TT.Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH, biện chính về những nhận định liên quan tới sự kiện Đức Phật cho nữ giới xuất gia và vấn đề của số đông Ni giới hiện nay, đăng trên Đặc san Hoa Đàm của Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự T.Ư, số 42, vừa xuất bản 3-2017.
TT Thích Thiện Thống. Ảnh: Tường An
Trong cuộc sống, mỗi người đều có một niềm tin và niềm tin đó phải được thể hiện bằng một nhận thức chuẩn mực. Chính nhận thức chuẩn mực sẽ giúp mỗi người chúng ta khi nghiên cứu một sự kiện hoặc giải quyết một vấn đề nào đó sẽ khách quan và khoa học. Do đó, chúng ta sẽ tìm hiểu sự kiện hoặc vấn đề dưới hai góc độ hiện tượng và bản chất. Nếu lấy hiện tượng để xem xét và giải quyết thì đó là nhận thức không chuẩn mực; dùng bản chất để xem xét và giải quyết thì đó là nhận thức chuẩn mực.
Tranh tái hiện sự kiện Tôn giả A Nan khẩn cầu Đức Phật chấp thuận cho Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề và 500 người nữ trong hoàng tộc được xuất gia – Tranh PGNN |
Mỗi người đều có cách nhìn khác nhau về một sự kiện hoặc một vấn đề nào đó, nhưng phải trên cơ sở khoa học, khách quan, logic và nhận thức chuẩn mực; không thể dùng tư kiến cá nhân để áp hiện tượng là bản chất của sự kiện. Để rộng đường dư luận và làm rõ sự kiện Đức Phật cho nữ giới xuất gia và nội dung có liên quan đến số đông Ni giới được nêu trong bài viết “Ni đoàn thời Đức Phật” đăng trên Đặc san Hoa Đàm số 42 – tháng 3-2017, chúng tôi xin nêu lên những nhận định sau đây.
Một là, sự kiện Đức Bổn Sư Thích Ca cho phép nữ giới xuất gia trở thành một trong bốn chúng (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Cận sự nam, Cận sự nữ) của Đức Phật là một sự kiện chưa từng có (vị tằng hữu) trong lịch sử tôn giáo và xã hội cổ đại. Khi nghiên cứu sự kiện này, chúng ta thấy toát lên hai hình thức bên ngoài (hiện tượng) và nội dung bên trong (bản chất) của sự kiện này. Tuy nhiên, hiện tượng và bản chất có mối liên hệ hữu cơ. Do đó, khi nghiên cứu, giải quyết vấn đề phải xem xét trên mặt tổng thể.
– Về mặt hiện tượng: Chúng ta thấy rõ mồn một lời khẩn cầu của Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề, lời tác bạch của Thánh tăng A Nan xin Đức Phật cho nữ giới xuất gia, và chúng ta cũng nghe rõ mồn một lời từ chối của Đức Phật. Nếu xét sự kiện dưới góc độ hiện tượng, thì chúng ta sẽ suy nghĩ Đức Phật chưa thể hiện đức Đại từ, Đại bi, không thương tưởng chúng sanh. Nhưng thực tế cho thấy Đức Phật là bậc “Đại từ, Đại bi mẫn chúng sanh”. Nhưng tác giả bài viết “Ni đoàn thời Đức Phật” đã dùng hiện tượng Đức Phật từ chối, để cho rằng: “… Bậc Nhất thiết trí đã dùng cái phương tiện thiện xảo với đầy đủ lý tình cộng thêm sự khích tướng cao độ để đưa thân phận phụ nữ từ con số “không” như chế độ phong kiến xưa nay từng rêu rao là “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” lên một vị trí gọi là “bình đẳng giới” mà kinh điển, giới luật đã minh định từ lâu …” (đoạn 5 trang 19).
