Sự kiện đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo VN

Hình Sự kiện đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo VN
- Tác giả: admin
Mục lục bài viết:

Đó là ý trong Lời khai mạc Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo VN của HT.Thích Trí Thủ với vai trò là Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, sáng ngày 4-11-1981.

“Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có một hội nghị gồm đầy đủ đại biểu các tổ chức, giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Phật giáo Khmer, Tăng Ni và nam nữ cư sĩ, già và trẻ, từ mọi miền trên đất nước VN đã vân tập về đây, trong hội trường trang nghiêm và rực rỡ với một quyết tâm sắt đá: xây dựng hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo VN”, Hòa thượng tuyên bố.

Sự kiện đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo VN image-1731919616304
Toàn cảnh Hội nghị thống nhất Phật giáo VN tại Hội trường chùa Quán Sứ, Hà Nội – Ảnh Tư liệu

Như trong nội dung của hai bài trước đã giới thiệu, trong lịch sử Phật giáo VN đã diễn ra nhiều cuộc vận động thống nhất và kết quả là đã đi đến được thống nhất. Tuy nhiên, ngoại trừ sự thống nhất Phật giáo dưới thời nhà Trần, các cuộc thống nhất còn lại đều gặp một số trở ngại do cơ chế, hoặc do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt tạm thời, nên chưa thực sự thống nhất xứng với danh xưng thống nhất toàn quốc, trọn vẹn lãnh thổ của đất nước ta và đầy đủ các thành phần, hệ phái, truyền thống, tổ chức Phật giáo hiện hữu.

“Sự thống nhất thực sự, trọn vẹn và dân chủ”

165 đại biểu thuộc các đoàn của Ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN: Hội Phật giáo Thống nhất VN, Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền VN, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy VN, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ VN, Thiên Thai Giáo Quán tông, Hội Phật học Nam Việt, các đại biểu Tăng Ni, cư sĩ tiêu biểu (38 vị giáo phẩm Hòa thượng, 70 vị Thượng tọa, 18 vị Đại đức, 6 vị Ni trưởng, 11 Ni sư, 1 Sư cô, 21 nam, nữ cư sĩ), là những vị tiêu biểu các tông phái, tổ chức mang theo nguyện vọng thống nhất trong một ngôi nhà Giáo hội chung đã cùng vân tập về chùa Quán Sứ, Hà Nội dự Hội nghị từ ngày 4 đến 7-11-1981.

Với vai trò Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, HT.Thích Trí Thủ trong trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ  trước sự kiện này đã bày tỏ ẩn ý thú vị: “Thật là vô lý khi suốt một đời người từ tấm bé đến lúc già nua chỉ mặc có một chiếc áo mà cũng vừa và hợp thời trang hay sao? Đạo Phật là đạo của khế cơ khế lý mà lại đứng yên một chỗ, một hình thái thì thật là kỳ cục và chỉ đưa đến sự hủy diệt mà thôi”. (báo Giác Ngộ số 131, năm 1981)

Đó cũng chính là điểm gặp gỡ của chư tôn đức giáo phẩm, các vị đứng đầu các  Giáo hội, tông phái, hệ phái lúc bấy giờ. HT.Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM cho rằng việc thống nhất Phật giáo là “cơ duyên để củng cố lại tư tưởng gần với Chánh pháp phù hợp với tình cảm của dân tộc…”. HT.Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy VN xác quyết rằng, Phật giáo không thể đứng ngoài lịch sử, “Việc thống nhất Phật giáo sẽ tạo cho Phật giáo có tiếng nói chung, có tổ chức chung và sự đóng góp cho Phật pháp cùng dân tộc sẽ to lớn hơn, mạnh hơn”, Hòa thượng nhận định.

