Có người hỏi: Thưa thầy Phật giác ngộ (thấy) đạo lý vô thường Phật liền giác ngộ, không còn khổ đau nữa. Thế nhưng tại sao chúng ta ai cũng thấy được lý vô thường, nhưng không ai giác ngộ không còn khổ đau?
Thầy mượn câu chuyện đời thường để phân tích lý do tại sao nhé. Có hai chị bạn đạo rất thuần thành, ngày ngày đi chùa tụng kinh niệm Phật, không có khóa tu khóa giảng nào không tham dự. Một hôm một trong hai chị bạn mất mẹ, người mất mẹ lăng đùng ra khóc, nổi đau mất mẹ lớn như không gì sánh bằng. Người bạn đạo cùng đi chùa ngồi bên vỗ về khuyên bảo: Chị ơi, chị không còn nhớ sao! hôm chủ nhật tuần qua chị em mình nghe thầy giảng đời là vô thường, nhân sinh là giả tạm… lời Phật dạy thầy khuyên quả đúng như vậy chị, đừng khóc nữa! càng khuyên bao nhiêu người mất mẹ càng khổ càng khóc bấy nhiêu. Người khuyên thì cứ khuyên, còn người khóc thì cứ khóc, dường như tâm trạng của hai người không liên quan gì với nhau….
Phật giác ngộ sao chúng sanh chưa giác ngộ?
Sau mấy tháng người kia lại mất chồng, cũng lăng đùng ra khóc, tiếng khóc ai oán nỉ non biểu hiện nổi khổ đau tột cùng, dường như lớn gấp bội phần so với người mất mẹ. Trước tình cảnh đau thương này, người bạn đạo kia cũng bình tỉnh ngồi bên vỗ về khuyên nhủ với đạo lý vô thường, nào là chị ơi có ai trên cuộc đời này sống mãi, tất cả đều phải chết, đều phải vô thường, đời là giả tạm, kiếp người vốn phù du…. Cũng vậy, người khuyên thì cứ khuyên, còn người khổ đau than khóc, cứ khổ đau than khóc, trạng thái tâm lý, cách suy nghĩ của hai người dường như không liên hệ gì nhau.
Chúng ta thử phân tích: Cả hai người bạn bạn đạo ấy đều thông hiểu giáo lý vô thường, nhưng có một điều bất thường là cùng đứng trước hiện tượng vô thường một người có trạng thái khổ đau và một người không khổ đau; điểm giống nhau: Người mất người thân thì khổ đau, người không mất người thân thì bình tĩnh.
Vấn đề được đặt ra là: Tại sao hai người đều hiểu rõ giáo lý vô thường, trước hiện tượng vô thường, nhưng chỉ có một đau khổ, còn một người không đau khổ? bắt nguồn từ đâu có sự khác biệt này? Tôi cho rằng, nguyên nhân của sự khác nhau là, người khóc là người đang cảm nhận sự vô thường đến với chính mình, nhưng không tin, không chấp nhận sự vô thường ấy, cho nên nuối tiếc khổ đau xuất hiện; người không khóc là người đang thấy sự vô thường đến với người khác, không phải với mình, có liên hệ gì mà người ấy khóc.
Đó là sự khác nhau giữa người khóc và không khóc trước sự kiện vô thường. Theo nhà Phật cả hai tâm lý ấy đều không đúng, vì cả hai chỉ thấy và hiểu sự vô thường của người khác, không phải là sự vô thường của chính mình, trong khi đó Phật dạy chúng ta hiểu và thấy rõ đạo lý vô thường ở nơi chính mình, không phải của người khác. Phật bảo làm một đường mà ta lại làm một nẻo làm sao giải thoát khổ đau
TT. Thích Hạnh Bình
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)