Nỗi niềm tiến sĩ

Hình Nỗi niềm tiến sĩ
- Tác giả: admin

Xã hội cần bằng cấp để tiến thân trên địa vị xã hội hầu nuôi vợ con, tu sĩ cần bằng cấp để làm gì khi mà địa vị chức quyền đã không còn chỗ để tiến, (nói theo ngôn ngữ bình dân gọi là đã đụng nóc), chức sắc trong Giáo hội không có lương bổng, lộc Phật hưởng thụ cũng đã đầy đủ, thì cái bằng Tiến sĩ như thế có thể thay giấy thông hành để vào Niết Bàn chăng?

– Đường đi của một luận văn Tiến sĩ
Đại học Apollos Hoa Kỳ trao bằng tiến sĩ danh dự cho 5 vị tu sĩ Phật giáo
– Myanmar: Sư cô Thích nữ Diệu Hiếu nhận bằng tiến sĩ

Nỗi niềm tiến sĩ image-1731920002149

Cuộc sống trong bất cứ xã hội nào, thời đại nào, đều hướng đến mục đích cao đẹp hơn, hoàn thiện hơn, và đạo đức hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rơi rớt một vài thành phần có khuynh hướng tiêu cực, luôn đi xuống nhiều mặt, nhất là ý thức đưa đến hành động thiếu tích cực.

Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nói riêng về lĩnh vực quyền lực, cũng đã đưa đến tiêu cực, tiêu cực đó đã lan tỏa vào phạm vi mà ai cũng ngỡ là  những tổ chức lý tưởng như học đường, tôn giáo…( Nó cứ lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước đến nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng (như lĩnh vực dạy người, cứu người, an ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả nhà thờ, chùa chiền, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách đền ơn đáp nghĩa…).

Góc độ quyền lực trong xã hội nhiễm virus tiêu cực đã đành, những lãnh vực  mang tính thiêng liêng cũng không tránh khỏi nhiễm bệnh bởi loại vi khuẩn “tam độc” vốn là hạt giống tiềm ẩn sâu trong nghiệp thức của mỗi chúng sanh. Chính những hạt giống xấu đó, làm tắt nghẻn đường về “cỏi Phật”, đức Phật đã suốt 49 năm không ngừng nói đến  việc tiêu trừ nghiệp chướng, đưa ra pháp  chuyển hóa hạt giống tiêu cực để mỗi nhân thân được Thánh hóa trong cuộc sống, làm thân giáo cho mọi chúng sanh, để cùng thoát  khỏi sanh tử luân hồi. Hình ảnh Tăng thân lý tưởng đó, khuôn vàng thước ngọc trong thánh giáo đó, ngày càng tục hóa để tương thích với hạt giống phàm phu. Phàm phu phát triển tối đa những hạt giống tiêu cực để đắp bồi thêm cao những tham vọng trần tục như những bầy mối vun cao khối đất làm tổ, điều đó là tất yếu nên gọi là chúng sanh, phàm tục.

Từ ngày thành lập Tăng đoàn, hình ảnh “xuất thế tục gia-xuất phiền não gia-xuất tam giới gia” của Như Lai tướng đã được quần sanh sùng kính, ái mộ, nhờ vậy, suốt ba ngàn năm, hàng triệu tu sĩ trên toàn cầu, trong quá khứ cũng như hiện tại, không sản xuất ra của cải vật chất, không làm kinh tế và tạo mãi…vẫn có cuộc sống không thiếu. Những bậc ẩn cư  trên non sâu núi thẳm cũng chưa từng chết vì đói, phải chăng do cuộc sống thoát ly quá lý tưởng của người con Phật, buông bỏ tất cả quyền lợi thế gian để tìm đến thế giới siêu thế gian hầu phục vụ lại cho nhân sanh ở thế gian, làm giảm thiểu niềm đau nỗi khổ của nhân thế, vì vậy được gọi là “xuất sĩ”.

Cuộc sống trong xã hội bị ràng buộc bởi  quy tắc tổ chức để tổ chức kiểm soát, nhất là trong xã hội như Việt Nam hiện nay,hành động, đời sống đều được giám định dưới lăng kính của chủ nghĩa; trong ràng buộc đó, lòng tham con người tìm cách thoát khỏi cơ chế để vun quén cho riêng tư, thi vấn đề tiêu cực là điều kiện ắt có phải phát sanh. Một xã hội tự do phóng khoáng thì tính tiêu cực lại ít phát triển, hoặc phát triển một cách vừa phải, hợp lý, đó là quy luật tương phản. Cái gì càng cấm đoán, càng o ép thì càng bùng phát. Tâm lý chúng sanh là thế. Tuy nhiên, một khi  ai đó tự nguyện trong cuộc sống an thân thủ phận hoặc tự thân khép mình vào quy tắc tôn giáo, theo một lý tưởng nhất định, phủ nhận mọi cám dỗ  Danh – Lợi – Tình, may ra những tiêu cực khó mà phát sanh. Những bậc chân tu lại càng không để hạt giống tiêu cực Danh – Lợi – Tình phát triển ngoài tầm kiểm soát của Giới -Định – Tuệ.

Kẻ có quyền lực thì tiêu cực phát sanh trong tầm tay quyền lực, kẻ không có quyền lực thì tiêu cực phát sanh trong môi trường đang sống. Không có quyền lực địa vị thi vun quén bằng những thủ đoạn khác, cho dù đem đến tổn hại sức khỏe, sinh mạng kẻ khác, miễn mình có thu nhập đầy túi tham, cứ làm.Khởi đầu hành động từ thiện là hướng đến  sự khổ đau nghèo đói của kẻ khác, nhưng sau đó, hạt giống tham lam len lõi vào, khiến hành động từ thiện che đậy ý đồ xấu bắt đầu phát sanh. Mọi lãnh vực trong xã hội đều như thế nếu không tự kiểm soát thường xuyên ý tưởng, hành động của mình. Người tu theo nhà Phật được hướng dẫn tự quán chiếu để hạn chế đưa đến triệt tiêu Tham – sân -si mà con đường giải thoát tự chọn.

Thế nhưng, trong một xã hội trăm hoa đua nở, đôi khi người tu quên mình đang trang phục chiếc áo, đang thọ nhận sự cúng dường của bá tánh, quên mình là hành giả đang đi trên đạo lộ giải thoát, từ những bước chân đầu tiên nhúng chàm, lần lần lún sâu vào con đường thế tục, chiếc áo trở thành một phương tiện hữu hiệu che đây lòng tham trần tục. Những vị tướng giải thoát mà tâm phàm tục như thế, chư tổ gọi là “cư sĩ trọc đầu”. Những tu sĩ giả sống nhờ chiếc áo, những tu sĩ từ thiền môn cũng sống nhờ chiếc áo mà tâm thoát khỏi thiền môn, đều giống nhau, nhưng khác nhau là được bá tánh trọng vọng và hợp thức hóa trong một tổ chức Giáo hội.

Rất may, những tiêu cực trong Thiền môn chỉ là thiểu số, nhưng là thiểu số đáng ngại khi họ là những chức sắc ăn trên ngồi trước, quyền cao chức trọng, nắm sinh mạng hàng vạn tu sĩ và tự viện trong cả nước. Có người bảo – như thế đã là sao nào? Một tu sĩ từ nước ngoài về thăm một Thiền sư chân tu, – bạch Hòa thượng, con vừa tốt nghiệp Tiến sĩ… Thiền sư hỏi – thầy học cao hiểu rộng, cho tôi biết đức Phật ngày xưa đã đậu bằng cấp nào vậy?

Trong cuộc sống ngày nay, Phật giáo trở thành chiếc bóng nghiêng của xã hội. Bằng cấp Tiến sĩ trăm hoa đua nở từ quan chức nhà nước cho đến  chức sắc Phật giáo. Xã hội cần bằng cấp để tiến thân trên địa vị xã hội hầu nuôi vợ con, hoặc cung cấp cho chân dài, tu sĩ cần bằng cấp để làm gì khi mà địa vị chức quyền đã không còn chỗ để tiến, (nói theo ngôn ngữ bình dân gọi là đã đụng nóc), chức sắc trong Giáo hội không có lương bổng, lộc Phật hưởng thụ cũng đã đầy đủ, thì cái bằng Tiến sĩ như thế có thể thay giấy thông hành để vào Niết Bàn chăng?

Một Tiến sĩ thực thụ, phải bao năm dồi mài kinh sử, thậm chí  thiết lập và bảo vệ luận án không có thời gian ăn uống ngủ nghỉ, thế thì, một chức sắc của Phật giáo hiện nay, càng cao thì công tác Phật sự càng nhiều, thời gian đi chứng trai, chứng minh cũng không đủ, công phu tu tập không thể miên mật thì làm sao có thể nghiên cứu, tham khảo sách vở, học ngoại ngữ, dồi mài kinh sử như những thí sinh thuần chủng. Phát biểu, ban đạo từ đôi khi cần thư ký soạn sẵn, hướng dẫn tỉ mĩ…ôi, bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh vây quanh những loại tiến sĩ như thế thì luận án được bảo vệ thành công xuất sắc cũng là chuyện lạ trong những cái lạ của thế tục.

Trước 1975, GHPGVNTN phần lớn, các vị lãnh đạo không có bằng cấp, chỉ trong 11 năm mà vừa tổ chức Giáo hội, vừa điều hành phật sự trong thời chiến, nhưng phật sự rất chu toàn và gây tiếng vang trên thế giới, tạo một tầm vóc và thế đứng vững chải.

Nhìn lại như thế để thấy 35 năm giáo hội hiện nay được điều hành bởi những Tiến sĩ xuất sắc như thế, rồi mai đây, có lẽ không xa lắm, sẽ có hàng trăm Tiến sĩ không cần thông qua trường lớp, các trụ trì lớn nhỏ đều Tiến sĩ thì thế giới sẽ nghiêng mình bái phục  Phật giáo Việt Nam như bái phục một tập thể từ hành tinh xa lạ. Phật giáo như thế sẽ không cần giải thoát, không thiết Niết bàn, không cần giáo lý mà chỉ cần thế lý để vinh thân!!!

Luật tương phản hiện rõ, người có khả năng thì không cần bằng cấp, người cần  bằng cấp lại không có khả năng. Bậc chân tu thì không cần chức quyền, người thích chức quyền thì đâu gọi là chân tu. Những hạt giống tiêu cực từ xã hội ăn luồng vào Phật giáo như loại vi khuẩn giết người, nó đã giết uy tín của Phật giáo, nó biến các chức sắc Phật giáo thành những quan chức thế tục không cần lợi dưỡng mà cần danh vọng. Đức Phật nếu biết hàng trưởng tử của Ngài đều là Tiến sĩ, có lẽ Ngài không cần phải khổ công bỏ ngai vàng và suốt 49 năm truyền giảng giáo lý xuất sĩ để ngày nay biến thành Tiến sĩ.

Ai đó đang manh tâm bảo vệ luận án Tiến sĩ, thì hãy dừng lại, vì tiền cúng dường của bá tánh để các ngài tu tập, hướng dẫn quần chúng giải thoát khổ đau phiền não, và giúp đỡ bao bệnh nhân nghèo khó, những trẻ cần ăn học, những tu sĩ  nơi vùng xa đang thiếu thốn. Tu tập tự thân và phát triển phật sự  quan trọng hơn bằng Tiến sĩ giấy. Bằng Tiến sĩ  vượt cấp càng nhiều thì Phật giáo càng bị thu hẹp, tín đồ càng bị mất, không xa lắm, Phật giáo Việt Nam chỉ còn lại trên trang giáo sử với danh xưng là Phật giáo Tiến sĩ hay là đạo Phật Tiến sĩ chứ không còn là đạo Phật giải thoát. Hãy để những vị Tiến sĩ thực học, thực tài lãnh đạo giáo hội thì may ra tránh khỏi cơn khủng hoảng virus Tiến sĩ hiện nay.

24/9/2016
Minh Mẫn


“TS” là tiến sĩ hay thiền sư?

Có một dạo, đọc một số bài trên báo chí, phần tác giả thấy có đề tiến sĩ này, tiến sĩ kia đi kèm. Dạo đó, báo chí đã có bài phê bình, vì tiến sĩ là một học vị cao cả, nó xứng đáng được tôn vinh đúng với chuyên ngành mà họ đã cống hiến, đã thành tựu, chứ không phải là cái danh để rung chuông mọi lúc, mọi nơi.

Nên có chuyện ngộ danh đến mức, có vị là Tiến sĩ về Nông nghiệp viết bài về lĩnh vực thẩm mỹ, Tiến sĩ Luật viết bài về cuộc thi hoa hậu mà cũng để danh là tiến sĩ trong phần tác giả bài báo.

Trong khi ai ai cũng biết bài báo có để lại ấn tượng hay không là ở nội dung chứ tên tuổi, học vị không “gột nên hồ”.

Hiện tượng khoe học hàm, học vị không đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ sẽ rất phản cảm. Dù cho người đó có bằng thật, học thật thì bằng Tiến sĩ cũng chỉ có giá trị cho lĩnh vực chuyên môn mà người đó đạt được, lấy gì đảm bảo Tiến sĩ thì cái gì cũng giỏi, cái gì cũng biết nên “giới thiệu học vị tiến sĩ” mọi lúc, mọi nơi rất khó coi.

Sau khi báo chí phê bình, góp ý thì phong trào tiến sĩ đứng tên tác giả ở các bài báo giảm đi trông thấy. Hết phong trào khoe học vị trên báo chí, xã hội lại chuyển sang phong trào xây dựng chuẩn “quy hoạch cán bộ” là phải có bằng cấp, có thành phố đã quy hoạch cán bộ với tiêu chí Giám đốc các Sở phải có bằng Tiến sĩ.

Nắm bắt thời cơ và dòng chảy “danh – lợi” của xã hội, các lò đào tạo tiến sĩ mở ra đường cong “mềm mại” cho những kẻ có tiền, háo danh giờ cũng có thể dễ bề có bằng tiến sĩ như ai.

Thời gian qua, báo chí đã phanh phui không biết bao nhiêu vị lấy bằng tiến sĩ đạo văn, khai man là tiến sĩ, tiến sĩ mua “danh” ở các trung tâm đào tào trong và ngoài nước cỏ đủ. Thậm chí ở nước ngoài, nhiều khi mảnh bằng tiến sĩ giấy chỉ cần lên Internet đăng ký, ghi danh và nộp lệ phí tượng trưng là có.

Đó là chuyện đời. Đành tự an ủi. “Thế gian” nó vậy. Nên không ít người giờ chỉ còn nhìn vào cõi “xuất thế gian” như một niềm tin và điểm tựa vào đạo đức con người.
Vậy mà, điểm tựa đó giờ lại mong manh, ở chốn thiền môn phong trào học tiến sĩ nhanh đến mức “đáng ngại”, phong trào nhận bằng tiến sĩ danh dự nhưng nào có danh dự gì ngoài việc nộp lệ phí và nhận “bằng” cũng đáng ngại không kém.
Danh xưng của người xuất gia không có gì cao cả hơn là được mang họ Thích, hay tên gọi Sa môn, Tỳ kheo, ngày nay theo tổ chức Giáo hội là Giáo phẩm được quy định hoặc được nhân dân, phật tử kính ngưỡng tôn xưng, như sư Ông, Ôn, sư bác, sư chú, trưởng lão….
Người đời khi xá chào một vị sư với sự cung kính là ở sức tu, là mạch đạo của người xuất gia, nhưng dường như chưa an tâm với cái danh, nên một số vị đã bị cơn lốc có bằng tiến sĩ cuốn đi theo chiều gió.

Học hành, khoa bảng bằng tài năng và trí tuệ để cống hiến phật sự thì còn gì cao quý bằng. Học chỉ là phương tiện, bằng cấp nào đâu ở mảnh giấy. Ấy vậy mà có nhiều tấm bằng tiến sĩ và đề tài chẵng ăn nhập gì với vai trò của một sứ giả Như Lai nhưng các vị cũng học, các vị cũng đạo văn, các vị cũng mua bằng, mua chứng chỉ….tiếp tay cho những lò đào tào tiến sĩ có nguồn thu.

