Cả nước hiện có 858 cơ quan báo chí in; 105 cơ quan báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 66 đài phát thanh, truyền hình với 182 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá – thống kê gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Đó là chưa kể các loại báo in, báo hình, báo nói cũng như các trang thông tin điện tử tiếng Việt ở nước ngoài, cộng với các trang mạng xã hội như Facebook, Flickr, Twitter,… của người Việt trong và ngoài nước.
Truyền thông Phật giáo cần nói rõ sự thật xin đừng bóp méo.
Nếu chỉ tính riêng các kênh tiếng Việt, lượng thông tin mỗi ngày mà chúng ta có thể tiếp nhận được đã thật sự khổng lồ, và trong đó dĩ nhiên có cả “vàng” lẫn “cám”. Vàng mỗi lúc mỗi hiếm, trong khi cám mỗi lúc mỗi nhiều. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân.
Luật Báo chí năm 2016 nước ta quy định rõ các báo cần “thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”, “nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, “Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội”…
Thế nhưng vẫn còn đây đó hiện tượng một số nhà báo vì phục vụ cho lợi ích nhóm, vì bị mua chuộc bởi đồng tiền hoặc các cám dỗ khác, đã không ngại đánh tráo khái niệm, bẻ cong ngòi bút, đi ngược lại “tính trung thực”. Không ít tờ báo chủ trương bươi móc cuộc sống riêng tư của người nổi tiếng, thêu dệt những mẩu chuyện giật gân về họ nhằm câu khách, khó có thể xem là “nâng cao dân trí”. Những tin tức liên quan đến chém, giết, hãm hiếp, ấu dâm bị khai thác triệt để, thêm thắt theo thị hiếu tầm thường cũng gây tổn thương không ít đến “truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Điều đó khiến cho chức năng định hướng, xây dựng xã hội của báo chí nói chung yếu đi, ít nhiều đánh mất niềm tin từ độc giả – trong đó có niềm tin yêu cuộc sống.
Chưa kể đến các trang thông tin cá nhân ít chịu sự quản lý, đủ thấy thông tin hàng ngày chúng ta tiếp nhận phức tạp đến thế nào. Do đó, người đọc cần phải biết bảo vệ mình, bảo vệ cái chân thiện bằng cách tự tỉnh giác trong việc tiếp nhận thông tin.
Trong Phật giáo, tỉnh giác là một yếu tố quan trọng của lộ trình tu tập từ mê đến giác. Tỉnh giác thường đi liền với chánh niệm, nhận thức rõ ràng, chân thật và trọn vẹn những gì diễn ra trong thân tâm cũng như môi trường, xã hội. Người có chánh niệm, tỉnh giác là người có định lực lớn, không bị năm thứ vẩn đục (ngũ trược) lôi kéo, vấy bẩn – bao gồm: thời đại vẩn đục, tâm lý vẩn đục, kiến thức vẩn đục, con người vẩn đục, mạng sống vẩn đục. Mỗi suy nghĩ, việc làm của người tỉnh giác đều hướng về ánh sáng, sự chân thực, khiến cho cuộc sống thêm hạnh phúc, ý nghĩa.
Gần hơn, tỉnh giác là sự phân biệt đúng sai, chánh tà để biết điều gì nên làm, điều gì nên tránh. Tỉnh giác nghĩa là không hồ đồ tin theo bất kỳ những gì người khác nói, mà phải biết quán sát thấy “các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, (…) thời hãy đạt đến và an trú” (Kinh Kalama – Tăng chi bộ).
Lời Phật dạy hơn 2.500 năm trước dường như càng có giá trị hơn trong thời đại bùng nổ thông tin, “kiến thức bị vẩn đục” như ngày nay.
Quảng Kiến / giacngo.vn