Tăng thân Làng Mai (TT. Thích Pháp Dung | Trụ trì Tu Viện Lộc Uyển, San Diego, Hoa Kỳ) hướng dẫn ngồi thiền 19-03-2017 tại chùa Giác Ngộ
VÀI NÉT VỀ THẦY PHÁP DUNG:
Thầy Pháp Dung thường dùng chữ “cool” mỗi khi thầy nhìn một cái gì đó đẹp hoặc một ai đó đã làm gì dễ thương. Chữ “cool” mà thầy thường dùng đã làm cho nhiều bạn trẻ cảm thấy như thầy là nguời bạn thân của mình khi nói chuyện với thầy hoặc được gần thầy. Đại giới đàn năm ngoái tại Làng, thầy đã được nhận đèn (nghĩa là trở thành một vị Giáo Thọ). Những lời chia sẻ của thầy rất dễ thương và làm cho đại chúng cười. Đó là một trong những nét đẹp của thầy Pháp Dung, luôn đem niềm vui và nụ cười đến cho mọi người. Bạn có muốn biết thầy Pháp Dung “cool” như thế nào không? Nếu muốn, xin bạn đọc những dòng chia sẻ của thầy. Chúc bạn đọc vui.
Thầy Thích Pháp Dung
1 – Lúc mới đến Làng, điều gì khiến Thầy nghĩ rằng “Con muốn nơi này là ngôi nhà tâm linh của con trọn đời”?
– Hồi Pháp Dung đến đây, Làng còn chưa lớn lắm, quý Thầy cũng không nhiều, vì vậy Pháp Dung thấy tình cảm của mọi người rất ấm cúng. Thật ra ban đầu Pháp Dung không có ý định xuất gia, nhưng càng gần quý Thầy như Thầy Pháp Trú, Thầy Pháp Ứng, Thầy Pháp Niệm, Thầy Pháp Dụng… mình thấy như anh em của mình, như nước và sữa cùng hòa vào nhau vậy. Pháp Dung thấy được sự ấm cúng của một gia đình mà anh em cư xử và chăm sóc cho nhau rất dễ thương. Năng lượng ở Làng cũng rất tuyệt vời. Bên cạnh đó, mình cũng thấy được lý tưởng giúp đời của Sư Ông và quý Thầy qua các bài pháp thoại. Trước đó, khi còn học đại học, Pháp Dung cũng có nghĩ đến chuyện làm sao để giúp xã hội, nhưng khi đến đây Pháp Dung thấy cách giúp đời của quý Thầy đơn giản hơn nhiều: tiếp xúc với thiền sinh và giúp họ chuyển hóa. Mới nhìn vào thì có vẻ như cách này không giúp đời nhiều, vì nó không có một chương trình hay một dự án xã hội cụ thể nào cả. Đây là lần đầu tiên Pháp Dung thấy cách giúp xã hội mà không cần chương trình hay dự án lớn lao như cải tạo một thành phố, nhưng thực ra nó như từng giọt nước mỗi ngày thấm vào lòng mỗi người. Đối với Pháp Dung đây là cách giúp đời thật sâu sắc. Mình không cần làm gì cả, chỉ giúp cho người ta tự chuyển hóa, từ đó họ có thêm niềm tin, cởi mở hơn, làm hòa với gia đình, bè bạn, con cái. Trường Đại học không dạy mình giúp đời theo cách đó. Có nhiều điều để nói lắm, Pháp Dung chỉ đưa ra 2 điểm này thôi: tiếp xúc người và giúp người chuyển hóa.
2 – Tại sao Thầy không tiếp tục làm một kiến trúc sư công trình mà chọn con đường này?
