Hội chứng Giáo chủ là hội chứng Cuồng tín Bản thân, như anh chàng Narciss chỉ say mê cái hình ảnh của mình trong gương. Và từ đó y nhào nặn ra một lớp tín đồ mê muội và hướng dẫn bọn họ đi theo cái cuồng tín của mình
Bài liên quan:
>>Cái gọi là 'đạo Sư' Thinley Nguyên Thành
Con người vì tham lam, sân hận, mê si mà đã gây tạo vô số lỗi lầm, kết cuộc đưa đến đau khổ triền miên không dứt cho ta và người khác. Khi cái “mê chấp” phát triển cực điểm, thì họ sẵn sàng hành động bất kể điều gì. Điều xấu nào cũng dám làm. Điều ác nào cũng không bao giờ chối bỏ. Vì thế, khi đã hết trò chơi xấu ác, họ bày ra trò HAM MÊ LÀM GIÁO CHỦ để lừa gạt chúng sanh, phỉnh phờ mọi người để thoả mãn tham vọng “ưa làm sếp lớn” “ưa làm kẻ độc tôn” hoặc “ưa làm đấng cứu thế” được tôn sùng, tâng bốc, bợ đỡ…
Thinley Nguyên Thành hay cái gọi là “Đạo sư Thinley Nguyên Thành” thế danh Nguyễn Hữu Lợt
Nay là thời “pháp nhược ma cường”, (nghĩa là: ảnh hưởng của chánh đạo thì yếu ớt, mà ảnh hưởng của ma lực thì rất mạnh), cho nên chúng ta thấy thế giới này hiện đang xuất hiện nhiều vị giáo chủ. Đối với những người Phật tử không chịu nghiên cứu cẩn thận và nghiêm túc thì sẽ không có cái nhìn đúng đắn, “thật giả bất phân” và dẫn tới những kết quả tai hại.Vì lý do như thế, mà ngoài những căn bệnh chết người, gây nguy hiểm cho xã hội như hội chứng AIDS, hội chứng EBOLA, hội chứng xuất huyết não, hội chứng nhiễm trùng máu, v...v... thì chúng ta thấy Hội chứng Giáo chủ cũng đã là thứ bệnh hoạn gây nhiễu loạn và mang lại những nguy cơ vô cùng lớn lao không thể lường trước được cho xã hội con người.
GIẢI NGHĨA TỪ NGỮ
Từ ngữ HỘI CHỨNG GIÁO CHỦ gồm 2 từ ngữ ghép lại với nhau: Hội chứng và Giáo chủ.
Từ ngữ Hội chứng (syndrome), theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia là một tập hợp các dấu hiệu bệnh và triệu chứng có mối tương quan với nhau và thường với một bệnh cụ thể. Từ này xuất phát từ Hy-lạp, σύνδρομον (hội chứng), có nghĩa là "concurrence" ("tính đồng thời").[1]
Từ ngữ Giáo chủ, theo Huệ Quang Đại Từ Điển do đại sư Thích Minh Cảnh chủ biên, Tập 3, trang 2643:
Giáo chủ nghĩa là: Vị sáng lập một tôn giáo nào đó, hoặc người chủ trì giáo đoàn, hoặc cũng có thể chỉ cho vị Chủ tôn tuyên nói kinh giáo.
Theo ý nghĩa ấy, thì chúng ta có thể hiểu:
Ví dụ: Đức Jesus Christ là giáo chủ của đạo Thiên Chúa. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của đạo Phật. Đây là nói về người khai sáng một tôn giáo.
Hoặc: Đại giáo chủ A-lếch-xây của Chính Thống Giáo chẳng hạn, đây là nói về người chủ trì một giáo đoàn.
Hoặc: Giáo chủ kinh Hoa Nghiêm là đức Phật Lô-Xá-Na, đây là nói về đấng chủ trì một bộ kinh, một giáo thuyết, làm cơ sở cho chúng sanh y chỉ mà tu hành.
Thinley Nguyên Thành hay cái gọi là “Đạo sư Thinley Nguyên Thành” thế danh Nguyễn Hữu Lợt
Nhưng, từ ngữ “Giáo chủ” mà chúng tôi thường xuyên nhắc nhở đến trong cuốn sách này, thì có ý nghĩa hạn hẹp như sau:
Giáo chủ nghĩa là người trần mắt thịt, khai sáng hoặc đứng đầu một môn phái, hoặc truyền bá, hoằng dương một lý thuyết tôn giáo nào đó. Dĩ nhiên, có thể hiểu thêm rằng, “Giáo chủ là người đưa ra một học thuyết cá biệt, hoặc vay mượn từ các nguồn tư tưởng khác, rồi viết sách vở, kinh điển luận giải, tụ tập môn đồ, tự dựng thành một môn phái riêng, có thể tạo ra một thứ quyền lực xã hội, kinh tế và chánh trị nào đó, gây ảnh hưởng lớn nhỏ trong một số quần chúng, trong một số địa phương, quốc gia... làm phương hại đến đời sống và cả tâm thức mọi người”.
BỆNH HAM LÀM GIÁO CHỦ
Thật vậy, trên thế giới này, chưa có căn bệnh nào gây quá nhiều tai họa như bệnh ham làm giáo chủ.
Chúng tôi nói quá chăng?
Không!
Dường như ngày xưa, Lão Tử (hoặc một bậc tầm cỡ như Lão Tử) đã nhận xét:
- Làm thầy thuốc lầm thì giết chết một người. Làm địa lý lầm, thì giết cả họ. Làm chánh trị lầm thì gây hại cho một quốc gia, dân tộc. Làm văn hóa lầm thì giết hại cả muôn đời.
Còn nếu làm “tôn giáo lầm” thì giết chết bao nhiêu muôn ức chúng sanh? Bao nhiêu quốc gia, dân tộc? Di hại của việc làm tôn giáo lầm, thì có thể nói là vô lượng vô biên, không cùng tận.
Thế mà hiện nay, có một số người mắc phải căn bệnh “ham mê làm giáo chủ”, ham thuyết giảng và lôi kéo và lừa bịp những kẻ nhẹ dạ, kém phước duyên, với mục tiêu làm thỏa mãn cái Ngã Chấp của mình, hoặc thu hoạch quyền lực tôn giáo, hoặc khao khát hư danh và lợi lộc. Cho nên chúng ta không thể quay lưng với một cái gọi là “Hội chứng Giáo chủ”, một căn bệnh đang xuất hiện, bành trướng và phát triển trên thế giới, có nguy cơ gây tổn hại cho niềm tin của nhân loại và phá hủy những giá trị tâm linh đích thực.
Chính vì vậy, mới có phác thảo về HỘI CHỨNG GIÁO CHỦ để cùng thảo luận về một vấn đề xưa mà không bao giờ cũ sau đây:
THỰC TRẠNG TRƯỚC MẮT.
Tại Việt Nam gần đây, xuất hiện nhiều giáo chủ có ít nhiều quan điểm liên hệ tới đạo Phật như: Ông Tư Sự, Thanh Hải, Lương Sỹ Hằng, Chơn Tánh Nguyên Hương, Tịnh Vương Nhất Tôn, Ông Đạo Hú, đạo sư Chơn Quang, Đạo sư Duy Tuệ, và gần đây xuất hiện một đạo sư mới ra lò: Thinley Nguyên Thành...
Từ năm 1968 cho đến 1984, người viết đã từng trôi giạt khắp các tỉnh phía Nam, trên chặng đường mưu sinh của mình. Và may mắn (hoặc xui xẻo rủi ro) đã được dịp diện kiến, tiếp xúc và sống kề cận một số giáo chủ, do vậy mà có cơ duyên nhận định về con người cũng như bệnh trạng của quý vị giáo chủ ấy. Riêng về các giáo chủ xuất hiện bên Tây Mỹ thì người viết chỉ đọc tất cả những tác phẩm của họ chứ không được dịp gặp mặt, bởi vì một lý do dễ hiểu là, cách trở không gian.