Sự kiện đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo VN image-1731919617213
Chư tôn giáo phẩm cùng nhất tâm đảnh lễ Tam bảo trước phiên khai mạc Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN – Ảnh Tư liệu

Sau phiên trù bị ngày 3-11-1981, Hội nghị làm việc chính thức trong 4 ngày liên tục tiếp theo với nhiều nội dung, trong đó đặc biệt tập trung thảo luận các văn kiện quan trọng là Dự thảo Hiến chương và Đại cương Chương trình hoạt động của GHPGVN, nghe tham luận của đại diện 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo tham dự; giới thiệu về cơ cấu của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Ban Thường trực thuộc cơ cấu Trung ương Giáo hội; suy tôn Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN…

“Sau ba lần khiêm nhường thoái thác trước toàn thể đại biểu, nhưng với sự cung kính nhất tâm quy ngưỡng của toàn đại hội, với thái độ trang nghiêm, chư tôn Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận và HT.Thích Trí Thủ cuối cùng cũng đã hoan hỷ nhận gánh trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội, ngôi nhà chung và thực sự thống nhất của Phật giáo VN”. Trong niềm xúc động, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, là thành viên trẻ nhất trong Ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN, đại diện cho hệ phái Phật giáo Khất sĩ hồi tưởng giờ phút thiêng liêng chiều 7-11-1981, tại phiên bế mạc, giới thiệu 50 vị giáo phẩm vào Hội đồng Chứng minh, suy tôn Pháp chủ; tuyên đọc danh sách 49 vị vào Hội đồng Trị sự và suy cử Chủ tịch.

Sau khi thành tựu viên mãn, Hội nghị đã ban hành Nghị quyết gồm 7 điểm, công bố Đại cương Chương trình hoạt động gồm 6 điểm, ra Tuyên bố về trách nhiệm bảo vệ hòa bình thế giới, ra Lời kêu gọi gởi đến toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, xác nhận vai trò GHPGVN kế thừa lịch sử truyền bá giáo lý Phật-đà hơn hai ngàn năm, là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo VN trong và ngoài nước.

Niềm vui về sự ra đời của một tổ chức Giáo hội trong ý nghĩa thống nhất thực sự và trọn vẹn lan tỏa không chỉ trong Tăng Ni, Phật tử mà rộng đến cả các giới bên ngoài xã hội.

Nói về sự kiện “ngàn năm một thuở” này, HT.Thích Thanh Kiểm, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm bộc bạch ngay sau đó, “Việc thống nhất Phật giáo là một nguyện vọng ấp ủ lâu nay của mọi giới Tăng Ni, Phật tử cho nên hội nghị thành công làm cho mọi người vô cùng phấn khởi”. Đại diện cho tôn giáo bạn, Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình cũng đã có lời chúc mừng sự thành công của Hội nghị. Nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa Võ An Ninh tin tưởng sự ra đời của GHPGVN sẽ đem đến một sinh khí mới để Phật giáo góp phần xây dựng đất nước, làm vẻ vang cho Phật giáo VN.

Nhiều vị giáo phẩm tôn túc, cư sĩ là chứng nhân của sự kiện lịch sử trên đã viên tịch, qua đời; một số vị vẫn còn đang tiếp tục các trọng trách của Giáo hội cũng như các công tác khác, như HT.Thích Thiện Bình, HT.Thích Hiển Pháp, HT.Thích Trí Quảng, HT.Dương Nhơn, HT.Danh Nhưỡng, HT.Thích Giác Toàn, HT.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Thiện Duyên, HT.Thích Trí Tâm, CS.Tống Hồ Cầm, CS.Nguyễn Văn Hàm…