– Lúc đó Pháp Dung có rất nhiều cảm hứng đối với nghề kiến trúc, nhưng khi nghiên cứu tâm của con người, thì những khám phá về tâm làm cho Pháp Dung thấy hạnh phúc, nếm được sự an lạc và điều đó đáp ứng được cái năng lượng sáng tạo trong tự thân. Kiến trúc giúp về mặt xây dựng vật chất, Pháp Dung cũng đã nhiều lần giúp xây dựng cơ sở vật chất cho Làng, còn ở đây cũng là xây dựng nhưng là xây dựng con người, xây dựng cộng đồng, nên không có gì khác nhau cả. Pháp Dung nhớ Bụt có dạy trong Kinh là “ai cũng là một người kiến trúc” xây dựng cho đời sống và tâm linh của mình. Cho nên Pháp Dung không thấy thiếu hay mất đi cái gì cả, tất cả giống như là những móc xích, nối tiếp và giúp đỡ nhau. Pháp Dung không thấy là mình đã bỏ đi điều gì hay đã bắt đầu một cái mới, thật ra cái kia giúp cái này và tự nhiên hai cái đi với nhau rất đều. Những điều này không thấy trước được, trước đây Pháp Dung không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ về ở làng quê nước Pháp này, có bò, có ruộng, có rừng núi… vì mình đang ở thành phố làm kiến trúc sư, có nhiều bạn bè, rồi đi chơi nơi phố xá ồn ào xe cộ…, nhưng rồi thì Pháp Dung chuyển hướng dần dần cho đời sống của mình.
Lúc còn đi học kiến trúc, Pháp Dung có ý nghĩ muốn giúp thành phố thiết kế lại để mọi người có thể thay đổi cách sống, vì Pháp Dung nhìn thành phố không có cây cảnh, thiếu màu xanh của thiên nhiên, không có không gian cho con người tiếp xúc với nhau, con người sống thu mình…Mà mình biết là kiến trúc của thành phố có ảnh hưởng tới sinh hoạt và hạnh phúc của con người, từ đó quyết định hướng đi, lý tưởng của xã hội. Nhưng giới kiến trúc sư ít có cơ hội làm những việc này, họ thường chỉ chú trọng vào danh vọng, tiền tài… Bản chất của người làm kiến trúc chưa được trong sạch, nói là giúp đời cũng có thể được nhưng nhìn vào đời sống của một kiến trúc sư thì thấy họ không hạnh phúc. Có một lần ngồi ăn trưa, Pháp Dung nhìn thấy một ông sếp kiến trúc đang “nhét” thức ăn vào một cách vội vã hấp tấp, thấy thật đáng sợ. Mặc dù đó là sếp, có thể làm nhà đẹp, nhưng nghĩ thật tội cho ông ta, ông không có hạnh phúc
3 – Ai cũng có lỗi lầm, Thầy có thể chia sẻ một bài học không thể quên được mà Thầy đã rút ra được từ những lỗi lầm của mình. Có thể là những lỗi lầm khi 18 tuổi hay 21 tuổi hay lỗi lầm trong đời tu của mình?
– Điều mà mình đã học được và còn đang học rất nhiều lần qua cách hành xử của Sư Ông và quý Thầy, là phải trân quý người đang ở trước mặt mình. Mình thường hay mắc lỗi ở điểm này lắm. Ngày xưa ở nhà, mình thường không có mặt cho ba, cho mẹ, cho anh chị em, cho người bạn thân của mình. Bây giờ, mình muốn sửa đổi, muốn thực sự có mặt cho những ai đang ở trước mặt mình. Ngày trước không có ai dạy mình cách thực sự có mặt cho nhau, vậy nên khi nhìn lại lỗi lầm thì thấy đây không phải là một lỗi mà là một cách sống. Đối với đồng nghiệp cũng vậy, làm việc cùng nhau nhưng không biết quý trọng nhau. Điều này mình vẫn còn đang phải học, vì mình thường hay quên lắm, dễ coi thường sự có mặt của người khác. Ví như có người mới tới đưa cho mình một lá thư với sự quan tâm, nếu chỉ để ý sơ sơ thì mình đã đánh mất cơ hội. Tuy chỉ là những điều nhỏ nhưng những cái nhỏ sẽ làm ra cái lớn, mình có thể trở nên coi thường sư anh, sư em của mình.
