Post: : Admin

Một là Truyền thông Phật giáo phải ngắn gọn, không dài dòng, không nghi lễ nhiều, không giới thiệu nhiều, đi vào vấn đề chính của buổi giảng, khóa học, của sự kiện đó. Tiến sĩ Lê Doãn Hợp chia sẻ



Sáng ngày 17/03/Bính Thân (23/04/2016), sau lễ Khai mạc Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Thông tin Truyền thông Phật giáo toàn quốc năm 2016 tại thiền viện Quảng Đức (Tp.HCM), Ts.Lê Doãn Hợp nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT thao giảng chuyên đề "Kinh nghiệm trong công tác truyền thông".

Được biết ông rất tâm huyết với ngành truyền thông. Trong bài viết "Quản lí báo chí trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay" của ông đăng trên Tạp chí Cộng sản số 11 tháng 7 năm 2007, ông đã thể hiện rõ sự không hài lòng về cách đưa tin của báo chí Việt Nam hiện nay và ông cũng đã đề ra những công tác quản lí và cải cách báo chí.


Điểm khác biệt giữa ông Lê Doãn Hợp và các Bộ trưởng khác là khi đi đâu, ông hay dùng các câu nói ngắn gọn, dễ hiểu và dễ nhớ.

Có lần chia sẻ với báo chí sau khi nghỉ theo chế độ, ông nói: Bây giờ mình sống theo phương châm: 3 quên, 2 nhớ, 1 có, đó là: “Quên bệnh tật, quên tuổi tác, quên bức xúc; Nhớ những người có công giúp mình, nhớ đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp chí cốt với mình và tiếp tục sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Đến với buổi giảng ngày hôm nay, với 3 tố chất: một là người đã từng trải qua kinh nghiệm lãnh đạo cao cấp ở địa phương và trung ương; hai là say mê với công tác truyền thông đặc biệt là truyền thông Phật giáo; và ba là một người kính ngưỡng Phật pháp.

Nội dung buổi thao giảng xoay quanh Kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông Phật giáo, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện ấn phẩm báo chí; Sự tương tác giữa hoằng pháp và truyền thông Phật giáo; Nâng cao hiệu quả sự liên kết, phối hợp trong công tác truyền thông Phật giáo.

Qua kinh nghiệm Ts.Lê Doãn Hợp chia sẻ với các học viên, có thể ngắn gọn tóm lại 3 ý, mà mỗi học viên đều có thể áp dụng thực tế trong công tác truyền thông Phật giáo.

Một là Truyền thông Phật giáo phải ngắn gọn, không dài dòng, không nghi lễ nhiều, không giới thiệu nhiều, đi vào vấn đề chính của buổi giảng, khóa học, của sự kiện đó.

Kinh nghiệm ở nước ngoài những người lãnh đạo các công ty doanh nghiệp lớn đều là người trẻ, các vị cao tuổi chỉ mang tính chất cố vấn, do đó hai là Phật giáo chúng ta cũng vậy, các vị cao tăng nên đứng hàng chứng minh, biểu tượng cao đẹp về đạo đức, còn công việc cần thực sự năng động là dành co cư sĩ tại gia, quý chư tôn đức trẻ.


Ba là, qua kinh nghiệm của Ts.Lê Doãn Hợp là không có nhạy cảm, không né nhạy cảm, vì vậy truyền thông Phật giáo không sợ nói xấu nói cái sai của đơn vị - tổ chức của mình mà quan trọng mình như thế nào? Mình có dám thừa nhận sự thật đang tồn tại không?

Qua buổi giảng, đã có những tràng pháo tay, cổ vũ những kinh nghiệm giảng thực tế mà học viên khóa học dành cho Ts.Lê Doãn Hợp.


Anh Minh