Khi đến Quận Phú Nhuận Tp Hồ Chí Minh, không ai không biết ngôi chùa Quán Thế Âm trên đường Thích Quảng Đức, một ngôi chùa có sự tích gắn liền với sự cứu nạn của bồ tát quán thế âm trên biển cả và ngọn lửa thiêng của bồ tát quảng đức đấu tranh cho sự trường tồn của đạo pháp và dân tộc.
Cổng tam quan chùa Quán Thế Âm nơi Bồ-tát Quảng Đức khai sơn
Nguyên nhân thành lập ngôi chùa bắt nguồn từ việc đội Hải quân Đông Dương của Pháp gặp nạn trên biển. Vào thế chiến thứ nhất 1914- 1918 giữa lúc Pháp đánh nhau với Đức Quốc Xã, Pháp yêu cầu binh đội từ các thuộc địa của Pháp đưa đến chiến trường tăng viện, trong đó có đội Hải quân Đông Dương cũng được điều động. trong đội hải quân có một số binh sĩ là người Việt Namđi lính cho pháp.
Hôm ấy đội Hải quân Đông Dương do Thiếu uý Gilbert người Pháp chỉ huy tuần tra trên mặt biển, chẳng may tàu bị địch phát hiện bắn thủng nhiều lỗ, nước tràn vô làm cho tàu sắp chìm, mọi người hốt hoảng lo sợ chắc mình phải chết. Trong đám lính ấy có một thượng sĩ người Việt Nam tên là Dương Phong Quang giữa cơn nguy cấp, anh bước ra quỳ xuống thành tâm niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm cầu cứu nạn. Bọn lính Pháp nhao nhao lo lắng, thấy anh bình tĩnh quỳ đó, chắp hai tay lim dim mắt, miệng cứ lâm râm, họ không hiểu anh đang làm gì? Nhưng lạ thay, tàu bị tràn nước mà không chìm, cứ lình bình trên mặt biển. Sau đó, bỗng có chiếc tàu từ đằng xa chạy đến, may mắn đó là tàu bạn nhìn thấy chiếc tàu Hải quân Đông Dương bị trúng đạn nên đến cứu. Khi đưa hết số người gặp nạn lên được tàu bên này thì chiếc tàu bị nạn cũng vừa chìm xuống đáy biển sâu.
Toàn cảnh chùa Quán Thế Âm – Phú Nhuận – Sài Gòn
Bọn lính Hải quân Đông Dương khi thoát nạn, họ bàng hoàng không hiểu tại sao tàu không chìm và họ được cứu sống, cứ như một giấc chiêm bao. Lúc này Thiếu uý Gilbert hỏi thượng sĩ Dương Phong Quang: “ khi tàu đang nguy cấp anh quỳ làm gì vậy?”, thượng sĩ Dương Phong Quang nói: “ thửơ nhỏ tôi hay nghe mẹ kể về hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm thường cứu khổ cứu nạn, nhất là hay cứu những người đi tàu thuyền gặp nạn trên biển. Lúc sắp chìm, tôi thấy không còn cách nào khác, chỉ có chút hy vọng vào niềm tin linh ứng của Bồ tát và tôi chí tâm thành kính niệm danh hiệu Ngài cầu cưú. Có lẽ nhờ lòng thành khẩn mà được Bồ tát Quán Thế Âm cảm ứng cứu nạn chăng?”, nghe anh nói, mọi người trầm ngâm suy nghĩ về điều huyền diệu giúp mình thoát chết. Và cũng không còn lối giải thích nào khác vì sao chiếc tàu không chìm? Từ đó, những lính thuỷ trên tàu Đông Dương bị nạn, đều tin vào sự hiển linh cứu nạn của Bồ tát Quán Thế Âm mà họ được sống.
Khi hết chiến tranh, Hải quân Đông Dương trở về đóng quân ở Gia Định. Để kỷ niệm chuyến thoát chết trên biển cả và nhớ ơn cứu nạn của Bồ tát Quán Thế Âm. Lính Hải quân chung tiền mua đất xây lên một ngôi chùa ở Phú Nhuận lấy tên là chùa Quán Thế Âm. Hàng ngày những người lính tự trong coi chùa rất chu đáo và hương khói lễ bái rất thành kính trong suốt thời gian đóng quân. Người dân ở vùng Gia Định thấy chùa do lính thuỷ của Pháp lập lên nên gọi là chùa Mạch Lô (matelot) tức chùa của lính thuỷ, người bình dân thấy lính thuỷ đội mũ trắng mà gọi là chùa Bạch Lô trở thành quen thuộc. Sau lính Hải quân Đông Dương đổi đi nơi khác, chùa Quán Thế Âm do con cháu họ Trần của người chủ bán đất cho lính Hải quân trước đây trong coi, một thời gian chùa hư dột nhiều nơi, những người con cháu này sang nhượng chùa cho ông Lý Văn Lang một người Việt gốc Hoa sửa sang lại.