4 – Thầy phản ứng, cảm nhận thế nào khi nghe tin Sư Ông chọn Thầy làm Trụ trì tu viện Lộc Uyển?
( “Sao lại hỏi câu nớ làm chi?”)
– Pháp Dung không muốn nhớ hôm đó là ngày nào nữa. Hôm đó sư cô Bích Nghiêm đem fax của Sư Ông từ Mỹ gửi đến Lộc Uyển và nói: “Sư em có biết là Sư Ông và Đại chúng đã chọn sư em làm “xử lý thường vụ” Lộc Uyển không?” Bởi vì Pháp Dung không hiểu nghĩa “xử lý thường vụ” nên Pháp Dung không bị ảnh hưởng nhiều. Vài ngày sau, vào ngày quán niệm, sư cô Trung Chính, sư cô Thoại Nghiêm bắt Pháp Dung ra trước đại chúng để nghe tuyên bố điều đó nhưng Pháp Dung nhớ rằng mình chỉ có ngồi đó thôi, không cảm gì cả. Vì Pháp Dung lớn lên ở Mỹ nên thấy “trụ trì” hay “xử lý thường vụ” không có gì là ghê gớm lắm. Pháp Dung thấy rằng quan trọng là giữ tâm mình thôi, sống trong Tăng thân, mình biết cách làm việc của anh em nên thấy không có gì quan trọng. Sau này, Pháp Dung học được cách bỏ qua mỗi khi mọi người đặt mình vào chỗ nào đó, vị trí nào đó, giống như là cỏ đang mọc và mình cứ nhẹ nhàng tìm cách bước qua thôi. Vui lắm! (cười) Pháp Dung cũng đang học hỏi. Cũng như khi mình làm tri sự, tri xa, những ngày đầu mình cũng sẽ có những câu hỏi như “ồ! Thì ra lo cho chúng là như vậy hả? Thì ra mình phải chuẩn bị cái này trước…” Rồi một cách tự nhiên mình phải biết sắp xếp công việc, nếu không sẽ hỏng việc của đại chúng. Vậy thôi! Trong cương vị này, Pháp Dung cũng đang học hỏi điều gì là tốt và điều gì không tốt. Cũng có lúc nó làm cho mình khó chịu vì mọi người có ý kiến này kia, rồi đặt Pháp Dung vào một chỗ đứng mà Pháp Dung không quen, không biết tâm lý ra sao, những lúc đó Pháp Dung thở, thấy hơi nóng nóng và mắc cỡ. Pháp Dung cũng đang học từ từ thôi.
Pháp Dung muốn rằng ai cũng phải học tất cả những cái như xử lý thường vụ, tri sự, chùi nhà vệ sinh, làm vườn,… để mình biết và hiểu thêm. Điều làm Pháp Dung khó chịu nhất là bắt Pháp Dung phải lớn, phải làm những điều mà mình không thích. Nhưng bây giờ mình biết cách rồi. Cũng như làm tri sự, trong vài tuần đầu sẽ mất ngủ. Tất cả đều là chuyện học hỏi thôi, không phải tự nhiên mà mình biết hết. Từng ngày, từng ngày sẽ quen dần. Mỗi khi tiếp xúc với phật tử, mình để ý xem họ đối xử với mình ra sao, phật tử Tây phương và Việt Nam có cái nhìn của họ, mình đứng đó thở để xem thử họ muốn điều gì. Nếu họ muốn mình là một vị trụ trì thì mình cũng sẽ là một vị trụ trì, nhưng mình không bị kẹt vào đó, sau đó mình có thể đi chơi với anh em hoặc với bọn trẻ.
5. Điều quan trọng đối với thầy ở cương vị này là gì?