Mỗi người đều có quyền độc lập về cách hiểu vấn đề, nhưng phải trên cơ sở nhận thức chuẩn mực. Nhận thức chuẩn mực của một đệ tử Đức Phật chân chánh là y cứ đầy đủ vào hiện tượng và bản chất sự kiện bằng sự thấy biết đúng đắn (chánh kiến), suy nghĩ đúng đắn (chánh tư duy), nói năng đúng đắn (chánh ngữ), hành động đúng đắn (chánh nghiệp). Ngược lại, lấy hiện tượng để xem xét bản chất sự kiện chưa từng có nêu trên, hệ quả tất yếu là cá nhân sẽ bị ràng buộc của thân kiến, biên kiến, kiến thủ, cuối cùng là đưa đến tà kiến, có một nhận thức không chuẩn mực về sự kiện, áp đặt tư kiến lên bản chất sự kiện. Đức Phật gọi đó là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp.
– Về mặt bản chất: Tất cả chư Phật, hàng đệ tử đều có đủ bốn chúng. Một câu hỏi được đặt ra, là tại sao 5 năm đầu, hàng đệ tử Phật chưa có Tỳ-kheo-ni. Một đệ tử Phật chân chánh đều trả lời được câu hỏi này, đó là Đức Phật quán nhân duyên chưa đến để công nhận Tỳ-kheo-ni trở thành một trong bốn chúng đệ tử.
Các đệ tử chân chánh đều hiểu rằng, khi Đức Phật nói một bài kinh, chế một điều giới đều có duyên khởi của nó. Đức Phật đã quán nhân duyên, việc công nhận Tỳ-kheo-ni trong hàng bốn chúng đệ tử đã đến, nhưng phải có duyên khởi. Duyên khởi ở đây chính là Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề cầu xin Đức Phật xuất gia, Thánh tăng A Nan ba lần tác bạch. Một câu hỏi được đặt ra tiếp theo, Đức Phật là đấng đại từ, đại bi, nhưng tại sao Đức Phật từ chối lời thỉnh cầu, đến Thánh tăng A Nan hai lần tác bạch, Đức Phật cũng từ chối. Hiện tượng là thế, nhưng bản chất sự kiện mang ý nghĩa thâm sâu của Bậc Đại trí (Đức Phật), đó là Đức Phật muốn gởi đến xã hội một thông điệp về đức tính cao quý của người nữ. Bởi Đức Phật là Bậc Đại trí, trí huệ vượt tầm pháp giới.
Đức Phật ba lần từ chối, không phải Đức Phật không thương tưởng đến Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề, người có công dưỡng dục mình từ tấm bé đến tuổi trưởng thành. Đức Phật ba lần từ chối lời cầu xin của Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề, là muốn gởi đến xã hội bấy giờ một thông điệp: Như Lai đã đoạn trừ lậu hoặc, nên thân sơ không còn. Đây là nghĩa sâu xa mà Đức Phật muốn gởi xã hội và các đệ tử. Nếu Đức Phật chấp nhận ngay lời cầu xin thì xã hội bấy giờ sẽ có suy nghĩ, Đức Phật vì tình riêng mà làm xáo trộn trật tự xã hội. Một thông điệp đặc biệt khác mà Đức Phật muốn gởi đến xã hội, đó là người nữ có đầy đủ năng lực, nhiều đức tính cao đẹp. Đức Phật muốn chính Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề sẽ là người đại diện cho nữ giới chứng minh năng lực, chứng minh những đức tính cao đẹp của người nữ, đó là “đức tính kham nhẫn, đức tính dấn thân, đức tính kỷ luật” với xã hội phong kiến. Cho nên, Đức Phật đã để Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề và 500 người nữ trong hoàng tộc vượt một quãng đường bộ dài 150 dặm (khoảng 250km) từ Ca-tỳ-la-vệ đến Tỳ-xá-ly. Năng lực và đức tính cao đẹp đó của người nữ đã được Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề và 500 người nữ trong hoàng tộc chứng minh một cách hùng hồn và rất thuyết phục đối với xã hội phong kiến.
