Hòa thượng Thích Thiện Bình thế danh Nguyễn Văn Tuấn, sinh ngày 22 tháng 02 năm Quý Dậu (1933) trong một gia đình thâm tín Tam Bảo, ở làng Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN BÌNH (1933-2016)
– Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN
– Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN
– Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa
– Nguyên Chánh Đại diện GHPGVN Thống nhất tỉnh Khánh Hòa
– Nguyên Tổng Thư ký Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức – Nha Trang
– Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
– Trụ trì Tổ đình Thiền Tôn – tỉnh Thừa Thiên Huế và chùa Sắc tứ Long Sơn – tỉnh Khánh Hòa.
I/ THÂN THẾ:
Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Tuấn, sinh ngày 22 tháng 02 năm Quý Dậu (1933) trong một gia đình thâm tín Tam Bảo, ở làng Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Thân phụ là Cụ ông Nguyễn Văn Định, thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Hiền. Hòa thượng là con trai út trong gia đình 10 anh em gồm 8 trai, 2 gái.
II/ THỜI KỲ XUẤT GIA HỌC ĐẠO:
Vốn có nhân duyên với Phật pháp, năm lên 4 tuổi thân mẫu mất sớm, Hòa thượng được người dì ruột dẫn lên chùa Phật giáo Bình Dương quy y với Hòa thượng Thiện Hương, Trú trì Chùa Hội Khánh. Từ đó hình ảnh Đức Phật luôn luôn được nuôi dưỡng trong tâm hồn non trẻ. Năm 14 tuổi, Hòa thượng được người dì ruột hướng dẫn ra học đạo với Hòa thượng Thích Chánh Hóa, Trú trì chùa Long Sơn, Nha Trang.
Nhờ sẵn túc duyên, Ngài được Hòa thượng Thích Thiện Minh – đương kim Hội trưởng Hội Phật học Khánh Hòa hướng dẫn ra Huế xuất gia với Đức Trưởng lão Hòa thượng thượng Giác hạ Nhiên – Trú trì Tổ đình Thiền Tôn, và được ban Pháp danh Tâm Địa, Pháp tự Thiện Bình, Pháp hiệu Chánh Tâm. Sau đó, Hòa thượng Bổn sư cho theo học tại Phật học đường Báo Quốc – một cơ sở đào tạo Tăng tài nổi tiếng thời bấy giờ, do Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Thủ làm Giám đốc, được sự trực tiếp giảng dạy của quý Ngài như Hoà thượng Thích Đôn Hậu, Hoà thượng Thích Mật Thể, Hoà thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Trí Quang, Hoà thượng Thích Mật Hiển, Hoà thượng Thích Mật Nguyện, Hoà thượng Thích Thiện Minh, Hòa thượng Thích Minh Châu,…
III/ THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:
Năm 1950, sau khi tốt nghiệp tại Phật học đường Báo Quốc, Ngài được Hoà thượng Bổn sư cho thọ giới Sa-di tại giới đàn chùa Linh Quang – Thừa Thiên.
Năm 20 tuổi (1952), Ngài được Bổn sư cho thọ giới Cụ túc tại Giới đàn Báo Quốc, do Trưởng lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết làm Hòa thượng Đàn đầu.
Năm 22 tuổi, Ngài được Tổng hội Phật giáo Việt Nam cử làm giảng sư, dấn thân hành đạo nhằm củng cố và xây dựng cơ sở Phật giáo tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Tuyên Đức – Đà Lạt, Kon Tum…
Năm 1958, Ngài được chuyển về làm Phật sự tại tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, ngoài việc giảng dạy và hướng dẫn tu tập, Ngài cùng Hoà thượng Thích Giải An và Phật tử Tôn Trịnh Giang xây dựng Trường Trung – Tiểu học Bồ Đề, tạo cơ sở giáo dục cho con em Phật tử tỉnh nhà.
Năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm triệt hạ cờ Phật giáo, gây ra cuộc thảm sát tại Đài Phát thanh Huế. Với tinh thần Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi, Ngài cùng Chư Tôn đức tại tỉnh Quảng Ngãi đấu tranh phản đối sự kỳ thị tôn giáo, độc tài đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm.
Năm 1964, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cử làm Chánh Đại diện Tỉnh Giáo hội Phật giáo Quảng Trị. Đây là vùng đất địa đầu giới tuyến trong thời gian chiến tranh khốc liệt. Tuy vậy, không quản khó khăn nguy hiểm, Ngài vẫn nối tiếp vị tiền nhiệm, tiếp tục xây dựng phát triển cơ sở Giáo hội và hướng dẫn Phật tử tu học.