– Điều quan trọng là liên hệ tốt với huynh đệ trong tăng thân, đó chính là hạnh phúc của Pháp Dung cũng là để nuôi dưỡng và bảo vệ Pháp Dung. Có khi những vị cư sĩ buồn do hiểu lầm cũng làm cho mình buồn vì Pháp Dung thuộc loại người luôn ưa thích thấy mọi người được hòa hợp và hạnh phúc, mà điều này không thể xảy ra hoài hoài được. Cho nên bây giờ, hạnh phúc của Pháp Dung là khi nhìn lại sự liên hệ của mình với các sư anh, sư chị, sư em cũng như liên hệ với các thành phần trong gia đình thấy vẫn còn tốt. Là một vị trụ trì, có rất nhiều điều đi qua tai mình, mình phải tập và thấy rằng những sự khen chê không phải là hạnh phúc của mình. Cũng như cái cây có nhiều nhánh, có nhánh chính và nhánh phụ, nhánh phụ thì từ từ mình tìm cách nhổ bớt. Nghe những chuyện phe phái có khi làm Pháp Dung ngán đến nỗi phải nghĩ ra phương pháp chơi với trẻ em, bọn trẻ sẽ bảo vệ mình, xung quanh có trẻ con nên người lớn không tới xâm nhập được.
6 – Mọi người đều thấy sự liên hệ tốt giữa Thầy và giới trẻ cũng như trẻ em, Thầy rất thích chơi với thiếu nhi nhưng khi làm trụ trì thì Thầy phải làm việc nhiều với người lớn, Thầy thấy thế nào?
– Thường thường, khi có thiếu nhi lên Lộc Uyển là Pháp Dung rất để ý, có trẻ em lên là mình thấy liền, thấy cách bọn trẻ đi, cười. Trẻ em lên Lộc Uyển có rất nhiều lứa tuổi, và chúng lớn rất nhanh. Quay trở lại câu hỏi, Pháp Dung thấy người lớn cũng như trẻ con, không có gì khác nhau hết. Không phải mình coi thường, nhưng vì có sự gần gũi nên mình biết họ muốn gì và cần gì, nên mình dùng lời nói để tưới tẩm những điều tích cực thôi. Giống như khi một em bé đang giận ba mẹ, ra ném cát, thì mình tới chơi ném cát cùng với em. Em bé thấy mình còn quậy hơn cả em nữa thì chấp nhận mình thôi. Khi đó mình có thể từ từ dẫn em ra khỏi tâm trạng buồn khổ của em được. Người lớn dường như cũng vậy, họ có rất nhiều điều than phiền, nhưng mình cứ ngồi lắng nghe, rồi cũng từ từ dẫn họ ra được. Tuy nhiên, Pháp Dung thấy mình vẫn chưa giỏi lắm, vì mình vẫn còn chọn gần với con nít nhiều hơn, người lớn suy tư nhiều quá. Nhưng điều này không liên quan đến công việc trụ trì nhiều, mình vẫn có thể dành cho họ 15 phút mỗi khi cần, nhưng sau đó mình trở về với chúng thôi. Cho nên chăm sóc con nít hay người lớn, đối với Pháp Dung cũng là một lý tưởng, giống như các sư anh, sư chị, sư em khác thôi. Việc làm trụ trì không ảnh hưởng đến việc chăm sóc người lớn hay trẻ em. Tuy nhiên có những lúc mình phải lựa chọn, khi mình đang chơi với con nít nếu có người lớn đến tìm sự giúp đỡ của mình, hay như khi đang nói chuyện để tháo gỡ khó khăn cho một cặp vợ chồng thì con nít chạy tới muốn chơi với mình, mình phải nói mạnh một chút: “Các con qua bên kia chơi, để Thầy nói chuyện xong sẽ chơi với các con sau”. Lúc đó bọn trẻ cũng có thể hơi ngạc nhiên, vì thường thường mình chơi đùa với chúng bất cứ lúc nào. Từ từ mình thấy phải đối xử với hai bên tùy theo hoàn cảnh, có khi mình mệt quá, phải nói với bọn trẻ “Thầy hết xí quách rồi, Thầy đi ngủ đây”, rồi mình đi ngủ.