Còn Thanh Hải thì người viết chỉ tham khảo sách vở kinh điển và xem băng đĩa video, nhưng cũng đủ để nhận định về nhân cách, hành trạng, sự nghiệp, và chủ thuyết của “sư phụ”.
Hôm nay, người viết mạo muội trình bày đôi nét sơ lược về một căn bệnh hiểm nghèo, tạm gọi là “Hội chứng Giáo chủ”, qua lắm lần “thực tế tận cơ sở và con người các giáo chủ” cũng như qua một số tư liệu mà mình sưu tập được.
Chúng tôi cố gắng giữ thái độ khách quan và trung thực khi tường thuật những sự kiện mắt thấy tai nghe về cuộc đời và hành trạng của họ, như thể đây là một bài phóng sự ngắn, hoặc bút ký, hoàn toàn xác thực và không chút hư cấu, làm văn chương hay tưởng tượng. Đương nhiên là người viết vẫn phải duy trì quan điểm chánh kiến của đạo Phật khi nhận định về những sự kiện sau.
Nói chung, “hội chứng giáo chủ” là hội chứng của Ngã Chấp cho nên:
CÁI NGÃ CỦA CÁC NGÀI RẤT TO LỚN
Dường như tất cả các vị giáo chủ đều có “Cái Tôi” rất lớn, nghĩa là “ý niệm Chấp Ngã“ vô cùng vĩ đại. Luôn luôn tự cao tự đại một cách rất thô thiển và ấu trĩ. Họ chỉ cho bản thân mình là quan trọng nhất, là đáng tôn thờ nhất, nhân cách của mình là siêu tuyệt nhất, tài năng và công phu tu tập của mình thì không ai sánh kịp. Trí tuệ đệ nhất. Sáng suốt bậc nhất.
Chỉ có họ mới có thể cứu vớt mọi người ra khỏi khổ đau và u mê mà thôi. Những kẻ kém may mắn mới không được gặp gỡ giáo chủ và lắng nghe lời dạy của giáo chủ! Ngoài đức Phật ra, thì chẳng có ai bằng giáo chủ cả!
Riêng sư phụ Thanh Hải thì lại quá quắt hơn, bà ta tuyên bố trong băng cát-xét: Các vị Phật như Thích Ca, Di Lặc, A Di Đà đều là bạn thân của sư phụ cả!
Đây là loại bệnh tâm thần nặng nhất, dường như trên thế giới không có thứ thuốc nào chạy chữa nổi, không ai có thể cứu chữa được, bởi vì căn bệnh này vốn có gốc rễ cực kỳ sâu xa: Bệnh Cái Tôi.
Một triết gia Ấn Độ nói:
Cái “tôi đây” thực sự chỉ có thể được nói tới khi cái tôi bị xoá bỏ. Chúng ta quen với một cái tôi, và cái tôi mà chúng ta biết này thì chẳng là gì ngoài tổng số của tất cả ảo tưởng của chúng ta. Chúng ta tạo ra cái tôi này, chúng ta nuôi dưỡng, chăm nom, làm giàu mạnh thêm cho nó rồi khiến cho nó trở nên cường liệt hơn. Nhưng bởi vì nó là giả và là sự bịa đặt riêng của chúng ta rốt cuộc chúng ta chuốc lấy nhiều rắc rối vì nó, chúng ta trở nên lo nghĩ, phiền não bởi vì cái không phải là bản chất của chúng ta thì bao giờ cũng trở thành gánh nặng cho tâm thức.
