Sư ông Thiền Tôn luôn nhận mình “tu giới, tu định, tu huệ chưa chứng đắc được gì”, nhưng phải chăng những lời sư ông dạy chính là thần thông, từng điệu bộ xá tạ chính là tâm ấn?
Chân dung Đại lão Hòa thượng Thích Tắc An
Trước ngày sư ông Thiền Tôn “về Phật” không lâu, cứ vài ngày tôi lại chạy qua Thiền Tôn, phần vì muốn qua xem đám cây thầy trụ trì mới trồng sau tháp, phần cũng vì muốn thăm sư ông. Trong hạ, sức khoẻ sư ông không được tốt, cứ cách tuần lại phải uống thuốc hạ sốt, nên sư ông ít ăn và ốm hơn. Có hôm vào phụ với thầy thị giả, tôi ngồi cạnh đỡ lưng sư ông, tôi ghé tai hỏi sư ông: “Hôm trước sư ông nói tụi con sư ông muốn nghe thầy Định Thành niệm Phật, tụi con có làm cái máy nhỏ để phát rồi, sư ông nghe có niệm Phật theo không?”. Sư ông đang nắm tay tôi, sư ông siết nhẹ rồi gật đầu. Tôi nhìn sư ông cười: “Sư ông thương tụi con thì sư ông cứ niệm Phật, thầy Định Thành cũng dặn con thưa với sư ông cứ để máy phát kế bên, khi nào hết pin thì tụi con sạc, sư ông đừng sợ phiền tụi con chăm sóc sư ông gì hết”. Sư ông mắt nhìn xuống đất, môi mấp máy “A Di Đà Phật”, rồi gật đầu. Lát sau, tôi xá thưa sư ông về, thầy thị giả nói sư ông: “Đức xá sư ông về!”, sư ông ngước lên nhìn tôi rồi chắp tay xá tạ. Thú thật, sư ông yếu hơn sau mỗi lần bệnh, nên lần này, sư ông đưa tay lên xá tạ, tôi biết không phải chuyện dễ dàng. Sư ông là vậy, sợ tổn đức, luôn tự nhận mình kém cỏi, không có gì đáng để người khác xá lạy, nên ai xá sư ông, sư ông đều đáp lại.
Đại lão Hòa thượng Thích Tắc An giáo giới cùng giới tử tại giới đàn Quảng Đức tại Khánh Hòa.
Sư ông có lần nói với tôi: “Biết sao giảng sư đến là phải đánh trống Bát Nhã không? Tại “đánh” thì giảng mới hay, chứ không là buồn, sẽ giảng dở. Tui đó giờ đi đến đâu nghe người ta đánh trống rước mình, rồi xá chào mình là sợ lắm. Trống đánh là để thỉnh Phật, hộ pháp với các hoà thượng đủ đức độ, còn mình thì cái gì giờ cũng dở, già yếu không lên chánh điện tụng kinh được, nên ai xá tui là tui chắp tay xá lại, để khỏi mắc nợ người ta. Coi vậy chứ người ta xá lạy là mình tổn đức. Cũng có mấy thầy tới xin tui làm y chỉ, mà tui không dám nhận, vì mình đâu có đức độ gì đâu mà đi nhận người ta. Mỗi lần đi đâu với mấy thầy, tui nghe mấy thầy nói chuyện, tui học được nhiều thứ, nhiều cái mình không biết lắm. Nên mình không được khinh thường ai, xung quanh mình nhiều khi là Thánh nhân, nên người ta lạy mình mà mình không xứng đáng với cái lạy của họ là kiếp sau trả nợ không hết”.
Hôm ở giới đàn Bồ-tát Quảng Đức – Khánh Hoà cũng vậy, mấy thầy Ban trị sự tỉnh sau khi sư ông truyền giới xong có lên phòng sư ông dâng lời cảm tạ. Sư ông chắp tay xá tạ từng lễ một của Ban Trị sự tỉnh Khách Hoà, rồi nói:
– Nam mô A Di Đà Phật. Hôm nay mấy thầy đến đây chào tôi, tôi không biết nói gì hơn, chỉ cảm thấy buồn vì lần này đi mình không làm được gì, sức khoẻ yếu nên giao hết cho hoà thượng Yết-ma. Đáng ra lần này tôi xin từ chối không đi, vì mình biết sức khoẻ của mình không làm được gì, đến đây chỉ làm phiền quý thầy trong giới đàn. Tôi cảm ơn quý thầy đã ngưỡng mộ tôi mà dù ở nơi xa xôi cũng đến mời thỉnh, nên tôi cố gắng đi, chứ lần sau chắc không đi nữa. Mình biết bản thân mình tu giới, tu định, tu huệ chưa chứng đắc được gì, không đủ phước đức ra ngồi không mà chẳng làm được gì. Biết rằng quý thầy có lời mời tôi lần sau, nhưng mong quý thầy đừng mời thỉnh nữa, để vị trí đàn đầu cho những vị đức độ và có sức khoẻ hơn tôi làm được tốt hơn. Một lần nữa, tôi xin cảm ơn quý thầy.
Sư ông Thiền Tôn luôn nhận mình “tu giới, tu định, tu huệ chưa chứng đắc được gì”, nhưng phải chăng những lời sư ông dạy chính là thần thông, từng điệu bộ xá tạ chính là tâm ấn?
Giới tử Thích Thiên Đức