Xả ly tham ái là một trong những nội dung tu học quan trọng trong giáo pháp của Thế Tôn. Để có sức khỏe và phương tiện tu học, người tu cũng rất cần một số vật dụng tối thiểu như thực phẩm, y phục, sàng tọa (giường tòa) và thuốc men. Vấn đề là tuy có thọ dụng mà phải giác tỉnh để không dính mắc, chẳng khởi tham ái, và đây cũng là điều khó làm.
Tham ái là bản chất của chúng sinh, có nhiều cấp độ, sâu cạn thô tế khác nhau. Chưa nói đến tham ái tinh vi, riêng những thứ vốn bình thường như ăn, mặc, ở, thuốc men mà nhiều dính mắc thì khó tiến bộ trên đường tu. Lập trường của Thế Tôn về vấn đề thọ dụng vốn rất rõ ràng. Ai còn nhiều tham ái, dính mắc vào bốn vật dụng thì “Ta chẳng nói tới người này”.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có bốn pháp khiến ái khởi lên. Những gì là bốn? Tỳ-kheo do y phục mà khởi ái. Do khất thực mà khởi ái. Do sàng tọa mà khởi ái. Do thuốc men mà khởi ái.
Đó là, Tỳ-kheo! Có bốn pháp khiến ái khởi lên, có chỗ dính mắc.
Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về y phục, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa được y, liền khởi sân giận, suy nghĩ, dính mắc.
Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về thức ăn, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa khất thực được, liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.
Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về giường tòa, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa được giường tòa, liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.
Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về thuốc men, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người này lúc chưa được thuốc men, liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.
Tỳ-kheo nên biết! Nay Ta sẽ nói hai việc, nên thân cận và không nên thân cận. Thế nào là nên thân cận? Thế nào là không nên thân cận?
Nếu được y phục, hết sức ưa thích y, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lại được y phục, khởi pháp lành, tâm không ái trước, thì đây nên thân cận.
Nếu lúc khất thực, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lúc khất thực khởi pháp lành thì đây nên thân cận.
Nếu lúc được giường tòa, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lúc được giường tòa khởi pháp lành thì cũng nên thân cận.
Thuốc men cũng thế. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy gần gũi pháp lành, trừ bỏ pháp ác! Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này: muốn khiến đàn việt, thí chủ được công đức, thọ phước vô cùng, được vị cam lồ.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: Y phục dùng bố thí/Uống ăn, giường, ngọa cụ/Trong ấy chớ khởi yêu/Chẳng sinh các thế giới.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 29.Khổ lạc, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.100)
Lời bàn:
Thật rõ ràng, những ai còn dính mắc nhiều vào thực phẩm, y phục, sàng tọa, thuốc men thì ít có hy vọng thành công trong tu học, nên Thế Tôn “chẳng nói tới người này”. Khi tham ái không được thỏa mãn thì liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc. Dòng vận hành tâm lý thuận theo nghiệp lực là tham ái sẽ sinh ưu não. Người tu cần đảo ngược sự vận hành này, bắt đầu từ bớt tham để giảm giận phiền và dần đến xả ly hoàn toàn tham ái.
Kinh nghiệm của Thế Tôn, trong đại chúng, những ai có được bốn vật dụng mà không khởi tham ái, ưa thích cũng như không khởi lên các pháp bất thiện thì nên thân cận để nương tựa và học hỏi. Bởi đây là những người thực tu, thấy rõ chẳng có gì là của mình, xem các pháp là phương tiện để tùy duyên làm lợi ích chúng sinh. Được như thế thì “đàn việt, thí chủ được công đức, thọ phước vô cùng, được vị cam lồ”. Ngược lại những người dính mắc, xem đó là của mình, thậm chí tự hào về những gì mình đang có (mà thực chất không có gì cả, do tín thí cúng dường) thì không nên thân cận.
Quan trọng là, không tham ái, dính mắc bốn vật dụng là tiền đề để thành tựu giải thoát, “chẳng sinh các thế giới”. Ái thủ đã không thì hữu cũng không, chấm dứt sinh tử và khổ bi ưu não.
Quảng Tánh