(“Con đường bên ngoài mọi con đường”, Ngô Trung Việt dịch)
Nhiều vị giáo chủ còn khoe khoang “thần thông đạo lực” của mình một cách rất thô tháo, khôi hài. Chẳng hạn như: có vị cho mình có khả năng biết được tất cả mọi việc quá khứ vị lai trên thế giới, cũng như thấy rõ tâm niệm và cuộc đời của những người đối diện và tuyên bố có thể nói vanh vách từng chi tiết một. Chó ngáp nhằm ruồi, nhưng phần lớn là... sai bét. Nhưng không sao, những người tín đồ và các đệ tử thì vẫn nghe theo răm rắp. Nếu tiên đoán sai lầm, thì giáo chủ luôn luôn tìm cách giải thích bằng đủ loại thủ pháp rất chợ đời, hoặc ngụy biện sao cho tín đồ nghe lọt lỗ tai.
Ví dụ :
Có ngài Chơn Tánh Nguyên Hương ở Đà Nẵng, sau 1975, bị Công An bắt giữ và tống giam nhiều lần vào trại cải tạo, bởi vì lý do “rao giảng tà đạo, truyền bá tôn giáo bất hợp pháp và gây rối trị an”. Và, đương nhiên phải có chứng cớ rành rành, hiển nhiên, không thể chối cãi – mới bị tống giam và kết án
Sau khi mãn hạn, ra khỏi nhà tù, ngài mừng rỡ vô cùng, viết giấy cam đoan sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Khi trở về nhà, ngồi chễm chệ trên toà sen bằng xi-măng, (còn hơi run...) ngài phán:
- Ta phát nguyện vào tù để giáo hóa những chúng sanh tội lỗi. Bởi vì Ta không vào địa ngục thì ai vào?
Lúc khác, ngài lại dạy:
- Ai mà bắt Ta nổi? Đây là do ý chỉ của Ơn Trên mà Ta phải vào trại cải tạo để giáo hóa bọn tội phạm trở thành những người tu hành chân chính!
Ngài muốn nói sao thì nói, tất cả đệ tử đều lắng nghe và hoàn toàn cung kính tin theo, không chút nghi ngờ! Mà nếu nghi ngờ thì không phải là đệ tử của ngài nữa!
Tìm hiểu qua những người kề cận, chúng ta biết, các giáo chủ luôn luôn tỏ ra ghét bỏ những ai phản đối ý kiến của mình. Mặc dù ông ta thường đề cao tinh thần “dân chủ bình đẳng” trong cái gọi là tập thể đạo tràng, nhưng hễ « ngài » phán gì thì chư vị đệ tử đều buộc phải tuân theo răm rắp. Lời của ngài luôn luôn là khuôn vàng thước ngọc. Hành động của ngài luôn luôn đúng đắn và lời dạy của ngài luôn luôn chính xác.
Hễ đệ tử nào “thành thật bày tỏ quan điểm cá nhân” thì ngài dằn từng tiếng:
- Tất cả những bọn trí thức cao cấp bên Tây bên Mỹ mà còn nghe theo Ta, huống chi mấy ông là cái gì mà bày đặt phản đối thế này thế kia?
Đây là thái độ “mục hạ vô nhân” mà chúng ta thường thấy nơi các giáo chủ. Chỉ với thái độ này, mà chúng ta có thể đánh giá trình độ tu chứng của họ, nhưng không sao, chư vị đệ tử của quý ngài thì vẫn luôn luôn tôn thờ và một mực sùng bái quý ngài đến nỗi có thể xả cả thân mạng để bảo vệ “bậc lãnh đạo tinh thần” của mình.
Từ “Ý Niệm Ngã Chấp” vô cùng to lớn, đã kéo theo hệ quả tất yếu là:
CHỈ CÓ GIÁO PHÁP CỦA MÌNH LÀ CAO SIÊU NHẤT
Các giáo chủ luôn luôn cho rằng, giáo pháp của mình cũng chân chánh nhất, đúng đắn nhất, chính xác nhất, cao siêu nhất, thích hợp thời đại nhất... Còn ngoài ra, tất cả giáo pháp của các môn phái khác đều sai lầm, tà đạo, thiếu sót, và không bao giờ mang lại kết quả thực sự!