Những lời lưu danh muôn thuở

Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN có ý nghĩa lịch sử hết sức lớn lao, là kết quả của một quá trình vận động nhiều tháng trước đó và đáp ứng nguyện vọng của Tăng tín đồ Phật giáo VN từ Bắc chí Nam, một số nước hải ngoại. “Nền thống nhất này dựa trên tinh thần dân chủ, lấy tứ chúng đồng tu làm cơ sở, chứ không dựa trên giáo quyền, phong kiến hay quyền lực cá nhân”. Lời khẳng định của HT.Thích Trí Thủ trong Diễn văn khai mạc cũng là cơ sở về đường lối hoạt động của GHPGVN trong mấy mươi năm qua, để GHPGVN là tổ chức duy nhất xứng đáng đại diện cho Phật giáo VN trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước, sau khi chia sẻ những kinh nghiệm và ưu tư về đất nước trong bối cảnh thế giới, ông khẳng định “Phật giáo ở VN vốn có truyền thống yêu nước”, và ông chúc mừng sự thành công của hội nghị lịch sử này, đồng thời bày tỏ sau Hội nghị Thống nhất, dưới ngôi nhà chung, Tăng Ni và Phật tử “sẽ góp phần cùng với dân tộc viết thêm những trang sử mới huy hoàng”.

Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN tại phiên khai mạc, xác quyết chân lý được lịch sử chứng minh: “Kinh nghiệm chỉ ra rằng khi nào tôn giáo gắn bó với dân tộc, đoàn kết với nhân dân thì khi đó tôn giáo mới làm sáng tỏ chân lý đạo giáo của mình”. Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN là sự kiện lịch sử sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, độc lập và tự chủ; đây là cơ hội để Phật giáo VN phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc của mình.

Sự kiện đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo VN image-1731919618018
Ông Xuân Thủy phát biểu tại Hội nghị – Ảnh Tư liệu

Trong buổi tiếp đoàn các đại biểu tham dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN tại Phủ Chủ tịch ngày 8-11-1981 sau khi Hội nghị thành tựu viên mãn, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ, MTTQVN và nhân dân chúc mừng, ông chia sẻ rằng món quà cao quý mà ông thường dành tặng đến các quốc khách nước ngoài là tôn tượng Phật nghìn tay nghìn mắt, tiêu biểu cho Phật giáo VN. “Trong quá khứ, Phật giáo VN đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo VN là một tôn giáo từ bản chất, bản sắc từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo VN đã góp phần xứng đáng. Đối với VN, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến những việc làm cao quý, đẹp đẽ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Đạo Phật ở VN mang màu sắc dân tộc VN rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo VN đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc, và trưởng thành cùng dân tộc”.

Lời của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng được đúc kết trong cùng một âm hưởng xác quyết truyền thống của gắn bó của Phật giáo VN với dân tộc, đó là “hộ quốc an dân”, sự ra đời của GHPGVN là tất yếu lịch sử, kế thừa truyền thống ấy phù hợp với thời đại, như phương châm đã được đưa vào Hiến chương ngay từ ngày thành lập: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN từ ngày 4 đến 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội chính là Hội nghị thành lập GHPGVN, đem đến “một nguồn vui vô hạn” và “đánh dấu bước đi mới của Phật giáo VN…” như lời của Hòa thượng Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự Thích Trí Thủ trong Lá thư xuân Nhâm Tuất – 1982 gởi đến toàn thể Tăng Ni, Phật tử.

Hoàng Độ – Quảng Kiến

http://giacngo.vn/sukien/nhanvatvasukien/2016/10/01/5AC09A/

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Mục lục bài viết: Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả

Chư hành giả cùng ôn lại tư tưởng giải thoát của Hòa thượng Giác Huệ

Mục lục bài viết: PHĐS: Như mọi ngày, 8g sáng ngày 5/12/2024 (nhằm 5/11/Giáp Thìn) chư hành giả vân tập về giảng đường Giác Huệ cùng nhau lắng nghe sự chia sẻ từ Hoà thượng Giác Pháp, UVHĐTS, Phó thường trực Ban thường trực Giáo phẩm Hệ phái, phó Ban tổ chức khoá tu về

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Mục lục bài viết: Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này

Gập ghềnh con đường đến trường

Mục lục bài viết: Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức

Sống tích cực là con đường tới thành công

Mục lục bài viết: Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Mục lục bài viết: Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Mục lục bài viết: Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Mục lục bài viết: Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều