Post: : Admin

Một trong tám chi phần của Bát Chánh đạo, con đường diệt trừ khổ đau, bứng gốc phiền não là chánh định, nhờ định lực kiên cố vững vàng được củng cố và phát triển khi có sự chú tâm liên tục trên đề mục thiền, tâm sở nhất hành được phát triển liên tục đưa hành giả tiến vào cận định và đắc định. Và Ngài thiền sư Paauk đã nói về chánh định như sau:




"Chi phần thứ tám của Bát Thánh đạo là Chánh Định (sammā samādhi). Chánh Định là sơ thiền (jhàna), nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Bốn thiền này được gọi là Chánh Định theo Kinh Đại Niệm Xứ (Mahā satipaṭṭhāna sutta)[3]. Trong Thanh Tịnh Đạo (VisuddhiMagga), Chánh Định được giải thích thêm là bốn thiền tế sắc (rūpa jhāna), bốn thiền vô sắc (arūpa jhāna) và cận định (upacārā samadhi).
(Biết và Thấy Knowing and Seeing Thiền sư Pa-Auk Tawya Sayadaw (U Acinna)

Tỳ khưu Pháp Thông dịch).


Lời bàn:

Khi hành giả thành tựu được từ cận định trở lên có thể lấy đây làm nền tảng vững chắc chuyển sang tu tập thiền quán để thấy rõ bản chất chân như của danh sắc. Nhờ ánh sáng trí tuệ của chánh định xuyên thấu các pháp khiến cho trí tuệ sanh khởi thấy rõ sự vận hành của pháp hữu vi đúng theo bản chất của chúng. Định lực ngày một tăng trưởng theo các tầng thiền từ sơ thiền đến tứ thiền khiến cho hơi thở ngày càng vi tế. Đến tứ thiền hơi thở vi tế dường như không còn thở nữa. Những tầng thiền kể trên đem lại cho hành giả sự tĩnh lặng, bình an vô biên và những hỷ lạc nhiệm màu khiến cho vị ấy đôi khi chìm đắm vào sự an tịnh này mà quên đi nhiệm vụ đích xác của mình đó là sự quán chiếu vạn pháp. Tuy vậy, để chứng đắc được những tầng thiền sắc giới và vô sắc giới không phải là chuyện dễ thực hiện đòi hỏi hành giả phải có sự nỗ lực,tinh tấn miệt mài ngày đêm chú tâm liên tục trên đề mục thiền định đã chọn. Và chánh định là một trong ba tam học giới, định, tuệ là chi phần hết sức quan trọng trong đạo lộ tiến đến vô sanh bất diệt. NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Phước Trung