Tịnh Vương Nhất Tôn, một giáo chủ gốc Quảng Ngãi, có đôi mắt “lưỡng mục bất đồng”, nghĩa là “chột mắt”, và khuôn mặt tối tăm như kẻ đá cá lăn dưa ngoài chợ, nhưng đã gây ảnh hưởng đáng kể một vùng Nam Ngãi Bình Phú một thời trước 1975.
Tịnh Vương Nhất Tôn lúc nào cũng đích thân đọc những ý tưởng tầm phào của mình cho đệ tử chép lại thành kinh điển, và ngài chỉ thuần rao giảng bằng kinh điển của mình mà thôi. (Cũng bắt đầu bằng Lục chứng tín tự và kết thúc bằng Tín thọ phụng hành, vân vân ... )
Thanh Hải thì “có năng khiếu kinh doanh tôn giáo” hơn, luôn luôn bắt buộc đệ tử phải mua sách kinh và băng đĩa của mình với giá cắt cổ - bởi vì không được sao chép kinh điển của sư phụ được, mà phải mua tại cơ sở truyền bá giáo lý của sư phụ. Tại sao như thế? Trong các sách vở kinh điển của sư phụ bày bán thì đã được sức mạnh tâm linh của sư phụ gia trì, còn nếu sao chép lại thì kinh sách ấy không có giá trị, bởi vì không có sự gia trì quý báu của sư phụ và đương sự có thể chuốc lấy những quả báo chẳng lành!
Thật là một chiêu khuyến dụ vô cùng trân tráo, vô đạo đức - thế mà vô số đệ tử của bà ta vẫn tin theo. Quả là... hết thuốc chữa!
Vài vị giáo chủ cũng thế, ông ta luôn luôn cho rằng, cái “giáo lý cóp nhặt từ Đạo Phật” của mình là “đã về đã tới”, là giáo lý hoàn chỉnh cho bất kỳ hành giả nào. Chỉ cần hành trì theo pháp ấy là đủ.
Nhưng để làm gì?
Hay là chỉ quyến rũ được một số đệ tử mê muội, kém học và kém cơ duyên, những người Tây phương vốn có trình độ văn minh vật chất thừa mứa tiện nghi, nhưng căn cơ tâm linh thì dường như vẫn còn trong tình trạng man dã? Chân lý nhà Phật đâu cần được bảo chứng bởi bọn mắt xanh mũi lõ và bọn trí thức Tây học?
DỐI TRÁ
Để thực hiện những ý đồ và tham vọng “oai trấn giang hồ”, tất cả quý vị giáo chủ buộc phải dối trá.
Kinh điển Phật giáo và văn bản nhà Thiền mà ngài xem như tiểu thuyết viễn tưởng không bằng. Muốn dịch sao thì dịch, muốn viết sao thì viết, muốn giảng sao thì giảng! Không nghĩ tới trách nhiệm của một nhà hoằng pháp, một người trao truyền Chân lý!
Dối Trá là một đặc chất cơ bản, hễ kẻ nào muốn làm giáo chủ thì phải dối trá. Nếu chúng ta không muốn nói thêm rằng, tính chất Dối Trá chính là nền móng cần thiết nhất để xây dựng sự nghiệp giáo chủ! Bởi vì ngai vàng của Giáo chủ thì luôn mang lại vô số quyền lực nhằm thỏa mãn “Cái Tôi” một cách đầy khoái cảm, cho nên nhiều vị giáo chủ biết mình đang dối trá, nhưng không thể từ bỏ được!
Còn Chơn Tánh Nguyên Hương đạo sư thì...