Chân dung Hòa thượng Thích Quảng Đức
Đến năm 1959 ông Lý Văn Lang thỉnh Hoà thượng Thích Quảng Đức về trụ trì và hiến cúng ngôi chùa Quán Thế Âm cho Ngài. Hoà thượng nhận ngôi chùa đang trong tình trạng xuống cấp, Ngài chưa kịp trùng tu, chỉ sửa sang ngôi chùa cho trang nghiêm làm chổ tu học cho Phật tử, thì lại gặp lúc pháp nạn Ngài không thể ngồi yên tu hành trong khi Phật tử và nhân dân đau khổ. Giữa lúc chính quyền Ngô Đình Diệm ra tay sát hại Phật giáo đồ và những người yêu nước thì từ ngôi chùa Quán Thế Âm này Hoà thượng Thích Quảng Đức phát nguyện ra đi tự thiêu để phản đối sự bất đồng và tàn bạo của chế độ Ngô Đình Diệm.
Ngọn lửa tự thiêu thân của Hoà thượng bùng lên ngày 11-6- 1963 (20-4- Quý Mão) tại ngã tư Phan Đình Phùng- Lê Văn Duyệt Sài gòn, nói lên nỗi bức xúc cao độ của giới Phật giáo cũng như nhân dân Việt Nam trước sự đàn áp khóc liệt diễn ra từng ngày, đã làm cho mọi người trên thế giới bàng hoàng xúc động. Ngọn lửa ấy như có một sức mạnh vô biên khơi dậy tinh thần đấu tranh quyết liệt làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm 5 tháng sau đó. Và Hoà Thượng Thích Quảng Đức trở thành người đầu tiên trên thế giới dùng hình thức tự thiêu thân để đấu tranh bất bạo động với một chính quyền độc tài.
Ngọn lửa từ bi do Hoà thượng Thích Quảng Đức tự tay châm lửa thiêu thân bảo vệ đạo Pháp tại Việt Nam.
Với ngọn lửa tự thiêu thân và tinh thần đấu tranh thấm đẫm chất từ bi cứu độ, Hoà thượng Thích Quảng Đức đã để lại cho Phật giáo và dân tộc “ một tinh thần hùng lực và một trái tim bất diệt”. Đây là sự kiện lịch sử có một không hai của Phật giáo và đất nước Việt Nam, được toàn thể Phật giáo tôn xưng Ngài là Bồ Tát và được khắp nơi trên thế giới kính phục. Ngôi chùa Quán Thế Âm trở thành ngôi chùa di tích thứ 31 và cuối cùng trong cuộc đời hành đạo của Ngài trên cỏi thế.
Sau khi hoà thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, đệ tử của Ngài là thầy Thích Thông Bửu kế thế trụ trì, rồi bắt đầu khởi công trùng tu lại ngôi chùa vào năm 1964, công trình trùng tu trải qua nhiều hạng mục từ nhà tăng, nhà khách và cuối cùng là ngôi chùa chính, đã trở thành ngôi tổ đình to lớn hiện đại bề thế như hình dáng ngôi chùa Quán Thế Âm hiện nay.
Ngôi chùa Quán Thế Âm Phú Nhuận có lịch sử gắn liền với thực thoại cứu độ của Bồ tát Quán Thế Âm và hiện thực tu chứng của Hoà thượng Thích Quảng Đức, nói lên một dòng linh ứng hoá hiện vào ngôi chùa, làm cho ngôi chùa nổi tiếng khắp nơi ai cũng biết.
(Ngôi chùa di tích thứ 31 của Bồ tát QUẢNG ĐỨC)
Từ Xuân Lãnh
(*) Bài viết theo lời kể của cố hoà thượng Thích Thông Bửu nguyên trụ trì chùa quán thế âm và tài liệu trong “ gia định xưa và nay” của ông Huỳnh Minh, sai gon 1973