7 – Thầy có một phẩm chất đẹp, đó là sự khiêm cung của Thầy ở một vị trụ trì trẻ lại có nhiều tài năng lại rất thích hợp với thiếu nhi và thanh thiếu niên. Thầy có thể chia sẻ bí quyết để có được sự liên hệ tốt như vậy với giới trẻ không, vì trong trường học, có nhiều thầy cô giáo muốn có được sự liên hệ tốt với học trò của mình mà không được?
– Thực ra Pháp Dung không có cách gì cả, nếu có cái gì đó được gọi là bí quyết thì có thể là niềm vui thích trong lòng mình khi được tới chơi và đùa nghịch với trẻ em, có lẽ điều đó làm cho mình rất tự nhiên khi đến với mấy em. Mà mình cũng để ý chăm sóc chúng nữa, và vì mình không có ý định tới để dạy bảo gì mấy em cả, nên mình có được tình bạn của mấy em. Tuy nhiên Pháp Dung cũng gặp những trường hợp mình phải nói để mấy em sửa đổi. Có lần người ta mời Pháp Dung đến một trường tiểu học với mục đích giới thiệu cho các em thấy được thế nào là một tu sĩ sống trên núi. Pháp Dung hỏi ngay mấy em “Các em có biết thế nào là một tu sĩ không?” Bọn trẻ cùng trả lời, và thế là mình cùng bọn trẻ ngồi chia sẻ. Vài ba lần như vậy, mình phát hiện ra rằng bọn trẻ thiếu tình thương. Thầy cô giáo nên nhìn bằng con mắt đó vì có khi ở nhà bọn trẻ thiếu tình thương và sự quan tâm chăm sóc của ba mẹ, có thể bị ba mẹ la mắng, hay ba mẹ bận rộn quá không có mặt đó cho con. Pháp Dung có em trai làm thầy giáo, và Pháp Dung luôn khích lệ em trai giữ nghề của mình. Nhưng làm thầy giáo khó lắm, vì bây giờ người ta thường muốn nhồi nhét thông tin hơn là dạy cho bọn trẻ thành người. Phần dạy con trẻ thành người ngày càng ít hơn.
Khi đến trường tiểu học đó Pháp Dung không chia sẻ gì nhiều, chỉ nói về “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” (Stars War), “Chúa Tể Của Chiếc Nhẫn” (Lord of the Ring), hay Darwin là ai. Những điều đó bọn trẻ đều biết hết, và mình cũng thích, nên mình dùng để nói với bọn trẻ vì nó có vẻ “đúng đài”. Nhưng đó chỉ là hình thức thôi. Sau đó, Pháp Dung cảm nhận là bọn trẻ rất hạnh phúc vì Pháp Dung thực sự có mặt cho các em. Pháp Dung chăm sóc bọn trẻ theo cách thức khác. Còn người em trai của Pháp Dung là dạy bảo theo nguyên tắc. Pháp Dung thấy rõ là bọn trẻ thiếu sự ấm cúng, Pháp Dung ngồi dưới đất và bọn trẻ ngồi xung quanh, giống y hệt mỗi lần chúng ta ngồi quanh Sư Ông, tự nhiên có một năng lượng rất thật mà không cần bất kỳ một “kỹ thuật” nào hết. Đó là phương pháp đến với các em của các Thầy, các sư cô, dù mình có chơi đùa, dạy bảo hay ăn cơm với các em thì cũng chỉ áp dụng cái thực tập gốc đó thôi. Có những trường hợp mình không chỉ giúp chính đứa trẻ mà phải giúp cả cho cha mẹ của em nữa. Người mẹ có thể nghĩ rằng vấn đề xuất phát từ người con, nhưng thực ra khi nhìn lại thì có lỗi của cha mẹ trong đó: họ chỉ muốn con mình trở nên hoàn hảo ngay lập tức mà không muốn dành thời gian cho bọn trẻ, xu hướng của xã hội Mỹ bây giờ là vậy. Cho nên mình phải rất khéo để chỉ cho các bậc phụ huynh thấy được những thiếu sót của họ chứ không phải lên án họ. Dù thế nào thì hiện giờ Pháp Dung cũng còn đang học hỏi thôi, và cảm thấy mình cần phải học thêm rất nhiều.
