Tu là cuộc trở về, đưa tỉnh thức trở về. Rồi chị tập ăn thôi, nghĩa là vừa ăn vừa theo dõi hơi thở. Hơi thở trở thành đối tượng chính của sự tu tập…
Có người chị hỏi: “Con thích tu lắm nhưng con không có thì giờ để tu thầy ơi. Con có nhiều công việc quá. Thầy giúp con đi.”
Thầy thông cảm với chị. Nhiều việc khó tu hơn. Thông thường ta dễ bị công việc kéo đi, ta phải tính toán, (planning) dự án, lo lắng cho công việc. Đó là chuyện dĩ nhiên của một người làm business.
Theo thầy, tu cũng dễ lắm và cũng không cần nhiều thì giờ. Tu là thở, thở mà biết mình đang thở là tu tập rồi đó chị. Thay vì để công việc kéo đi hoài, trong khi lo toan, tính toán cho công việc hay khi bắt tay vào công việc, chị hãy chú ý tới hơi thở. Chị thở tự nhiện nhưng chị chú ý, để ý tới hơi thở nhẹ nhàng, cảm giác bụng phồng lên xẹp xuống trong lúc làm việc. Đó là tu rồi đó chị.
Người bận rộn như chị lại cần chú ý tới hơi thở tự nhiên nhiều hơn, vì hơi thở ý thức sẽ giúp đưa đủ dưỡng khí vào cơ thể, cung cấp cho bộ óc đủ dưỡng khí, máu huyết lưu thông, và quan trọng là giúp cho tâm ý an định trở lại. Chi đừng tin thầy! Chị hãy thử thở đi, thì chị sẽ thấy làm việc bớt mệt, bớt căng thẳng, thân thể thứ thái, bộ óc sáng suốt, làm việc như chơi.
Khi thầy làm vườn, nhất là cuốc đât, nhổ cỏ. Có những mảnh vườn nhiều cỏ, đất cứng, rộng dài, đôi khi thầy cảm thấy nản lắm. Nhưng đó là cái tâm thôi, cái tâm mau chán, cái tâm mong cầu, cái tâm sợ mệt… Khi thầy chú ý tới hơi thở, để ý, để tâm vào từng cuốc một, thì công việc trở nên nhẹ nhàng. Đưa cuốc lên, thầy thở vào, nện cuốc xuống, thầy thở ra. Nhờ thở nên thầy cũng bớt mệt nhưng quan trọng là cái tâm dừng lại sự mong cầu cho xong việc.
Thầy biết chị nhiều công việc. Chị thử làm từng việc một thôi như đi từng bước trên con đường dài thì thế nào chị sẽ đến nơi. Tiếng anh gọi ‘do one thing at a time’. Thứ hai như đã hướng dẫn ở trên, chị tập thở, chú ý tới hơi thở thường xuyên là tu rồi. Cố nhiên chị sẽ quên hơi thở, công việc sẽ cuốn tâm ý chị đi, nhưng chị cứ trở về với hơi thở nhẹ nhàng. Tu là cuộc trở về, đưa tỉnh thức trở về. Rồi chị tập ăn thôi, nghĩa là vừa ăn vừa theo dõi hơi thở. Hơi thở trở thành đối tượng chính của sự tu tập, cũng giống như các bác tu tịnh độ, câu niệm Phật là đối tượng chính của họ. Chị đi thôi, chú ý tới sự xúc chạm ở lòng bàn chân, cảm được đất mẹ. Chị uống nước thôi, cảm giác được nước mát, vị ngọt ngào… Nghĩa là tu tập là sự sống thường nhật có chú tâm, có tỉnh thức, có an định.
Tu là một nghệ thuật cần tập luyện nhiều năm, bởi vì cái tâm ta là một con ngựa hoang, thân ta thường không an, vọng động. Tu là thở cho yên, đi cho an, ngồi cho an, ăn cho tỉnh… Nên nhớ rõ tu tập không phải là một công việc, không phải có thêm một công việc trong khi đó chị đã quá tải (overwhelming) với công việc rồi, mà là đưa tâm trở về với thân, sống chậm lại, thắp sáng ý thức, an tịnh lại sự căng thẳng của công việc. Nhờ tu công việc sẽ nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Chúc chi thành công.
Chân Pháp Đăng / Phật học đời sống