Sáu pháp hòa kính là những quy chuẩn căn bản để thiết lập một hội chúng đệ tử Phật an vui, hòa hợp và thanh tịnh. Trong kinh văn gọi sáu pháp này là lục trọng (thường gọi lục hòa), điều mà các Tỳ-kheo cần phải “kính trọng, giữ mãi trong lòng đừng cho quên mất”. Thiết nghĩ, sáu pháp hòa kính này thì ai cũng biết và hiểu rõ về giá trị cũng như tác dụng của chúng trong việc xây dựng các hội chúng vững mạnh. Nhưng dường như không mấy ai và không nhiều nơi ứng dụng triệt để sáu pháp này vào thực tiễn đời sống tu học nên sự bất hòa, xào xáo, tranh chấp luôn xảy ra.
“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các Thầy nên nhớ nghĩ pháp lục trọng, kính trọng, giữ mãi trong lòng đừng cho quên mất. Thế nào là sáu?
Ở đây Tỳ-kheo thân hành niệm từ, như ngắm hình trong gương, đáng kính, đáng quý, chớ cho quên mất.
Lại nữa, khẩu hành niệm từ, ý hành niệm từ, đáng kính, đáng quý, chớ cho quên mất.
Lại nữa, được các thứ pháp lợi, hay cùng các người Phạm hạnh dùng chung, cũng không có tưởng bỏn sẻn. Pháp này đáng kính, đáng quý, chớ để quên mất.
Lại nữa, có các cấm giới không hư không hại, rất hoàn toàn không thiếu sót, được người trí quý. Lại muốn cho giới này bủa khắp cho người khiến đồng mùi vị này. Pháp này đáng kính, đáng quý, chớ để quên mất.
Lại nữa chánh kiến Hiền Thánh được xuất yếu. Cái thấy như thế muốn các người Phạm hạnh cùng đồng pháp này, cũng đáng quý, chớ để quên mất.
Đó là, Tỳ-kheo! Có pháp lục trọng này, đáng kính, đáng quý, chớ để quên mất.
Thế nên, các Tỳ-kheo! Thường nên tu hành thân, khẩu, ý hành. Nếu được đồ lợi dưỡng, nên nhớ phân phát, chớ khởi tưởng tham. Như thế, các Tỳ-kheo nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 37. Lục trọng [1],
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.424)
Lục trọng (thân, khẩu, ý, lợi, giới, kiến hòa kính) thì như đã nói, không xa lạ với người học Phật. Nhưng phải chăng, hàng đệ tử Phật ngày nay không thấy chúng “đáng kính, đáng quý”, và vô tình hay cố ý “để quên mất” nên nơi này hoặc nơi kia vẫn xảy ra nội bộ lục đục, tranh chấp, bất hòa. Thẳng thắn mà nói, sự thiếu hòa hợp lý tưởng theo lời Phật dạy “như nước với sữa” là một căn bệnh gần như mãn tính và khó chữa trong một số đoàn thể Phật giáo hiện nay. Hiện Giáo hội đã hoàn thiện về tổ chức và nhân sự, từ cấp Trung ương đến cơ sở, đây là tín hiệu đáng mừng. Mừng mà không khả quan vì chưa thực sự hòa hợp, nhất trí, đồng lòng.
Trong khi bản chất của Tăng-già là hòa hợp và thanh tịnh. Nếu bất hòa vẫn tồn tại thì làm sao xây dựng được Tăng, nói chi đến phát huy sức mạnh tổng thể của Phật giáo để làm lợi đạo, ích đời? Chỉ khi nào, mỗi người con Phật đều thực sự thân hành từ, miệng nói từ, ý nghĩ từ, lợi cùng hưởng, giới cùng giữ, quan điểm cùng sẻ chia thì mới có thể xây dựng Tăng-già lớn mạnh.
Một trong những tinh hoa của Phật giáo là tuệ giác vô ngã. Theo quy luật, cái ngã càng nhỏ thì sự hòa kính càng lớn rộng ra. Cá nhân, chùa chiền, tổ đình, tông môn, hệ phái, vùng miền… đang là hiện thân rõ ràng của tự ngã. Thiết nghĩ, lời Thế Tôn “Có pháp lục trọng này, đáng kính, đáng quý, chớ để quên mất” vẫn đang còn thống thiết, đồng vọng quanh ta, nhằm xây dựng Tăng-già vững mạnh.
Quảng Tánh