8– Thầy có thể chia sẻ một kỷ niệm đẹp về Sư Ông?
– Có một mùa hè, Sư Ông rất bận, sức cũng yếu, còn Pháp Dung thì mới từ Lộc Uyển về. Sư Ông gọi lên và đưa cho Pháp Dung một cuốn sách tiếng Trung để tặng cho ba của Pháp Dung. Pháp Dung vô cùng ngạc nhiên vì thấy Sư Ông bận rộn và có rất nhiều đệ tử mà vẫn quan tâm đến những chuyện nhỏ như vậy. Điều đó gây cho Pháp Dung một ấn tượng sâu sắc và một bài học về cách cư xử với mọi người là không quên những việc dù nhỏ. Đó cũng là một trong những điều làm cho Pháp Dung luôn nhớ về Sư Ông. Sư Ông có những cái hạnh chan chứa tình người mà những ai ít có cơ hội gần gũi thì sẽ không thấy được, không biết được.
9 – Thầy đã về Việt Nam bao nhiêu lần, và qua những lần đó Thầy khám phá được những gì về nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam mà trước đây Thầy chưa bao giờ biết?
– Pháp Dung về Việt Nam ba lần. Lần đầu tiên là sau khi học xong đại học, Pháp Dung về ba tháng để nghiên cứu kiến trúc Việt Nam. Mẹ Pháp Dung cho rằng mình không thể về quê hương và tiến hành nghiên cứu mà không về thăm quê và lạy tổ tiên trước, vì vậy Pháp Dung theo mẹ về thẳng quê ngoại ở Quảng Trị và thăm quê nội ở Đà Nẵng. Sau đó mẹ về lại Mỹ, còn Pháp Dung ở lại tiếp tục đi thăm đất nước Việt Nam. Rốt cuộc thì chuyến đi đó không phải là nghiên cứu về kiến trúc mà là tìm hiểu về con người, muốn biết về kiến trúc thì mình phải biết cách sống của con người ở đó.
Có một lần, ở tận vùng quê ven biển Quảng Trị, Pháp Dung nói chuyện với một ông lão, xung quanh là mấy người Việt. Lúc đó Pháp Dung còn là sinh viên, còn ngây thơ lắm, lại không biết tiếng Việt nhiều. Pháp Dung có hỏi xem ông cụ có cảm thấy lo lắng khi người phương Tây về Việt Nam xây cất những tòa nhà cao và đem cách sống Tây phương làm ảnh hưởng đến cách sống của người Việt không, vì Pháp Dung thấy Sài Gòn và Đà Nẵng đang phát triển rất nhanh. Dường như ông cụ thấy sự lo lắng của Pháp Dung trong câu hỏi, nên bật lên tiếng cười rất hiền hậu rồi bảo Pháp Dung đừng có lo, ông bà tổ tiên của mình đã bao lần kinh nghiệm những điều đó. Sau đó, Pháp Dung cảm thấy như được thức tỉnh. Khi học ở trường, Pháp Dung hay tưởng tượng nhiều điều nhưng trong cuộc sống thì không như thế. Cách ông lão cười làm Pháp Dung thấy nhẹ đi rất nhiều và Pháp Dung cũng đọc được nhiều điều trong mắt của ông, một con người đã trải qua bao nhiêu đau thương mà vẫn có thể sống và cười, nụ cười rộng mở trên khuôn mặt nhăn nheo với hàm răng chỉ còn vài chiếc. Cho đến bây giờ, đối với Pháp Dung đó là một hình ảnh đặc trưng của Việt Nam, là một biểu tượng. Và sau đó, hình ảnh những con người đang lao động đã làm thay đổi cách nghiên cứu của Pháp Dung, bằng cách chụp những bức ảnh Pháp Dung đã tìm cách miêu tả kiến trúc qua cách sống của con người.