Năm 1965, Ngài được mời làm Thư ký Ban Kiến đàn Đại Giới đàn Vạn Hạnh tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu – Huế.
Năm 1968, Ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cử làm Chánh Đại diện Tỉnh Giáo hội Khánh Hoà.
Trong năm này, Đại Giới đàn Phật học viện Trung Phần được tổ chức tại chùa Hải Đức – Nha Trang, Ngài được Ban Kiến đàn mời làm Thư ký và Giám khảo trong giới đàn này.
Năm 1970, Ngài đã cùng với Hoà thượngTrú trì Thích Chí Tín đại trùng tu ngôi Bảo điện chùa Long Sơn, trụ sở chính của Tỉnh Giáo hội Khánh Hòa.
Cũng trong năm này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất miền Vạn Hạnh mở Đại Giới đàn Vĩnh Gia tại Đà Nẵng, Hoà thượng được cung thỉnh làm Chánh Chủ khảo. Đồng thời, Ngài cùng với Hoà thượng Thích Đỗng Minh phụ tá Hoà thượng Thích Trí Thủ mở trường Trung đẳng chuyên khoa – Phật học viện Hải Đức Nha Trang.
Năm 1973, Ngài được cử làm Thư ký và Giám khảo Đại Giới đàn Phước Huệ tại Phật học viện Trung phần – Nha Trang.
Năm 1974, khi Viện Cao đẳng Hải Đức – Nha Trang được thành lập, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Viện trưởng, Ngài được mời giữ chức vụ Tổng Thư ký.
Năm 1975, nước nhà được thống nhất, hai tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên được sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh, Ngài được suy cử giữ chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội trong hai nhiệm kỳ, từ năm 1982 đến năm 1988.
Năm 1989, tỉnh Phú Khánh được tách ra thành Khánh Hoà và Phú Yên, Hòa thượng được Giáo hội suy cử làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội tỉnh Khánh Hòa, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Trưởng ban.
Đến năm 1991, trong Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh, Hòa thượng được Tăng Ni, Phật tử cung thỉnh đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa cho đến ngày viên tịch.
Trong thời gian này, ngài cùng chư Tôn đức trong Ban Trị sự tiến hành thành lập Trường Cơ bản Phật học Khánh Hoà (nay là trường Trung Cấp Phật học Khánh Hoà), đào tạo Tăng – Ni tỉnh nhà và lân cận.
Năm 1990, Ngài cùng chư Tôn đức trong Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội tiến hành thành lập Trường Cơ bản Phật học Khánh Hoà (nay là Trường Trung cấp Phật học Khánh Hoà), làm nơi đào tạo Tăng – Ni không chỉ cho tỉnh nhà mà còn cho các tỉnh thành lân cận.
Tại ngôi trường này, Ngài giữ chức Phó Hiệu Trưởng và tham gia giảng dạy môn Lịch sử Phật giáo.
Năm 1994, Ngài tháp tùng đoàn Chư Tôn đức giáo phẩm do Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn đến Ấn Độ và Nepal chiêm bái các Thánh tích liên quan đến cuộc đời của Đức Phật.
Năm 1996, Ngài cùng phái đoàn Phật giáo Việt Nam thăm Đạo tràng Mai Thôn tại Cộng hòa Pháp do Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập.
Năm 1997, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV tổ chức ở Thủ đô Hà Nội, Ngài được Giáo hội tấn phong giáo phẩm Hoà thượng.
Năm 2000, khi Tổ đình Thiền Tôn vừa trùng tu xong, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Đại giới đàn Giác Nhiên, trong giới đàn này, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng, Ngài làm Yết ma A-xà-lê.
Năm 2001, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Trú trì Tổ đình Thiền Tôn viên tịch, môn phái Tổ đình đã họp tại tổ đình ngày 20-11-2001 và đã đồng thuận cung thỉnh ngài lên kế vị Trú trì Tổ đình đời thứ 12 và đã làm thư trình lên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 20-2-2002 do Trưởng lão HT.Thích Khả Tấn đại diện Môn phái ký.
Năm 2001, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Trú trì Tổ đình Thiền Tôn viên tịch, Môn phái Tổ đình đã đồng thuận cung thỉnh Ngài kế vị Trú trì Tổ đình đời thứ 12 từ đó cho đến nay.
