết lập, hay hỗ trợ thiết lập một nhóm cư sĩ chuyên biên dịch các vấn đề Phật giáo và xã hội. Không phải chuyện kinh điển. Các vị cư sĩ này nên tìm đọc và dịch các sách tiếng Anh về Phật giáo thế giới đã đối phó với các nan đề xã hội ra sao, hay về tâm lý thanh thiếu niên, hay về tình hình các tôn giáo khác đang phát triển cách nào trên thế giới, hay về tương quan khoa học và Phật giáo… Nếu quý Thầy lập ngân quỹ để hỗ trợ các dịch giả, như thế sẽ có lợi vô cùng. Thực tế, nghề dịch thuật và nghiên cứu thuần túy không kiếm sống nổi, hoặc là sống cực kỳ gian nan, theo lời dịch giả Nguyễn Minh Tiến.
Hiện thời trên nhiều diễn đàn, nhiều bài viết cố ý bóp méo lịch sử 1963 của PGVN. Đó là phần Việt ngữ. Nhưng không ai bóp méo được các tài liệu viết bằng Anh ngữ, trong đó có các sách giáo khoa liên hệ về lịch sử PGVN thời 1963 đang dạy ở các đại học Mỹ, cũng như không ai bóp méo được các hồ sơ giải mật về 1963 của CIA và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Như thế, riêng về phương diện lịch sử, rất nhiều hồ sơ và tài liệu tiếng Anh đang cần được đọc và dịch.
Về hoằng pháp, hiện nay có nhiều Tăng Ni ưa thích lên YouTube, hay lên TV giảng… nhưng không nhiều Tăng ni chọn cách hoằng pháp bằng chữ viết. Cả hai phương tiện (âm thanh, chữ viết) đều cần thiết như nhau.
Nhưng nên suy nghĩ rằng, có một số thầy giảng bằng văn nói đã không dẫn được kinh điển. Điều này có khi sai lạc, và người nghe tự nhiên là nghe lệch kinh điển. Xin đề nghị, trước khi quý Thầy giảng trên YouTube, nên soạn văn bản thật kỹ.
Trong khi chữ viết cho độc giả vài phút là đọc xong, còn nghe có khi mất cả giờ. Thêm nữa, nhiều Thầy nói trên YouTube chỉ là qua trí nhớ, và trí nhớ có thể sai lầm. Còn khi viết, tất nhiên sẽ phải tra cứu lại, và như thế sẽ cẩn trọng, sẽ chính xác hơn.
Chỗ này, xin kể một kinh nghiệm giữa văn nói và văn viết. Từ khi đứa con của người viết còn nhỏ, người viết đã chở cậu bé đi chùa, nói rằng hãy cúng tiền vào các thùng phước sương, mỗi lần như thế hãy nhẩm trong đầu, “I wish for everybody OK, healthy, happy and will become a Buddha…” (Con xin nguyện cho mọi người an lành, khỏe mạnh, hạnh phúc và sẽ trở thành Phật.)
Tới khi cậu bé trở thành một thanh niên, đi học xa… người viết mới gõ email câu văn trên để nhắc nhở, mới nhìn thấy rằng lời mình dạy hóa ra là sai cú pháp tiếng Anh. Vì phần đầu là đặt theo thể câu song song (parallel structure) với mỗi phần tử là một tĩnh từ, và do vậy có 3 tĩnh từ phù hợp, nhưng phần sau là trật thể câu song song. Hóa ra, suốt hai thập niên, mình dạy một lời nguyện sai cú pháp, và cậu bé Mỹ gốc Việt đã kham nhẫn, chịu im lặng nghe ba dạy hoài như thế, nhưng có lẽ, chàng trai đó đã tự sửa trong đầu theo ý riêng, hay theo cách đặt câu riêng.
Nơi đây, chỉ muốn nói, văn nói sẽ không an toàn như văn viết. Chỉ xin quý Thầy khi dạy ở YouTube hay TV hãy soạn kỹ càng, vì nói thuần theo trí nhớ sẽ có khi trật.
Thêm nữa, đó cũng là lý do, quý Thầy nên khuyến khích các thanh thiếu niên viết. Bất kể viết gì. Làm báo tường cũng được. Hay viết cho trang web của chùa, hay cho các trang web khác, hay viết trên Facebook. Viết chuyện về bà ngoại tụng kinh ra sao, về kỷ niệm với tiếng chuông chùa ra sao, về cách nấu món chay thế nào, về việc phóng sanh trong ngày lễ, về cảm giác khi ngồi thiền lần đầu ra sao, và vân vân. Hãy khuyến khích trẻ em cầm bút, vì sẽ tự nhiên tập các em suy nghĩ, và sau này các em sẽ là những cột trụ cho giáo hội. Trẻ em trong nước viết bằng tiếng Việt, trẻ em ngoài nước viết bằng tiếng Anh. Vì viết là phải suy nghĩ, là phải tìm đọc. Đó là một cách đào tạo thế hệ tương lai.