10 – Thầy lớn lên ở Mỹ và sống ở đó khá lâu, 26 năm, cho dù không nhiều nhưng Thầy thế nào cũng biết về văn hóa Việt Nam. Thầy có thể nêu lên một trong những nét đẹp của văn hóa Việt Nam và một trong những nét đẹp của văn hóa Mỹ?
– Bây giờ nói về văn hóa, Pháp Dung bớt có cái nhìn phân biệt Việt Nam hay Mỹ, Tây phương, Pháp…Tuy nhiên cũng còn một vài điểm như cách xưng hô, hay cách ăn uống, nhưng Pháp Dung thấy những điểm đó thuộc về văn hóa làm người nhiều hơn. Một trong những nét đẹp của văn hóa Việt Nam là người trẻ tuổi trong khi tiếp xúc với người lớn có sự kính trọng. Trong văn hóa phương Tây, người nhỏ tuổi và người lớn có thể đối xử với nhau như những người bạn, đó cũng là nét đẹp riêng. Người Tây phương khi nhìn vào cách đối xử của người Việt Nam có thể cảm thấy có khoảng cách, nhưng Pháp Dung lại thấy rất đẹp vì đó là cách mình biểu lộ tình cảm với nhau, không phải là sự ép buộc. Do vậy, mặc dù mang tính Á Đông nhưng Pháp Dung không còn thấy đó chỉ là văn hóa Việt Nam nữa mà thuộc về văn hóa làm người rồi, do vậy người phương Tây cũng có thể học hỏi.
Hiện nay ở Mỹ, những gia đình người Việt đang tìm cách giữ gìn văn hóa Việt Nam. Pháp Dung cũng suy nghĩ về điều đó và thấy rằng những nét đẹp và sự ấm áp trong cách mình có mặt cho nhau, lắng nghe nhau, thương yêu và chăm sóc cho nhau sẽ tạo thành văn hóa, không kể là Việt Nam hay Mỹ, nhưng sẽ đẹp.
11 – Ở Lộc Uyển có rất nhiều khóa tu cho người trẻ, có cả khóa tu dành riêng cho những sinh viên đại học. Trong những khóa tu như vậy, thời khóa sẽ như thế nào và đề tài của những buổi pháp đàm là gì để có thể gây được cảm hứng cho người trẻ thưa Thầy?
– Nhìn chung, thời khóa cũng không khác với các khóa tu khác, cũng có pháp đàm, ăn cơm im lặng, ngồi thiền, buông thư…chỉ khác là cách các quý Thầy và quý sư cô chia sẻ mang tính cách vui tươi, năng động và tiếp xúc nhiều hơn. Ví dụ như khi hướng dẫn một buổi pháp thoại, mình không dạy nhiều, mà thỉnh thoảng hỏi các em: “Các em nghĩ sao về điều đó?” để tạo nên sự trao đổi. Các em thường không thích ngồi nghe nhiều mà muốn có sự trao đổi. Các em rất tò mò muốn biết về cuộc sống xuất gia. Các sư anh sư chị đã quen với điều đó và biết cách hành xử thế nào để trở thành bạn của mấy em chứ không phải làm thầy cô giáo. Như vậy, hình thức của khóa tu không có gì khác. Mới đây, khi tham khảo ý kiến các em về khóa tu, Pháp Dung rất ngạc nhiên khi biết rằng có những em ở nhà rất muốn dậy sớm ngồi thiền vì thấy làm như vậy rất có ích. Pháp thoại ngắn hơn và có thêm phần vấn đáp. Pháp đàm sôi nổi hơn. Ngoài ra, thời khóa còn có thêm các hoạt động thân thể hay trò chơi, tạo cơ hội cho những ý tưởng được bộc lộ. Phần tôn giáo, như giảng hay tụng kinh, mặc dù cũng quan trọng nhưng được giảm bớt, vì điều quan trọng hơn với giới trẻ là mình có thể hiểu sâu vấn đề của các em và chỉ cho các em phương pháp để tự chăm sóc.
