Lâu nay, đôi gánh hàng rong đã đi vào thơ ca, nhạc họa và đã trở thành một hình tượng tiêu biểu của đức tính chịu thương, chịu khó, tần tảo mưu sinh của những người chị, người mẹ, người bà…
Gánh nặng mưu sinh
Mỗi chiều trên đường đi làm về, tôi vẫn thấy bà bán chuối nướng bên quang gánh hàng rong ngồi bên vỉa hè trước cổng Quảng trường tỉnh Đồng Nai (đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa). Những lúc vắng khách đi đường tấp xe vô mua chuối nướng, tôi lại thấy cái dáng lưng cong cong của bà ngồi nhìn về phía con đường dài của phố, lặng lẽ nhìn dòng xe cộ ban chiều hững hờ lướt qua quang gánh của mình.
Bà Trần Thị Uyên với gánh chuối nướng của mình
Có ai biết được với quang gánh chuối nướng 40 năm qua, bà Trần Thị Uyên (70 tuổi, nhà ở trong xóm ga Biên Hòa, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đã lo chu toàn cho gia đình, lo con cái ăn học đàng hoàng. Bây giờ, 4 người con của bà Uyên đều lớn khôn, lập gia đình ra ở riêng nhưng bà vẫn chưa chịu buông quang gánh.
“Cái gì từng gắn bó thân quen suốt cả cuộc đời với mình, đôi khi cũng khó mà bỏ đi. Gánh chuối nướng này cũng vậy, tôi mà nghỉ bán ở nhà chỉ chừng một ngày thì trong người có cảm giác bứt rứt khó chịu kỳ cục lắm, thôi thì còn sức còn gánh đi bán…” – bà Uyên giãi bày.
Còn với bà Nguyễn Thị Mười (60 tuổi, quê huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), hơn 10 năm nay gánh hàng rong đi bán dạo ở TP.Biên Hòa. Món hàng ăn vặt mà bà Mười gánh bán là món không tên, ăn giòn giòn, ngọt ngọt, beo béo bởi miếng bánh đa, quẹt quẹt vài sợi đường mạch nha ngào, rắc thêm mấy cọng dừa tươi cạo. Giá bán chỉ 10.000 đồng nên rất được học sinh ưa thích. Sau một ngày gánh dạo khắp các tuyến đường phố của Biên Hòa, tầm 3 giờ chiều, bà Mười lại ngồi trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du (đường Cách Mạng Tháng 8, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) để chờ học sinh tan trường.
“Vô miền Nam được tròn 10 năm mà tính ra tôi về quê chỉ được hai lần mà thôi. Buôn gánh bán bưng loại hàng ăn vặt này cũng không dư dả bao nhiêu nên phải cố gắng bươn chải lo cho tương lai con cái mình sau này…” – bà Mười chia sẻ. Dù vất vả nắng mưa và đôi vai nặng gánh kiếm sống nhưng lúc nào người ta cũng thấy nụ cười tươi rói hiện rõ trên gương mặt khắc khổ của người phụ nữ miền Trung tha hương này.
Khi quang gánh nặng trên vai người đàn ông
Đã từ lâu, hình ảnh người phụ nữ với quang gánh trên vai trở nên quá quen thuộc với đời sống xã hội. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ở đâu đó chúng ta cũng bắt gặp gánh hàng rong nhưng lại trên vai những người đàn ông.
Lê Văn Nam với đôi gánh hàng rong
Lê Văn Nam (21 tuổi, quê tận huyện biên giới huyện An Phú, tỉnh An Giang) gánh hàng rong bán đặc sản bánh, kẹo của miền Tây. Mỗi sáng, vào khoảng 3 giờ, Nam từ phòng trọ ra Quốc lộ 1 đón xe của mối quen từ miền Tây chở hàng lên, sau đó về sắp xếp hàng đầy hai quang gánh để 6 giờ, Nam gánh hàng đi bán dạo dọc theo tuyến đường Đồng Khởi, đường Phạm Văn Thuận, tới 14 giờ mới về phòng trọ.
Nam kể, cảm giác ngày đầu bước vào “nghề” gánh này rất… mắc cỡ. “Cơ duyên” để Nam bước vào nghề bởi cái gánh bằng tre đã lên nước bóng láng được “truyền” từ đời bà ngoại, đến mẹ rồi chị Hai của Nam…
“Không ít lần tôi muốn bỏ gánh xin làm công nhân để ổn định thu nhập nhưng hình ảnh của bà ngoại, của mẹ và chị Hai níu kéo tôi gắn bó với cái gánh hàng rong, mặc dù tương lai rất bấp bênh, chẳng biết sẽ ra sao…” – Nam bộc bạch.
Cũng là đàn ông gánh hàng rong như Nam, anh Nguyễn Văn Út (42 tuổi, quê huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) lại gánh bán hành tỏi, khô, mắm. Theo anh Út, ở miền quê không ruộng đất nhiều nên hai vợ chồng cùng hai con kéo nhau lên Đồng Nai kiếm cách làm ăn, sinh sống.
Mỗi ngày mới 2 giờ sáng, anh Út ra chợ đầu mối Biên Hòa lấy hàng là hành, tỏi về nhặt bỏ bớt rễ, vỏ rồi chất đầy hai bên của quang gánh. Mờ sáng, chồng một gánh, vợ một gánh, lặng lẽ chia nhau rảo bước đến các khu chợ tự phát gần khu công nghiệp bán lẻ cho công nhân đến tận chiều tối.
Trường Trí
(Giác ngộ)