Vào những ngày cuối tháng của năm, tôi có dịp lên Thành phố Sài Gòn, không khí sinh hoạt trông nhộn nhịp hẳn lên, bao hình ảnh xem như đã chuẩn bị trước từ nhiều tháng qua, những sắc màu, những âm thanh ầm ỉ của người, xe cộ và sự va chạm của mọi thứ xung quanh, cuộc sống quay cuồng, làm chóng mặt và choáng ngợp cả mắt.
Cảm giác đầu tiên làm cho tôi không ít suy tư đến cường độ lao động của con người hôm nay, khi mà nền công nghiệp hóa đang trên đà phát triển và mỗi lúc càng tiến dần đến lộ trình hội nhập cùng với các nước trên thế giới. Những công trình đầu tư xây dựng nhà máy xí nghiệp ở các khu công nghiệp, những công trình dự án mở rộng đường giao thông, những khu đô thị mới với những chung cư cao tầng mô hình kiến trúc kiểu mẫu, khu vui chơi giải trí.v.v…
Những cánh hoa cuối năm
Nói chung, toàn bộ tổng thể được lên quy hoạch trông là như thế, có những biểu mẫu hài hòa mang đậm nét văn hóa dân tộc vừa là mang tính hiện đại đang được thi công, để kịp thời gian đưa vào sinh hoạt, nhưng cũng được biết có những công trình chỉ thực hiện được bấy nhiêu từng giai đoạn, bởi nhiều lý do còn lại… dỡ dang, nên phải treo lững theo với thời gian, cũng đành gối đầu cho năm sau, hay năm sau nữa… rồi sẽ tiếp.
Quang cảnh ở Thành phố lớn vào những ngày chuẩn bị đón Xuân đón Tết, phần lớn được phơi bày một bộ mặt rạng rỡ, sạch đẹp, lịch sự hơn lúc nào hết. Từ khu vực chợ Bến Thành, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi đến khu vực Bến Bạch Đằng, công viên Văn hóa Tao Đàn, công viên Thảo Cầm Viên, Văn Thánh.v.v… Những tiếng sập sình vang ra từ những quán đèn mờ, đèn tỏ đâu đó, những tiếng hô to “Zo” những lon (ly) bia cụng nhau, vui mừng cho một ngày Tất niên, tất cả như gợi cảm trong tôi nhớ về thời tuổi trẻ, những ngọt ngào của dòng cảm xúc đã qua đi, đã lan chảy trong tâm tưởng, và đã nhạt nhòa đi tự bao giờ.
Dạo qua khu vực hoa trái, bánh mứt, rượu bia, những thực phẫm tiêu dùng để phục vụ cho ba ngày Tết, được trưng bày đầy ắp nơi những gian hàng trông rất hấp dẫn, người mua người bán họ mặc cả nhau nghe ỏm tỏi, những trang phục thời trang “mốt” cũng được diễu hành dọc theo những dãy phố đầy hoa lệ, với những sắc màu muôn vẻ của thời nay, đi đâu rồi cũng thấy “đủ thứ” trên đời, nhìn chung thì không ngoài những quan yếu cấp bách cho mọi sinh hoạt ăn mặc tiêu xài, thậm chí có cả hoang phí, vung vải trong cuộc sống của lớp người ở giai cấp nào đó.
Khi nói đến cuộc sống, chúng ta liền nghĩ đến sự diễn biến vô cùng phức tạp của nó, và trong bất cứ thời đại xã hội nào, dù đã đi qua, đang là hay chưa đi đến. Tuy nhiên, phía sau tầm nhìn ấy là một sự thật cố nhiên, như cái lồng vô hình được dành cho những thân phận kiếp người, khi họ đang ở trong mức sống eo hẹp, thiếu thốn, không có cơ hội may mắn, tuồng trông thấy như nhẹ tênh nào đó, để rồi phải cam chịu nhận lấy không ít tủi cực, khi chính bản thân đang đối diện giữa lòng cuộc sống muôn mặt nầy. Không ai dễ chấp nhận ai, nếu hiểu một cách khác đi, đó chính là lực hấp dẫn và đã được chấp nhận bởi một từ trường cùng sở thức với nhau, nên có sự cảm thụ, hay so sánh, phân biệt khi có mặt với nhau cùng trong cuộc sống.
Trở lại chuyện những ngày cuối năm, ta thấy ở phía trước hay bề mặt của một bức tranh được phối thức bởi những nghệ sĩ tài hoa trong cuộc sống, thì ở phía đằng sau đó, sự phản ánh một hình thái nhân tố cũng không ngoài một thực tế tất yếu cho bất cứ một xã hội hay bất cứ một thời đại nào.
Điều mà chúng ta có thể nói rằng : Không có cuộc vui nào kết thúc toàn mãn, khi mà con người còn dẫm đạp lên cái bóng của mình và cái bóng ấy vẫn còn đổ dài về phía trước. Và nếu :
” Khi ta để mắt nhìn về phía trước…
Phía sau ta còn lắm kẻ đau thương !”.