Tất cả các khóa tu này đều được tổ chức dựa trên sự yêu cầu, chứ không do mình tự đề ra. Khóa tu đầu tiên chỉ có 25 thiếu nhi, nhưng rất vui. Và sau đó, khi các bậc phụ huynh đến, họ thích và cũng muốn có khóa tu cho riêng họ. Vì vậy ở Lôc Uyển có tổ chức khóa tu riêng cho gia đình, cho các cặp vợ chồng trẻ, cho giáo viên và sinh viên đại học. Hàng năm, Lộc Uyển có 2 khóa tu cho cấp đại học, có khi cả lớp học cùng đến tu học và sống cùng nhau trong 2 tuần. Và quý Thầy, quý sư cô hướng dẫn giáo viên cách dạy sinh viên của mình. Pháp Dung rất ngạc nhiên khi thấy mọi người thảo luận sôi nổi về 5 Giới, và chủ đề cơ bản là mối quan hệ với gia đình, bạn bè, cách xử lý các cảm xúc – những vấn đề rất con người và cũng là những khía cạnh rất cơ bản trong các bài giảng của Sư Ông.
12 – Tuần trước, Sư Ông giảng về sự hòa hợp trong Tăng thân như một bản hòa tấu. Thầy có ý kiến như thế nào khi Thầy muốn Tăng thân có được sự hòa điệu như một bản nhạc?
– Pháp Dung thấy việc xây dựng Tăng thân quả là một nghệ thuật. Khái niệm “nghệ thuật” rất rộng, nó không loại trừ bất kì điều gì, tuỳ theo cách mình nhìn. Khi mình có sự hòa điệu trong Tăng thân, không có nghĩa là ai cũng phải đồng ý với tất cả ý kiến của nhau về tất cả mọi việc, đó là điều không tưởng. Mình không muốn nói là không thể đạt tới sự hòa hợp hoàn hảo, nhưng trên thực tế, sự hòa hợp trong cuộc sống cộng đồng con người là tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đôi khi mình so sánh sự hòa hợp này với một bản nhạc hay một thứ gì đó mang tính cấu trúc thì mình có thể bị sai lầm vì nghĩ rằng mọi thứ phải hoàn hảo. Vì vậy, trong mối quan hệ và cuộc sống cộng đồng, sự hòa hợp không phải là điều mà mình có thể thiết kế mà là khả năng thay đổi và thích ứng của từng người. Cho nên nó rất đẹp. Như khi mình làm đường bên Lộc Uyển, thì sự hòa hợp không phải là mọi việc được hoàn thành và từng cái lỗ được đắp hoàn hảo, nhưng mình có thể cảm thấy được sự hòa điệu của chúng mà cái đó được gọi là nghệ thuật vì cái đó không thiết kế trước được, mình chỉ có thể cảm nhận được khi nó xảy ra. Nhiều người đã từng nghiên cứu về xây dựng cộng đồng, và đã có nhiều sách viết về xây dựng cộng đồng,
13 – Trong thời gian trở về Làng vào khóa An Cư Kiết Đông 2006 này Thầy có vui nhiều không thưa Thầy?
– Có chứ. Pháp Dung thấy Tăng thân đang phát triển, mọi người cũng đều thấy như vậy. Điều đó làm cho Pháp Dung hạnh phúc và đầy niềm tin vào tương lai. Mỗi lần quay về đây, Pháp Dung đều học được rất nhiều. Pháp Dung về lại và chỉ tận hưởng tình huynh đệ, mặc dù có nhiều sư em mình chưa biết nhưng Pháp Dung vẫn cảm nhận được sự ấm cúng. Có thể Pháp Dung không có nhiều cơ hội làm việc cùng nhau, sống cùng nhau, chia sẻ nhiều với nhau nhưng điều đó không quan trọng, chỉ cần nhìn vào mắt nhau là có thể thấy được sự gần gũi và chấp nhận nhau là quá đủ rồi.
Theo Làng Mai