HỎI: Tôi có người anh họ, xuất gia đã lâu nhưng vì hoàn cảnh riêng nên ở nhà. Nay vị ấy đang xây một căn nhà cấp bốn trên đất nhà để ở riêng nhằm tu tập được thuận lợi hơn. Chỉ làm một căn nhà nhỏ thôi (nhà cấp 4, không phải làm chùa) nhưng chính quyền xã đã nhiều lần xuống lập biên bản, đình chỉ công trình và phạt 6 triệu đồng. Họ yêu cầu phải có giấy phép xây dựng, có sự đồng ý của Giáo hội Phật giáo thì mới xây dựng được. Trong khi đó, người anh họ của tôi chỉ tu tập một mình, không có ý làm chùa, không tụ họp tín đồ. Nếu như phải xin giấy phép xây dựng nhà cấp 4 thì cấp nào cho phép? Mong quý Báo hướng dẫn để chúng tôi xây nhà đúng với quy định của Pháp luật.
(THÀNH ĐƯỢC, [email protected])
Tu sĩ muốn làm nhà ở thì xin phép cấp nào?
ĐÁP: Bạn Thành Được thân mến!
Hầu hết, các tu sĩ Phật giáo đều ở chùa, viện, tịnh xá v.v… Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt người tu vì nhiều nhân duyên khác nhau (bệnh tật chẳng hạn) nên không muốn phiền thầy tổ và huynh đệ, lui về nhà nhờ gia đình giúp đỡ, sống theo hình thức “tu sĩ ở nhà như người dân”. Sau một thời gian, gia đình muốn làm một căn nhà nhỏ (nhà cấp 4, thường gọi là thất hay cốc) trên đất nhà cho vị tu sĩ ấy ở riêng để thuận lợi hơn trong việc tu học, tịnh dưỡng. Vị tu sĩ Phật giáo mà bạn nói trong thư đang ở trong trường hợp này.
Dĩ nhiên, mọi người dân khi muốn xây dựng nhà ở (dù nhà cấp 4), cần phải trình báo và xin phép với chính quyền địa phương. Cụ thể là, người dân muốn làm nhà, trước cần trình báo với ấp và xã, làm đơn xin phép xây dựng nhà ở gửi đến huyện. Theo Thông tư 15/2016/TT-BXD hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng (Điều 17, khoản 2, mục c), sau khi được UBND huyện cấp giấy phép xây dựng, mới tiến hành xây nhà.
Việc người anh họ của bạn, một tu sĩ Phật giáo, xây nhà ở theo dạng “tu sĩ ở nhà như người dân” không có giấy phép nên bị chính quyền xã phạt hành chính, đình chỉ công trình, yêu cầu phải xin phép xây dựng là đúng với pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, chính quyền xã yêu cầu thêm, phải được sự đồng ý của Giáo hội Phật giáo địa phương là hiểu luật một cách máy móc, cứng nhắc, không đúng với hoàn cảnh riêng. Bởi chỉ khi làm chùa (công trình tôn giáo) thì mới cần UBND tỉnh cho phép và Giáo hội Phật giáo cấp tỉnh đồng thuận. Vị tu sĩ này chỉ làm nhà ở, thể hiện tín ngưỡng cá nhân mà không hoạt động tôn giáo thì chỉ cần các thủ tục xin phép xây nhà bình thường như mọi người dân.
Do vậy, vị tu sĩ ấy cần cam kết với chính quyền xã là chỉ xây nhà để ở, không sinh hoạt tôn giáo. Sau đó, tiến hành làm đơn xin phép xây nhà cấp 4, gửi đến huyện. Nếu ở nông thôn, hồ sơ xin phép (2 bộ), gồm: 1-Đơn xin cấp giấy phép xây dựng (xây nhà cấp 4) theo mẫu. 2-Bản sao có công chứng của UBND xã một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất. 3-Sơ đồ mặt bằng xây dựng công trình trên lô đất và các công trình liền kề (nếu có) do chủ nhà ở tự vẽ. Thời gian cấp giấy phép xây nhà (cấp 4) là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Sau khi được UBND huyện cấp phép thì có thể tiếp tục xây cất và hoàn thiện căn nhà.
Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như – Quảng Tánh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)