Song song đó, Đức Phật muốn Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề một lần nữa chứng minh cho xã hội thấy ngoài năng lực, những đức tính đã nêu, người nữ còn có một đức tính khác, đó là đức tính “trách nhiệm” của cá nhân trước cộng đồng. Chúng ta đọc kinh văn thấy rất rõ điều này. Thánh tăng A Nan, bạch Phật lần thứ 3: “Bạch Thế Tôn, sau khi người nữ từ bỏ nhà cửa, sống đời sống với giáo lý, giới luật mà Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết, có thể chứng đắc Thánh quả A-la-hán?”. Đức Phật đã trả lời Thánh tăng A Nan, có thể tóm tắt một chữ “CÓ” đã làm chấn động lịch sử tôn giáo và xã hội phong kiến thời đó. Thánh tăng A Nan trùng tuyên lời Đức Phật dạy cho Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề và 500 người nữ nghe, là chấp thuận cho xuất gia trở thành Tỳ-kheo-ni với những điều kiện kèm theo. Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề hướng về Đức Phật tuân hành lời Đức Phật dạy, có thể tóm tắt thành một từ “ĐƯỢC”. Từ “ĐƯỢC” này đã làm chấn động lịch sử tôn giáo và xã hội phong kiến lúc đó. Về mặt bản chất sự kiện, Đức Phật cho nữ giới xuất gia bằng chính sự khẳng định đức tính cao đẹp của họ, không phải vì tình thân sơ mà cho phép. Từ ngày lịch sử đó đến hôm nay chưa bao giờ có sự chỉ trích của xã hội đối với sự kiện này.
Hiện tượng của sự kiện là thế, bản chất của sự kiện đã rõ, nhưng một điều “vị tằng hữu” đã xảy ra ngày hôm nay, đó là tác giả bài viết “Ni đoàn thời Đức Phật”, cho rằng việc nữ giới được xuất gia là do Bậc Nhất thiết trí (Đức Phật) đã bị Thánh tăng A Nan khích tướng cao độ để đưa thân phận phụ nữ từ con số “không” lên một vị trí gọi là “bình đẳng giới”. Điều vị tằng hữu này của tác giả đã làm chấn động lịch sử Phật giáo đương đại. Bởi vì, từ ngàn xưa cho đến hôm nay, chưa có một người đệ tử Phật nào dám dùng ngôn từ bất kính như thế đối với Đức Phật.
Như trên đã trình bày, một người có kiến thức bình thường nhất, cũng hiểu từ “khích tướng”. Khích tướng tức là người này tác động đến người kia về mặt tâm lý để thực hiện một hành vi mà người bị khích tướng không có chủ ý thực hiện. Tác giả đã cho rằng, Đức Phật chấp nhận cho nữ giới xuất gia là do khích tướng cao độ của ngài A Nan. Theo ngôn từ của tác giả, Bậc Nhất thiết trí (Đức Phật) đã bị khích tướng và thay đổi quan điểm khi chấp thuận cho nữ giới xuất gia. Như vậy người khác đạo họ sẽ hiểu Đức Phật như thế nào? Có xứng đáng là Bậc Nhất thiết trí không? Mặt khác, chính ngôn từ của tác giả đã phủ nhận thông điệp của Đức Phật về đức tính cao đẹp của nữ giới thông qua sự kham nhẫn, dấn thân, kỷ luật, trách nhiệm của nữ giới do Vương phi Ma-ha Ba-xà-ba-đề và 500 người nữ trong hoàng tộc làm đại diện.
Từ nhận thức không chuẩn mực như thế, nên tác giả mới dùng khái niệm từ “khích tướng cao độ” để lý giải sự kiện Đức Phật cho nữ giới xuất gia. Qua đây để thấy rằng lời huyền ký “sư tử trùng thực sư tử nhục” đã ứng nghiệm. Tiền nhân chúng ta đã dạy: “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”, cho nên đừng vì tư kiến, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, tà kiến mà phạm tội bất kính với Đức Phật.
Hai là, các đệ tử Phật chân chính đều có một nhận thức chuẩn mực, đều biết rằng: Đức Phật không phải chỉ mới đại giác ngộ trong kiếp này, mà đã đại giác ngộ từ nhiều kiếp “Tam kỳ quả mãn kiếp tu lai”. Do đó, hình ảnh Đức Phật đản sanh, xuất gia, tầm đạo, tu khổ hạnh, 49 ngày thiền định và thành tựu đạo quả dưới cội Bồ-đề chỉ là một hình thức để giáo hóa chúng sanh. Đức Phật luôn lấy con người làm trung tâm và phải con người để thành tựu đạo quả. Đức Phật là bậc thầy vĩ đại của ba cõi (tam giới chi Đạo sư), là bậc cha lành của bốn loài (tứ sanh chi từ phụ), và lậu hoặc không còn, cho nên “Thiên thượng, nhân gian hàm cung kính là vậy”. Như vậy, Đức Phật có bị chi phối bởi thành kiến mê lầm không? Có còn chấp thủ không? Một người sơ tâm học đạo đều có câu trả lời bằng một từ “KHÔNG”.
