Khí hậu mùa hè cực nóng và khô dễ gây hỏa hoạn tại nhiều tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ. Cả miền Nam và Bắc California năm nay bị cháy rừng liên tục mấy vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, thiêu rụi nhiều ngàn mẫu rừng và hàng trăm ngôi nhà. Đã có nhiều gia đình bị buộc phải di tản trước khi lửa cháy đến khu gia cư của họ.
Điều khó tin là một trong các vụ cháy rừng ở miền Bắc California lại do một người đàn ông cố ý phóng hỏa. Trong khi các tin tức về Thế vận hội Olympic tại Rio, Brazil, cũng như chuyện bầu cử ở nước nọ nước kia, hay chuyện Pokémon Go… được đưa lên đầu trang các báo và đài, thì chuyện hỏa hoạn phá hoại môi sinh trong một tiểu bang bị hạn hán kéo dài, dường như chỉ là tin tức thông thường ít người quan tâm, trừ khi cơn lửa cháy đến gần khu vực của họ.
Đời sống vốn bất toàn, vì tự bản chất, không có một cá thể nào (từ con người, gia đình, xã hội, quốc gia) thực sự độc lập và có tự tính riêng của nó. Chính sự tương hệ, tương thuộc giữa các cá thể đã làm cho hạnh phúc và khổ đau của một người, không thể là điều riêng rẻ cá biệt của mỗi người ấy. Luôn có sự tác động trực tiếp hay gián tiếp từ các yếu tố nguyên nhân, thuận duyên và nghịch duyên, cùng kết quả, từ mọi phía ảnh hưởng lên đời sống của một cá nhân.
Bất toàn, vô thường, khổ đau, vì vậy, là hệ quả tất nhiên từ nguyên lý duyên khởi, duyên sinh.
Nhưng trên thực tế đời sống, các tai họa lớn ảnh hưởng đến số đông không phải đều do thiên nhiên, mà hầu như đều do con người. Con người là tác nhân đáng sợ nhất gây tạo khổ đau cho kẻ khác chỉ vì lòng tham lam của mình.
Khi một đảng phái, một chính quyền, chỉ biết đến đặc quyền đặc lợi của mình, không quan tâm đến lợi ích của số đông thì hậu quả nước mất, nhà tan chẳng phải là điều xa vời nữa. Không có một triều đại thối nát, hại dân nào có thể tồn tại lâu dài khi nỗi thống hận khổ đau của dân bị đẩy đến chỗ tận cùng bờ mé.
Nhưng làm thế nào mà con người sống trong một xã hội, một đất nước, có thể thờ ơ, nguội lạnh, không màng đến nỗi hiểm nguy đang trờ tới và bao nỗi thống khổ đang tràn ngập chung quanh! Chỉ vì lửa chưa cháy đến nhà mình mà chỉ cháy ở đâu đó hay sao?
Lửa có thể cháy lan; mà một khi đã có người cố tình phóng hỏa thì tai họa có thể đến bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu.
Thật khó có thể lý giải về những người trí tuệ, từng quán sát tường tận căn nguyên và thực trạng khổ đau của kiếp người, nhưng lại không thấy, không biết về những thảm họa môi trường đã và đang xảy ra cho hàng triệu người chung quanh.
Thật khó hiểu về những người từ bi, luôn quán sát và nghiệm chứng về nỗi thống khổ của sinh linh, xót nỗi đau của muôn loài, nhưng lại không cảm, không nhận về những khổ đau mất mát của hàng triệu người dọc suốt các tỉnh ven biển.
Và cũng thật khó giải thích về những người uy dũng, từng quán niệm về thân xác huyễn mộng, thế gian vô thường, sẵn sàng hy sinh cả sinh mệnh để cứu người, cứu đời, mang lại phúc lợi cho tha nhân; lại không thể cất lên được dù chỉ là một lời nói về sự thực, hay một cử chỉ tối thiểu để bênh vực lẽ phải và công bình.
Im lặng (nếu không muốn nói là thờ ơ, vô cảm) trước thảm trạng của một đại khối dân tộc, sẽ được đánh giá như thế nào trong sử xanh mai hậu?
Chờ đợi cho đến khi nào mới gọi là đúng lúc để nói một lời trung ngôn? Cho đến khi lửa cháy trên đầu ư? — Quá muộn rồi.
Kẻ trí tuệ là người có thể thấy trước điều xảy ra cho thiên hạ qua những nguyên nhân mà kẻ khác đã gieo, đang gieo hoặc chuẩn bị gieo.
Kẻ từ bi là người có thể rơi lệ đau xót cho nhân thế trước khi các thảm trạng rơi ập xuống thân phận bé nhỏ mong manh của họ.
Kẻ uy dũng là người thấy biết và cảm nhận sâu xa thực trạng thống khổ của con người và cuộc đời, mạnh dạn dấn vào nơi hiểm nguy, mưu cầu lối thoát cho tất cả.
Một cá thể, một tổ chức (tôn giáo hay đảng phái), không đủ trí, bi và dũng trước cơn lửa dữ, sẽ không xứng đáng là một thành phần của đại khối dân tộc. Thái độ thờ ơ vô cảm sẽ cách ly mình với con người và xã hội chung quanh, trong khi tự bản chất, mỗi cá nhân là một mảng không thể tách rời trong tương quan trùng trùng với dân tộc và đất nước mà người đó sinh ra. Chúng ta không thể tự nhận mình là một thành tố của dân tộc, nếu chưa bao giờ thấy, cảm và hành động như một con người bi-trí-dũng giữa cuộc tồn sinh thống khổ nầy.
Vĩnh Hảo