Năm 2002, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ V, Hoà thượng được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh, đồng thời được suy cử Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 2005, Hoà thượng được cung thỉnh làm Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk-Lắk.
Năm 2007, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Ngài được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh suy cử chức vụ Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cũng trong năm này, Ngài được Trung ương Giáo hội cử tham gia đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm ở Khar-kov, Ucraina.
Năm 2011, Ngài tháp tùng phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đức Pháp chủ – Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ làm Trưởng phái đoàn sang Ấn Độ chiêm bái Phật tích và thăm viếng đất nước Miến Điện.
Năm 2012, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VII, Hoà thượng được suy tôn vào ngôi vị Phó Pháp chủ Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 2013, Hòa thượng Thích Chí Tín, Trú trì chùa Long Sơn viên tịch, Ngài được Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội cung thỉnh kế nhiệm Trú trì đời thứ 4 chùa Sắc tứ Long Sơn.
Tại các kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Khánh Hòa liên tục các nhiệm kỳ 1991 – 1996, 1996 – 2001, 2001 – 2006, 2006 – 2011, 2011 – 2016, Hoà thượng được Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà tín nhiệm suy cử giữ chức vụ Trưởng Ban Trị sự.
Từ năm 1989 đến 2014, Hòa thượng là Thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa liên tục các khóa IV, V, VI, VII, VIII. Với tinh thần hòa hợp, vì mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, Hòa thượng đảm nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa trong 2 khóa VII và VIII (2004 – 2014).
Vì những đóng góp quý báu tích cực cho Đạo pháp và Dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước trong truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã có nhiều đóng góp thiết thực, chăm lo cho cuộc sống hạnh phúc, an lạc của đồng bào, nên Hòa thượng đã được Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tôn vinh, tặng các phần thưởng cao quý:
– Huân chương Độc lập hạng ba,
– Huân chương Vì sự nghiệp Đại Đoàn kết Dân tộc,
– Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
– Bằng khen của Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa…
– Bằng Tuyên dương Công đức Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Trong thời gian Hòa thượng làm Phật sự tại tỉnh Khánh Hòa, Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hoà đã tổ chức được 05 Đại Giới đàn. Trong các kỳ đó, Ngài được cung thỉnh đảm nhiệm làm Đàn đầu Hoà thượng Đại Giới đàn Trí Thủ – 2005 và Đại Giới đàn Quảng Đức – 2013.
IV/ THỜI KỲ VIÊN TỊCH:
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Bình là thế hệ Tăng tài được đào tạo một cách quy củ trong giai đoạn Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, đặc biệt sống trong môi trường Phật học viện nghiêm khắc tại miền Trung, nên Ngài đã được thừa kế một tinh thần phụng sự không biết mệt mỏi vì lý tưởng Bồ-tát đạo, vì sự hưng thịnh của Đạo pháp và Dân tộc.
Mặc dù khi đã tuổi cao sức yếu, nhưng với ý hướng tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Ngài vẫn vững chãi trong cương vị lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà, cũng như các Phật sự của Trung ương Giáo hội, gắn bó với Tăng Ni và đồng bào Phật tử.
Trong thời gian bệnh duyên, Ngài đã được sự chăm sóc chu đáo của Tăng chúng bổn tự, cùng Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội và Phật tử thân cận, nhưng do tuổi cao sức yếu, Trưởng lão Hòa thượng đã thu thần viên tịch vào lúc 20 giờ 45 phút ngày 17 tháng 11 năm 2016, nhằm ngày 18 tháng 10 năm Bính Thân tại chùa Long Sơn, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trụ thế 84 năm, 64 Hạ lạp trong niềm kính tiếc của Tăng Ni, Phật tử.
NAM MÔ LÂM TẾ TỨ THẬP TAM THẾ,
VIỆT NAM PHẬT GIÁO GIÁO HỘI CHỨNG MINH HỘI ĐỒNG PHÓ PHÁP CHỦ, KHÁNH HÒA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRỊ SỰ BAN TRƯỞNG BAN,
XUÂN KINH THIỀN TÔN TỔ ĐÌNH – KHÁNH HÒA SẮC TỨ LONG SƠN NHỊ TỰ TRÚ TRÌ HÚY THƯỢNG TÂM HẠ ĐỊA, TỰ THIỆN BÌNH, HIỆU CHÁNH TÂM TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.