Thánh A-la-hán còn đoạn tận được lậu hoặc, huống chi Đức Phật đã thành tựu quả vị “Diệu giác”. Vấn đề Đức Phật cho nữ giới xuất gia hình thức bên ngoài (hiện tượng) là thế, nhưng nội dung bên trong (bản chất) đã rõ. Tuy nhiên việc chưa từng có (vị tằng hữu) này tiếp nối việc chưa từng có khác trong bài viết “Ni đoàn thời Đức Phật”, tác giả cho rằng: “Vâng, rõ ràng Đức Thế Tôn đã dạy ‘Nhất thiết chúng sang giai hữu Phật tánh’. Mà khi đã phá tan được cái thành kiến mê lầm từ lâu đã ăn sâu gốc rễ trong lòng đất chấp thủ đó, thì việc thuận cho nữ giới thành lập Giáo hội Tỳ-kheo-ni được xem là “Pháp nhĩ như thị”. Một câu hỏi được đặt ra: Ai cho phép nữ giới xuất gia? Ai là người đã phá tan được cái thành kiến mê lầm từ lâu đã ăn sâu gốc rễ trong lòng đất chấp thủ đó? Mọi người ai cũng trả lời được, đó là Đức Phật là người duy nhất trong lịch sử tôn giáo cổ đại cho phép nữ giới xuất gia. Câu trả lời tiếp theo, ai cũng trả lời được, đó là không phải Đức Phật khi đã phá tan thành kiến mê lầm mới chấp thuận cho nữ giới xuất gia. Nhưng tác giả lại có nhận thức sai lầm, và viết ra những ngôn từ bất kính với Đức Phật như thế. Những ngôn từ này, nói theo thuật ngữ Phật học, đó chính là “tặc trụ Phật pháp”.
Như trên đã trình bày, vấn đề nữ giới xuất gia trở thành Tỳ-kheo-ni – một trong bốn chúng đệ tử Phật là chuyện đương nhiên (pháp nhĩ như thị), nhưng duyên phải đủ, thời phải đến và có duyên khởi. Vấn đề nữ giới xuất gia đã rõ, không có gì phải luận bàn. Một câu hỏi lại được đặt ra, tại sao tác giả lại dùng những ngôn từ như thế để giải thích việc Đức Phật cho nữ giới xuất gia. Y cứ vào lời dạy của Đức Phật trong các kinh điển, có thể lý giải nguyên nhân vì sao tác giả dùng ngôn từ như thế. Nguyên nhân đầu tiên có thể thấy được, đó là mê lầm về nhận thức đối với hiện tượng và bản chất sự kiện nữ giới xuất gia (si); từ si nên dẫn đến việc tôn vinh hình ảnh nữ giới xuất gia, quên đi ân đức của Đức Phật đối với nữ giới (ngã mạn); từ ngã mạn nên có nhận thức sai lầm vấn đề Đức Phật cho việc nữ giới xuất gia (thân kiến); từ thân kiến nên hệ quả tiếp theo là có nhận thức sai lầm về một bên theo hướng tiêu cực về thấy biết (biên kiến); từ biên kiến đưa đến bảo thủ cho nhận thức của mình là đúng (kiến thủ); từ kiến thủ đưa đến thấy biết không đúng (tà kiến). Các nguyên nhân này, gọi chung là bị các kiết sử trói buộc. Từ việc bị các kiết sử trói buộc, tác giả đã gắp lửa bỏ tay người, tức là mình bị mê lầm, thành kiến trói buộc, rồi cho rằng Đức Phật bị thành kiến, mê lầm theo nhận thức của tác giả; “Vâng, rõ ràng Đức Thế Tôn đã dạy ‘Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh’. Mà khi đã phá tan được cái thành kiến mê lầm từ lâu đã ăn sâu gốc rễ trong lòng đất chấp thủ đó, thì việc thuận cho nữ giới thành lập Giáo hội Tỳ-kheo-ni được xem là “Pháp nhĩ như thị”. Cho nên chư Tổ đã tiên liệu trước, đưa ra lời dạy để cảnh tỉnh các đệ tử xuất gia không nên đem tâm phàm để luận bàn ý thánh mà mang trọng tội:
“Mạn Phật, khinh Tăng, báng Đại thừa,
Bội nghĩa vô thân hủy sư trưởng”.
