Hòa thượng Thiền Gia Pháp Chủ Thích Mật Ứng và Hội Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt phải ngưng hoạt động để biến chuyển sang một giai đoạn mới của Phật Giáo…
Tiểu sử Thiền gia Pháp chủ HT.Thích Mật Ứng (1889-1957)
Hòa thượng thế danh là Trần Văn Ứng, pháp danh Thích Mật Ứng, sinh năm Kỷ Sửu (1889) tại xã Vị Xuyên, tổng Đông Mạc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, một nơi phát xuất nhiều vị Nho học nổi tiếng, trong số đó có nhà thơ Tú Xương.
Năm lên 7 tuổi, Ngài theo học chữ Hán với cụ Tú Nam Thành, tỏ ra là người có tư chất thông minh xuất chúng, thường được ban khen. Nhà ở gần chùa Cả, thường ngày, ngoài giờ học ở trường, Ngài hay sang chùa công quả học hỏi, được sư cụ đem giáo lý uyên thâm của đạo Phật giảng giải cho nghe, Ngài phát tâm thành, sanh ý xuất gia từ đấy.
Năm Ngài lên 11 tuổi (Canh Tý, 1900) cụ Tú Nam Thành được bổ đi nhậm chức Huấn Đạo ở tỉnh xa, Ngài phải tự đi tìm minh sư để thụ huấn. Nhân một ngày giỗ Tổ long trọng tại chùa Cả, có chư vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Tăng Ni qui tụ về đông đảo để hành lễ. Khi ấy Ngài cũng có mặt tại trai đàn. Hòa thượng Tâm Nhân ở chùa Quảng Bá thấy Ngài hình tướng thanh tú, nhã độ, liền đem lòng yêu mến và cho theo hầu.
Gặp được minh sư, lại ở chốn già lam danh tiếng, Ngài nhất tâm tu học. Năm Ngài 16 tuổi (Ất Tỵ 1905) được Hòa thượng Tâm Nhân truyền Sa Di giới, và năm 20 tuổi (Kỷ Dậu 1909) thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn chùa Quảng Bá do Hòa thượng Thông Toàn, chủ sự chùa Bà Đá (Linh Quang) giữ ngôi Đàn Đầu Hòa thượng và Hòa thượng Bổn sư Tâm Nhân làm Yết Ma A Xà Lê. 103 Sau khi thọ giới, Ngài càng tinh tấn tu hành, nghiên cứu nhiều về Tam Tạng kinh điển và suy ngộ đạo lý rất sâu xa.
Ngài vẫn nuôi chí tham học với các bậc cao minh thạc đức để tìm hiểu đạo mầu. Nghe Tổ Giám Đào Xuyên, tự Thông Mệnh, là bậc đạo học uyên thâm, giới hạnh gương mẫu, Ngài tìm đến xin thụ huấn. Trải mười năm tinh tấn tu học, Ngài được Sư Tổ rất yêu quí, đặt nhiều hy vọng ở tương lai. Ngoài việc tìm hiểu giáo lý Phật Đà, Ngài còn tham cứu Nho học nơi các bậc danh nho trong vùng, như cụ Tú Thọ Vực ở Nam Định, nên Tứ Thư, Ngũ Kinh, Bách Gia Chư Tử thảy đều thông suốt, các điển cố văn chương đều được suy cứu tận gốc rễ.
Ngài là bậc được tôn kính ngưỡng mộ trong giới thiền gia. Ngài từng trú trì động Kính Chủ, một nơi danh thắng tại hạt Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, sau về kế thừa trú trì chùa Quảng Bá vào tuổi năm mươi (Kỷ Mão, 1939). Ngài đã đóng góp công sức lớn lao vào phong trào chấn hưng Phật Giáo từ năm 1935 đến trước Cách Mạng Tháng Tám.
Năm 1949, Hội Việt Nam Phật Giáo được thành lập lại, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ. Cùng năm đó, Hội Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt cũng được Hòa thượng Tố Liên thành lập. Đến ngày 09 tháng 9 năm 1950 thì đổi tên thành Hội Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt. Năm 1951 Hòa thượng Mật Ứng được cung thỉnh lên ngôi Thiền gia Pháp chủ của hội.
Sau khi Hội Thế Giới Phật Giáo Liên Hữu (World Fellowship of Buddhists) được thành lập năm 1950, trụ sở đóng tại Colombo thủ đô Tích Lan, mà Việt Nam là một hội viên sáng lập, thì Đại Hội Phật Giáo Việt Nam gồm ba miền Bắc, Trung, Nam được triệu tập tại chùa Từ Đàm, từ ngày 06 tháng 5 đến ngày 09 tháng 5 năm 1951 để thực hiện việc thống nhất Phật Giáo Tăng Già toàn quốc.
Ngài nhân danh Thiền Gia Pháp Chủ Hội Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt, lãnh đạo phái đoàn Tăng Ni tới dự Đại Hội. Đại Hội này đã khai sinh ra Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết chùa Tường Vân làm Hội chủ.
Đến năm 1955 Hòa thượng Thiền Gia Pháp Chủ Thích Mật Ứng và Hội Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt phải ngưng hoạt động để biến chuyển sang một giai đoạn mới của Phật Giáo. Ngài lui về chùa Quảng Bá an tĩnh tu niệm làm cội gốc phúc lành cho Tăng Ni tín đồ quy ngưỡng và viên tịch tại đây vào ngày 19 tháng 5 năm Đinh Dậu (1957), thọ 68 tuổi đời, 52 tuổi hạ. Bảo tháp Ngài được xây dựng tại đây như dấu tích ngàn đời lưu bóng một bậc cao Tăng.
Thích Đồng Bổn
Xem thêm: