Nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, lại thêm nước từ đập thủy điện ồ ạt xả ra. Dân không được báo trước. Khi biết nước tới chân, mới vội vàng gom đồ mà chạy. Nhưng không kịp. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, gần một trăm nghìn ngôi nhà bị ngập nước; những nơi đất thấp, nước lên tận mái nhà.
Miền Trung chìm trong biển nước.
Lũ về nhanh quá, chỉ lo cứu lấy những người già, con nít, kịp thì lên xe, chậm thì lên xuồng, không phương tiện gì leo lên nóc nhà ngồi co ro suốt đêm. Gia cầm, gia súc, không thể cứu, đành để chết ngộp trong chuồng. Bàn ghế, tủ áo, đồ đạc trong nhà, ngập trong nước, hoặc nổi lềnh bềnh theo dòng lũ vô tình cuốn trôi. Mưa rơi trên đầu trên vai, chân ngập dưới dòng nước ngầu đục. Nơi đây là làng xóm với những ngôi nhà, mà giờ đây không thấy nhà, chỉ thấy nước. Nhìn quanh, đâu cũng là nước. Còn chỗ nào cho những giọt lệ trào dâng. Mà lệ có rơi không ngừng thì cũng thấm vào đâu, có ai thấy đâu giữa muôn trùng sông nước.
Ngày mai rồi sẽ ra sao? Lúa tích lũy từ hai vụ mùa đầu năm trôi hết. Tài sản cũng qua một đêm là mất trắng. Ngày mai còn gì? Lũ trẻ nheo nhóc lấy gì ăn?
Sau hai ngày, nước rút, để lại một bãi tha ma sình lầy, rác rưởi và xác chết của heo, bò… Mùi hôi thối xông lên nồng nặc cả một vùng rộng lớn. Mạnh nhà ai nấy lo thu dọn, chùi rửa, tìm lại đời sống.
Người từ nơi an ổn ghé làng, hỏi thăm cần gì, có nhu cầu hay nguyện vọng chi. Cô gái mười ba đang nấu nồi cơm nhỏ cho đại gia đình, trả lời: chỉ cần có miếng cơm.
Nỗi khổ đau của con người mà chỉ đọc qua sách vở, báo chí, hoặc từ miệng ai đó kể lại, nhưng tự thân chưa từng trải nghiệm thì không thể nào cảm được nó sâu-cạn, nặng-nhẹ ra sao. Khi chúng ta không tiếp cận hoặc sống trong hoàn cảnh nguy cấp, khắc nghiệt, chúng ta sẽ có thừa thời gian sử dụng lý trí để phán xét về nguyên nhân nào tạo ra lũ lụt, nguyên nhân nào tạo ra sự mất mát, khổ đau cho những kẻ ấy.
Bằng lý trí, chúng ta có thể chần chừ không muốn làm gì cả, không cần phải cứu giúp ai, không cần phải nhanh chóng cứu đói cho hàng ngàn nạn nhân bất hạnh, trong đó có những cụ già neo đơn, sức yếu, có những em bé ngây thơ, tròn xoe đôi mắt như hỏi vì sao nhà con mấy hôm nay không có cơm ăn.
Nguyên nhân nào khiến cho lũ lụt gần như xảy ra hàng năm? Do nạn phá rừng bừa bãi (mà có chủ trương kiếm lợi của chính quyền địa phương), do nhà máy thủy điện vì bảo vệ đập đã xả nước, do thiên nhiên mưa quá lớn… Biết nguyên nhân thì lo điều chỉnh để tránh hậu quả về sau. Nhưng thảm cảnh hiện tại thì không thể chờ đợi sự cứu xét của lý trí.
Nếu cần sử dụng lý trí đối với hiện trạng khổ đau của những nạn nhân lũ lụt, chúng ta hãy thử tưởng tượng, hãy mường tượng bản thân và gia đình chúng ta ở trong hoàn cảnh ấy… Tưởng tượng những hình ảnh, những ấn tượng, như một cuốn phim, được trình chiếu ở ngay trong tâm mình.
Tâm của bạn sẽ cảm giác cơn đói, lạnh, tuyệt vọng của một con người mất trắng tài sản, ngồi trên mái nhà như ngồi trên một chiếc thuyền, hay một ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Tâm của bạn sẽ cảm nhận được nỗi bơ vơ và tủi thân nếu biết rằng không ai thương, không ai hiểu, và không ai đến cứu giúp mình đêm nay.
Ngày mai sẽ ra sao? Những nạn nhân người lớn sẽ hỏi câu ấy trong khi bầy trẻ vẫn tiếp tục vui đùa, hồn nhiên với số phận ngặt nghèo triền miên nơi xứ ấy.
Và từ nơi xa xôi, chúng ta cũng cần hỏi giùm các em, ngày mai sẽ ra sao.
Các em cần phải vươn ra khỏi căn phần oan nghiệt, thống khổ mà ông bà, cha mẹ các em đã phải gánh chịu bao năm qua.
Xa xôi quá không thể trực tiếp chia sẻ nỗi khốn cùng với đồng bào khổ nạn, và thực tình cũng không biết phải trả lời vấn nạn trên như thế nào cho thỏa đáng. Chỉ biết một điều là niềm thương nơi đây, luôn đầy ắp, tràn trề. Xin gửi về nơi ấy.
California, ngày 29.10.2016
Vĩnh Hảo