Gắn Bó Với Làng Xóm
Các chùa nên gắn bó với làng xóm chung quanh. Nếu nghĩ rằng mặc kệ chuyện chung quanh, hãy lo cho các cụ vãng sanh trước, tất nhiên là sai hoàn toàn, vì xuất gia có nghĩa là ra khỏi nhà ba cõi, lại để tâm rơi vào 4 vách tường sân chùa, tất là hỏng.
Tình hình hiện nay là rất nhiều chùa giàu, và cũng rất nhiều chùa nghèo. Nếu quý Thầy nơi chùa giàu giúp các chùa nghèo đứng vững,
Có những chùa nghèo ở Nam California, như Đạo Tràng Nhân Quả, nơi trần chánh điện bị mưa dột, và rất là vất vả để quyên góp — theo lời Sư Cô Quảng Bác nói với nhạc sĩ Trần Chí Phúc và nhà báo PTH, rằng không biết làm sao để kiếm ra 6.000 USD để sửa chánh điện.
Chùa Thiên Ân Desert Zen Center
Chùa Thiên Ân / Desert Zen Center 10989
Buena Vista Rd., Lucerne Valley, CA 92356-7303
Copyright Eric Reed
Hay như trường hợp ngôi chùa của Thầy Thích Ân Giao (vị sư người Mỹ trắng, học trò của cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân, cũng là tự hào của PGVN) cơ nguy sụp đổ và cần 15.000 USD để sửa cho an toàn. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát kể rằng nhiều học tăng da trắng xin nhập chúng, nhưng không có chỗ an toàn trong ngôi chùa đang rệu rã này. Được biết, các bạn Giới Trẻ Mây Từ đang tìm hiểu việc này, xem có thể hỗ trợ gì không. Đó là chuyện hải ngoại, thấy trước mắt.
Có một suy nghĩ nên đề ra với quý Thầy trong nước, rằng tất cả các chùa trong phương tiện có thể có, nên khuyến khích trẻ em học tiếng Anh và vi tính. Các chùa nên mở các lớp về hai môn này, hoặc hỗ trợ các chùa đang có các lớp này. Bởi vì các học sinh đó sẽ trở về chùa, sẽ gắn bó với chùa, khi thấy tương lai các em thuận lợi nhờ các buổi học trong khuôn viên chùa.
Thêm nữa, hiện nay đang có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp bậc cử nhân thất nghiệp. Nếu các chùa mở các lớp dạy kèm trẻ em tiếng Anh và vi tính, mời các bạn trẻ cử nhân tạm thời vào dạy, cũng là lối đi nhà Phật, vì Kinh có nói, Đức Phật không rời bỏ chúng sinh.
Ngoài ra, trong những cảnh khổ của rất nhiều làng xóm hiện nay, nếu không mở từ tâm, không giúp người chung quanh, hiển nhiên là tự giam mình trong 4 bức vách, sao gọi là ra khỏi nhà ba cõi cho đặng.
Chỉ cần lắng nghe, là thấy có chuyện để giúp rồi. Chùa với dân trong xóm nên hòa lẫn vào nhau, trong một số phương diện.
Thí dụ như chuyện một Thượng tọa ở Bà Rịa, gom hết tiền trong chùa ra để giúp 2 cô gái nhảy sexy chuyển nghề. Xin nghe video Luật Nhân Quả – Thầy Thích Thiện Thuận, nghe ở phút: 1:17:23:
Hay như chuyện một Ni sư ở Vĩnh Long, thấy cảnh dân nghèo mới khởi tâm làm từ thiện; lạ là, hễ xin gì là đươc nấy, nhưng chỉ được vừa đủ để làm từ thiện từng việc — xin nghe Mẹ Hiền Quan Thế Âm: qua lời kể của Ni Sư Như Thủy.
Đó là những trường hợp gắn bó với dân, hệt như lời dạy trong Kinh Từ Bi. Nếu giáo hội lấy việc này làm chính sách, để cửa chùa rộng mở hơn, hẳn sẽ là tuyệt vời.
Những ý nghĩ rời ghi trên không ghi hết được công đức của tất cả các tăng ni, cư sĩ trong và ngoài nước đang hộ pháp, đang hoằng pháp trong cương vị riêng mỗi người. Trong nước, không khí tu học hình như sôi nổi hơn, qua các bản tin đọc được. Nhưng ngoài nước, nhìn thấy Phật tử tới chùa đa số là tóc bạc nhiều hơn tóc xanh, rất đáng lo vậy.
GHI CHÚ:
(1) Visuddhimagga, bản Anh dịch của ngài Bhikkhu Nanamoli, trang 124
http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/nanamoli/PathofPurification2011.pdf
(2) Kinh AN 11.13 — Mahanama Sutta
http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an11/an11.013.than.html