Ở sau ta, chung quanh ta, trước đây và bây giờ, vẫn còn bao người gánh lấy một thân phận không ít phũ phàng đáng thương và cô độc, nếu để mắt nhìn sâu lắng vào cuộc sống, thì ta sẽ thấy ngay điều đó như : một người bị vỡ nợ vì chuyện làm ăn, chuyện tất bật tối mặt vì cơm áo, chuyện hụt hẫng bởi bao lợi dưỡng danh vị riêng tư đã bị sụp đổ, hay bị bào mòn theo tháng năm, chuyện nhẫn nhục của kẻ làm thuê mướn nơi xứ người, chuyện một cơn bệnh ngặt làm tiêu hết tiền của, chuyện phá sản sau một canh bạc, hình ảnh một em bé côi cúc, một cảnh già nua cô độc, một nạn nhân thời cuộc dị tật do chất độc dioxin.v.v… Tất cả những hoàn cảnh ấy, những mảnh đời và tâm hồn ấy, những nỗi đau ấy, phải chăng ở nơi đó có một mùa xuân đích thực, khi :
“Bên góc phố, vỉa hè, ngõ đời chật hẹp
Ai mang cho giọt nắng vào chiều đông!”
Với đạo lý của con người, với bao tâm tư từ ái, với tinh thần “lá lành đùm lá rách” đó chính là cái hồn tươi mát, sạch thơm của mùa xuân, và còn nhiều hơn thế nữa, cho nên : “dù mặt đất chưa có màu hoa nở, nhưng ta vẫn đi giữa mùa xuân”. Đi giữa mùa xuân đầy những cảm thông, cảm niệm những yêu thương, một hành động cụ thể, thiết nghĩ ở nơi đó có cánh hoa nào đẹp hơn, tuyệt diệu hơn ? ở nơi đó chỉ có hơi thở và hương vị của trái tim, nó luôn lan tỏa về mọi phía của cuộc đời. Bởi :
“Mỗi ngày đến cung hoa
Vụt thoáng cong Ong
Vẽ ngàn hương lộ,
Báo tin xuân về mọi phía trời xa”.
Từ một bộ mặt được trang hoàng hoành tráng, sang trọng với những sắc màu diễm lệ, cùng với sự ấm no, những lạc thú thường tình, những tư duy gầy guộc cùng khi ấy, ánh sáng văn minh, đỉnh cao của lương tâm và lương tri, tưởng nghĩ điều ấy cũng phải được tỏa sáng đến với mọi lớp người còn kém phần may mắn hơn, vì họ cũng được có mặt, được quyền sống, và được quyền cảm nhận, uớc muốn như bao người trong cộng đồng nhân loại, bởi :
“Phải đâu xuân của mênh mông
Trên màu lá vẫn xanh lòng bao la”.
Hôm nay, một chiều cuối năm, một chiều có nhiều ấn tượng trong tôi từ lâu, cứ mỗi năm có dịp vào những buổi chiều nầy, tôi thường lên phố để xem cái cảnh rộn rịp, trưng bày, kẻ mua người bán.v.v… và cũng để thấy cái cảnh kết thúc của những ngày cuối năm, một hình ảnh lẫn lộn giữa nỗi vui buồn, được thua, còn mất, hạnh phúc hay đau khổ.v.v… không thể dấu được trong ánh mắt tâm tư.
Những cánh hoa cuối năm
Vẫn biết rằng trong những khoảnh khắc nầy, mỗi mỗi gia đình sum hợp với nhau bên bàn thờ gia tiên, với làn hương thơm phảng phất giữa tâm linh siêu hình và thực tại, bên chậu cúc, chậu hồng, những đóa hướng dương, những giò phong lan, những cành mai vàng, với mâm trái cây, bánh mứt, rượu bia, thịt cá, và ôi thôi là những thứ tiêu dùng phục vụ cho ba ngày Tết.
Thế nhưng, đối với tôi vẫn trông thấy có những ai đó đang lặng thầm bên bàn thờ Tổ tiên, đơn sơ với cành hoa vạn thọ ta, phong bánh in, với thẻ nhang loại rẻ tiền mà khấn nguyện ông bà ở đâu đó về vui Tết với cháu con trong những ngày đầu năm.
Và hơn thế nữa, hắt hiu những cơn gió chiều nay, tôi còn thấy những cánh hoa cỏ dại vẫn nở tươi bên đường, ở ngoài hàng giậu, nơi góc tường rêu nhạt, tất cả dường như đang gửi chút sắc hương vào đêm trừ tịch ;
“…Ước mơ chi ảo tưởng xa xôi…
Có khi một sắc hương hoa cỏ
Chở cả mùa xuân đến với đời”.
Sài Gòn, Một ngày cuối năm.
Mặc Phương Tử