Một hôm nọ, một người bạn mang đến cho chúng tôi cuốn sách “Mười tông phái Phật giáo”, tác giả là Chơn Tánh Nguyên Hương đạo sư, mà anh bạn cho là vô cùng mới lạ và thú vị, và không tiếc lời ca tụng một vị giáo chủ đạo cao đức trọng, mà cũng sáng tác một cuốn sách giá trị về nhiều mặt, học thuật cũng như đường lối tu tập.
Chúng tôi hí hửng lật từng trang sách. Nhưng... đọc qua nội dung, chúng tôi cảm thấy cuốn sách này có vẻ quen quen, như từng mình đã đọc ở đâu đó rồi.
Anh bạn thiệt thà bảo: “Đây là cuốn sách do đạo sư vừa sáng tác, và mới phát hành không bao lâu!”.
Cuối cùng, tôi lục trong tủ sách của mình, nhặt ra cuốn “Các tông phái đạo Phật”, Tuệ Sỹ dịch từ nguyên tác của Junjiro Takakusu: The Essentials of Buddhism Philosophy, do ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản 1973 tại Saigon.
(Ghi chú: Nguyên đề của sách là The Essentials of Buddhist Philosophy mà lần tái bản này sẽ giữ nguyên, dịch theo tiếng Việt là Tinh hoa Triết học Phật giáo).
Và chúng tôi đối chiếu 2 cuốn sách ấy rất kỹ lưỡng, mới phát hiện ra một sự kiện bi hài: Tác phẩm của Chơn Tánh Nguyên Hương đạo sư là BẢN SAO HOÀN TOÀN cuốn sách nói trên của dịch giả Tuệ Sỹ! Té ra, Đạo sư nhà ta đã “thuổng” cuốn sách của Tuệ Sỹ và Ngài chỉ làm một việc duy nhất: đặt tên của mình lên đầu cuốn sách kia và tự nhận mình là tác giả! (chúng tôi cười không nổi!)
Qua quá trình “điều tra”, chúng tôi mới biết rằng, đạo sư Chơn Tánh Nguyên Hương vốn là cựu sinh viên của Viện Đại học Vạn Hạnh trước 1975!
HAM THU HÚT ĐỆ TỬ VÀ ƯA THÍCH SÙNG BÁI, TUNG HÔ!
Bất kỳ giáo chủ nào cũng ham hố việc lôi kéo đệ tử ngày càng đông càng nhiều. Và họ luôn luôn tự hào về số lượng đệ tử mà mình có được. Tâm linh và Chân lý mà lại bị quý giáo chủ đánh giá qua số lượng tín đồ!
Khi diện kiến Chơn Tánh Nguyên Hương, tôi thấy ông ta quá tầm thường, nên tỏ ra không thích thú chi mấy. Lại nghe ông ta giảng có vẻ tà kiến và mê tín với phong cách chợ đời chỉ thích hợp với người dân quê, hoặc kém học, nên tôi ngồi nghe khoảng nửa tiếng đồng hồ, rồi xin phép ra về. Ông ta bảo:
- Hãy ở lại đây, ta sẽ dạy pháp môn đặc biệt cho anh mau giác ngộ.
Tôi thưa:
- Tui đã có pháp môn Niệm Phật rồi!
Ông ta gật đầu nói:
- Ta dạy anh đừng niệm Nam mô A di đà Phật theo kiểu cũ nữa. Mà niệm như thế này: ÚM, A DI ĐÀ PHẬT, thì hữu hiệu hơn, giác ngộ nhanh chóng hơn...
Tôi cười:
- Cảm ơn, nhanh một chút hay chậm một chút để làm gì chứ?
