Tế đàn hay đại hội tế lễ ở xã hội Ấn Độ cổ đại là hình thức thiết lập đàn tràng, đem các phẩm vật hiến tế thần linh, cúng dường bố thí, nguyện cầu âm siêu dương thái. Các loại hình tế đàn (thiện hoặc ác) này diễn ra khá phổ biến trong thời đại Thế Tôn. Bấy giờ Ngài đã bày tỏ quan điểm, loại hình tế lễ nào mà thực sự thanh tịnh, không giết hại sinh vật, mọi người đều hoan hỷ thì Ngài tán thán, chấp nhận và ngược lại thì không.
Mùa tháng bảy tế đàn thanh tịnh tại chùa Quang Minh, thị xã Đồng Xoài
“Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Bà-la-môn tuổi trẻ tên là Ưu-ba-ca đến chỗ Đức Phật. Sau khi chào hỏi xong, lui ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:
Bạch Cù-đàm, các Bà-la-môn thường hay khen ngợi đại hội tế lễ. Còn Sa-môn Cù-đàm có khen ngợi đại hội tế lễ không?
Phật bảo Ưu-ba-ca:
Ta không khen ngợi một chiều. Hoặc có đại hội tế lễ Ta tán thán. Cũng có đại hội tế lễ Ta không tán thán.
Ưu-ba-ca bạch Phật:
Những đại hội tế lễ nào có thể được khen ngợi và những đại hội tế lễ nào không được khen ngợi?
Phật bảo Ưu-ba-ca:
Nếu có đại hội tế lễ nào mà cột trói cả bầy nghé, trâu đực, trâu cái, những con dê và những chúng sanh nhỏ bé khác, tất cả đều bị sát hại; hành hạ áp bức những kẻ nô tỳ, người làm công, đánh đập bằng roi vọt, làm cho sợ hãi, buồn khổ, khóc la, kêu gào, không hoan hỷ, không sướng, lao dịch khổ nhọc. Những đại hội tế lễ như vậy, Ta không khen ngợi, vì chúng gây nên tai nạn lớn.
Nếu những đại hội tế lễ mà không trói cột các súc vật, cho đến không khiến chúng sanh phải lao dịch khổ nhọc; những đại hội tế lễ như vậy được Ta khen ngợi tán thán, vì nó không mang lại tai nạn lớn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Đại hội như tế ngựa
Gây nên tai họa lớn
Các tế lễ như vậy
Đại tiên không khen ngợi.
Trói cột các chúng sanh
Sát hại côn trùng nhỏ
Chẳng phải lễ hội chánh
Đại tiên không tùy thuận.
Nếu không hại chúng sanh
Không gây các tai họa
Thì gọi lễ hội chánh
Đại tiên thuận tán thán.
Bố thí và cúng dường
Đúng pháp thiết đại tế
Người thí, tâm thanh tịnh
Phạm hạnh ruộng phước tốt.
Những đại hội như vậy
Gọi lễ hội La-hán
Hội này được quả lớn
Chư Thiên đều hoan hỷ.
Tự mình cung kính thỉnh
Tự tay ban phát cho
Mình người đều thanh tịnh
Cho này được quả lớn.
Kẻ trí cho như vậy
Tín tâm được giải thoát
Cõi đời vui, không tội
Người trí sanh nơi đó.
Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Ưu-ba-ca nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 89)
Pháp thoại trên cho thấy, Thế Tôn khen ngợi các đại hội tế lễ thanh tịnh, lợi ích cho số đông. Người nào phát tâm cúng dường Sa-môn và Bà-la-môn, hiến tế quỷ-thần-linh (cúng chay, không tổn hại sinh vật), bố thí cho người nghèo… với tâm trong sạch và cung kính thì được phước vô lượng.
Khi Phật giáo Ấn Độ truyền sang Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á nói chung, trong đó có Việt Nam, loại hình tế đàn thanh tịnh này được tiếp biến hình thành nên các Thí vô giá hội, Trai đàn chẩn tế… nguyện cầu âm siêu dương thái. Trong ý nghĩa này, tổ chức các pháp hội cúng dường bố thí, trai đàn thanh tịnh, âm dương lưỡng lợi là phù hợp với tinh thần lợi tha của Chánh pháp.
Có điều người Phật tử chánh kiến cần lưu tâm rằng, phước báo được tạo ra trong các Phật sự này chủ yếu là nhờ sự phát tâm cúng dường và bố thí thanh tịnh của thí chủ. Thế Tôn dạy “Cho này được quả lớn”, tức cốt tủy của vấn đề là nhờ bố thí sinh phước quả chứ không phải do sự cúng bái với lễ nghi phức tạp hay sự phò hộ của quỷ thần. Tin vào năng lực của tế lễ, dựa vào phò hộ của quỷ thần là rơi vào tà kiến, không đúng với Chánh pháp. Nên cúng/thí/cho/xả là hạnh tu căn bản của người Phật tử. Để cho hạnh lành này sinh quả phước lớn thì cần thực hành với trí tuệ, tâm thanh tịnh, hoan hỷ.
Quảng Tánh