Đời và “Đạo” móc ngoặc, song hành. Phàm làm việc phàm chỉ tội làm trò cười cho người đời và phương hại đến Phật giáo. Các vị đang xúc phạm đến những vị tu hành đang phấn đấu học hành nghiêm túc, cống hiến cho đạo, noi gương cho đời.

Có phải tâm lý chạy theo danh đến mức hoang tưởng, nên dù đã có “danh” vẫn chưa thấy “yên tâm”, chưa thấy “vững” nên có “tục hóa với đời” đến mức trở thành tiến sĩ giấy, ai xì xào, ai chửi cũng chẵng sao?

Thời gian qua, báo chí có đề cập đến một số trường hợp đạo văn, mua chứng chỉ văn bằng liên quan đến một số vị tăng sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nhiều người hỏi tôi. Chuyện thật hay đùa. Sao lại đến nông nỗi này?
Đem chuyện hỏi một vị sư, thiền môn ai nỡ để đời kéo đi?. Cụ ôn tồn bảo, đừng vội trách các nhà sư và mảnh bằng tiến sĩ giấy, có trách là trách cơ chế chính sách, trách cái lò đào tạo ra tiến sĩ giấy, không có lò đó, lấy đâu ra…?
Chúng tôi lại nghĩ khác, cái lò như nhà máy sản xuất tiến sĩ, nhưng mình có tự trọng, mình chủ động không chui vào thì ai bắt?
Cụ thở dài và ngâm lại bài thờ “Vĩnh tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến đã làm từ cách đây cả trăm năm:

Rõ chú hoa man (1) khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?

Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
Hỏi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, (2)
Nét son điểm rõ mặt văn khôi. (3)

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời! (4)
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

Ngày nay, “hoa man” không chỉ là người làm nghề hàng mã mà là hệ thống “lợi ích nhóm”, không có học trò thì “lò tiến sĩ” lấy đâu ra kim tiền, nên ảo giác có bằng tiến sĩ với sự cung kính giả tạo, với cảnh chen chúc tấp nập nâng tụng nhau để cùng lên hàng “phẩm giá” là thị trường có kẻ bán, người mua.

Mỗi người một vai xây dựng nên sân khấu cuộc đời, nhưng sân khấu với diễn viên là các tiến sĩ giấy thì tuyệt nhiên ở đó không dành cho kẻ nghèo, không dành cho người có tự trọng.

Thôi, chẵng qua cũng một kiếp nhân sinh, không ít vị chức dài vô tận, đủ hàng danh xưng nay có thêm vào TS đọc là Thiền sư hay Tiến sĩ thì nào cũng có xá chi ở cái danh xưng?
Chỉ có kẻ lẩm cẩm như tác giả bài viết này, ngồi viết vài ba dòng gảy lên trời cao, lạc vào thinh không rồi gật gù phán xét. Thật lạc lọng, vì sân khấu thì bao giờ cũng là sân khấu.

Giới Minh


Chú thích: (1). Hoa man: người thợ làm nghề hàng mã. (2). Giáp bảng: bảng đề tên từ học vị tiến sĩ trở lên. (3). Văn khôi: đầu làng văn. ở đây chỉ người có đỗ đạt cao. (4). Hời: giá rẻ.
Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm, cách hành văn và góc nhìn riêng của tác giả, một cư sĩ Phật giáo.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả những bài học về

Tây Ninh: Bế mạc Khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 36 trong niềm hoan hỷ

PHĐS: Lễ bế mạc Khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 36 được khép lại trong niềm hoan hỷ của người con Phật, buổi lễ bế mạc được tổ chức lúc 9h sáng, diễn ra tại giảng đường Giác Huệ, tịnh xá Trúc Lâm xã Tây Thạnh, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Buổi

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này ngày càng thu hút

Gập ghềnh con đường đến trường

Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức khỏe bà ngày càng

Sống tích cực là con đường tới thành công

Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác mệt mỏi về khó

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam bảo. Anh còn tham

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa Trên đường đi, hai

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều tò mò cho người