* * *
Như đã nói, có nhiều vị giáo chủ luôn khoe khoang số lượng đệ tử của mình: đệ tử xuất gia và cả đệ tử tại gia gồm 80 quốc tịch. Hễ có ông Tây mũi lõ nào xin theo đạo của ngài, ngài liên cho chụp hình và đưa lên mạng cốt để cho toàn thể thế giới biết ngay lập tức, cốt hư trương thanh thế rằng thì là... Ta cũng có hàng đống đệ tử Âu Mỹ chứ phải chơi!
Thanh Hải thì thường kiêu hãnh công bố thành quả vĩ đại của mình rằng: cái đạo của sư phụ đã phát triển trên 50 quốc gia và có hàng trăm cơ sở khắp thế giới!
Các giáo chủ đều giống nhau ở chỗ: các ngài thường khoe rằng đã từng thuyết giảng tại cơ sở Quốc Tế, dành cho các nguyên thủ quốc gia, các vị chức sắc cao cấp của nhiều quốc gia, vân vân... Đức khiêm cung là một điều quá xa vời đối với họ. Họ có căn bệnh tương tự như nhau:
Phô trương bản thân
Đã từng cứu vớt vô số con người lầm lạc và đưa những người ấy trở về với giáo phái cao siêu của mình rồi hướng dẫn họ tu tập thành tựu hạnh phúc, an lạc, cho đến khi đắc quả ngay trong cuộc sống !
Giáo chủ nào cũng tự tay soạn thảo những văn bản để dẫn dắt đệ tử tu tập.
Thông thường thì quý vị giáo chủ đều cóp nhặt từ kinh điển công truyền của đức Phật Thích Ca, rồi thêm thắt chút ít và trình bày theo phong cách rất cá tính của mình. Ngài Duy Tuệ thì cải biên kinh điển Phật giáo rồi pha trộn với đủ loại giáo lý ngoại đạo, và diễn dịch theo phong cách Tâm Lý Học Tây phương bằng thủ pháp “loạn danh loạn thực”của Công Tôn Long thời Chiến Quốc bên Tàu.
Chơn Tánh Nguyên Hương thì không có sáng tạo gì mới mẻ, chỉ cắt xén kinh điển nhà Phật, rồi gia công bào chế bát nháo đủ loại tư tưởng Phật giáo, rồi dán nhãn hiệu “Chơn Tánh Nguyên Hương đạo sư”, cuối cùng thành ra giáo lý của mình!
Sư phụ Thanh Hải thì “loạn cào cào” hơn, bà ta cóp nhặt Phật giáo một chút, Thiên chúa giáo một chút, tư tưởng Tây phương một chút, huyền bí học Ấn-độ một chút, cái ngu mê của mình một chút... rồi pha trộn tùy theo cảm hứng nhất thời của mình - nhưng không sắp xếp theo trình tự, hệ thống nào mà viết và giảng lung tung beng, đụng đâu nói đó, (nhiều khi mâu thuẩn với nhau) thế mà vẫn lôi kéo lắm tín đồ - do vậy mà chúng ta có thể khẳng định rằng, Chân lý không bao giờ thuộc về đám đông.
Đám đông quần chúng tuy là một lực lượng đáng nể, nhưng về phương diện Tâm linh thì: đám đông không hề nói lên bất cứ điều gì!
Thèm khát hư danh và quyền lực tôn giáo
Thanh Hải thì dạy đệ tử tụng niệm danh hiệu “Nam mô Thanh Hải vô thượng sư”. Chơn Tánh Nguyên Hương thì dạy đệ tử tụng niệm danh hiệu “Nam mô Chơn Tánh Nguyên Hương đạo sư” mỗi khi nguy cấp hàng ngày! Tịnh Vương Nhất Tôn cũng y như vậy! Họ ở cách xa nhau cả mấy chân trời tít tắp mù mịt, nhưng tại sao họ lại hành xử giống hệt nhau như thế?
Luôn luôn bị môn đồ dẫn dắt và sai sử
Trong những bước ban đầu thì vị giáo chủ thường bày tỏ uy quyền lãnh tụ của mình, như: ban bố hiệu lệnh, dạy dỗ và chăn dắt tất cả đệ tử môn đồ... Nhưng sau một thời gian, tất cả những vị giáo chủ dần dần bị tha hoá và thực hiện tất cả những ý đồ của bọn thủ hạ dưới trướng.
Điều này dường như là “vết xe đổ” của các nhà lãnh đạo, mà chúng ta thường thấy trong lịch sử nhân loại. Nhà lãnh đạo nào rồi ra cũng phải bị điều động bởi quần chúng hoặc bị sai sử bởi thủ hạ, quần thần, môn đồ, đệ tử vân vân.
Một tác giả Ấn Độ nói:
Người lãnh đạo luôn luôn bị mất hút trong chính tiến trình trở thành người lãnh đạo, bởi vì người ấy phải nhân nhượng với những người mình điều khiển và không để ý tới điều đó, dần dần trong sự nhân nhượng này, người ấy trở nên bị lãnh đạo và biến thành kẻ nô lệ hồi nào chẳng hay !
(Trích Con đường bên ngoài mọi con đường, giáo sư Ngô Trung Việt, trang 345)
Tóm lại, Hội chứng GIÁO CHỦ là một căn bệnh gây nhiều nguy hiểm cho xã hội nhất, và di căn lâu dài, nhưng không thể mổ xẻ chỉ trong vài ba trang giấy. Chúng tôi xin bỏ ngỏ nơi đây và dành phần tìm hiểu rốt ráo cho quý vị.
Mỗi người Phật tử nếu yêu quý Chánh Pháp, thì hãy nên gánh trách nhiệm xa rời ảnh hưởng của những tên giáo chủ giả hiệu, và khuyên bảo mọi người sớm từ bỏ những giáo lý mê cuồng của bọn chúng. Đó gọi là báo ơn Tam Bảo, báo ơn chúng sanh. Đó gọi là hoằng pháp lợi sanh, và báo ơn chính mình!
Người viết xin tạm ngưng, bởi vì... thưa rằng, cái vô minh của kiếp người thì luôn luôn diễn tiến bất tận dường như dằng dặc thấu vô biên, cho nên hội chứng giáo chủ cũng... trường kỳ xuất hiện với nhân sinh mà không bao giờ buông dấu chấm hết.
Tà thuyết và chư vị giáo chủ dzổm luôn luôn tiếp nối nhau sinh khởi và phát triển theo cái cuồng tín bất tận của nhân sinh!
Kiếp sống con người là ngõ cụt của sự cuồng tín không lối thoát.
Bi quan?
Cuồng tín Selfie (tự sướng), Cuồng tín Ipad, Cuồng tín Tôtem, cuồng tín Pop Rock, cuồng tín Khủng Bố... cuồng tín Nhan Sắc Phụ Nữ, Tình Yêu... cuồng tín Tôn giáo, Giáo chủ, cuồng tín Ảo Ảnh thiên đường, cuồng tín Chính Trị, Khoa Học... -
Một thi sỹ Ấn Độ đã nói:
... sự cuồng tín thu hút những kẻ bệnh hoạn. Sự cuồng tín trở thành nơi lẩn trốn cho những kẻ điên rồ. Những kẻ không bình thường đều giấu mình đằng sau sự cuồng tín, và tạo ra những hệ thống, lý thuyết, giáo điều để biện luận.(*)
Hội chứng Giáo chủ là hội chứng Cuồng tín Bản thân, như anh chàng Narciss chỉ say mê cái hình ảnh của mình trong gương. Và từ đó y nhào nặn ra một lớp tín đồ mê muội và hướng dẫn bọn họ đi theo cái cuồng tín của mình!
Đôi khi nghĩ về họ, về cuộc đời - chúng tôi chẳng biết làm gì hơn, chỉ chắp tay khấn nguyện âm thầm:
Nhất Tâm – Quyết Vãng Sanh