Ba là, các đệ tử Phật chân chánh đều hiểu rằng giáo pháp của Đức Phật luôn khế lý, khế cơ và khế thời, là bất định pháp. Nhưng một điều chưa từng có lại tiếp tục xuất hiện trong bài viết “Ni đoàn thời Đức Phật”, đó là sự hoài nghi, mơ hồ về giáo pháp, kinh điển của Đức Như Lai của một đệ tử Phật, khi tác giả cho rằng: “Xin thưa rằng, cái được mệnh danh là kinh điển, giáo pháp của Đức Như Lai phải khế lý, khế cơ và khế thời hay còn gọi là bất định pháp …”. Một người có trình độ học vấn bình thường nhất cũng hiểu rõ từ ngữ “cái được mệnh danh là” là một từ ngữ mang tính châm biếm, không thừa nhận một hình thức nào đó. Thí dụ: Một người A nào đó không phải là nhà trí thức, nhưng ông ta lại tạo cho mình một hình thức giống như nhà trí thức. Khi gặp người A này, người B nói với một số người xung quanh: ông A được mệnh danh là nhà trí thức. Tác giả nói như thế mang hàm ý không chấp nhận kinh điển, giáo pháp của Đức Phật không đủ năng lực đem đến giải thoát cho chúng sanh.
Nguy hiểm hơn, tác giả cố tình hiểu sai về khái niệm “Bất định pháp” trong giáo lý của Đức Phật để lý giải việc bình đẳng giới của thế gian. Giáo pháp của Đức Phật là bất định pháp, sự vận hành của các pháp đều theo lý duyên khởi (các pháp theo duyên sanh khởi, các pháp theo duyên đoạn diệt), nhưng không phải tất cả đều là bất định pháp. Sự kiện Đức Phật cho nữ giới xuất gia, đưa ra 8 điều kiện (Bát kỉnh pháp) và Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo bạch Phật sẽ phụng hành trọn đời, là định pháp. Qua cách diễn đạt trong bài viết, tác giả đã biểu thị sự hoài nghi về kinh điển, giáo pháp của Đức Phật, thậm chí chuyển tải một lời kêu gọi ngầm là hãy bỏ Bát kỉnh pháp. Bởi vì, kinh điển, giáo pháp của Đức Như Lai là bất định pháp. Đây là một nhận thức sai lầm do kiết sử trói buộc, là nhận thức mang tính tà kiến. Một đệ tử Phật có nhận thức sai lầm, tà kiến như thế, quả là lời chư Tổ sư dạy không sai:
“Ngoại hiện oai nghi tăng siểm trá,
Nội hoài ngã mạn cánh sơ cuồng”.
Bốn là, đó là tác giả bài viết đã dùng từ “phần lớn” (đoạn cuối bài viết) để chỉ cho một hiện tượng cá biệt của số ít cá nhân Ni giới có phẩm hạnh, lối sống đạo đức chưa tốt. Điều này một học sinh tiểu học cũng biết rất rõ, đó là trong một lớp học, có một ít học sinh có hành vi chưa đúng, thậm chí là sai hoàn toàn, nhưng đó chỉ là hiện tượng cá biệt của từng cá nhân cụ thể, bản chất của các học sinh khác là rất tốt. Đó là nhận thức chuẩn mực của một học sinh tiểu học.
Hiện tại, một bộ phận Tăng Ni trẻ có phẩm chất, lối sống đạo đức chưa tốt, chưa đúng theo Pháp – Luật mà Đức Phật đã tuyên thuyết và chế định. Đây là vấn đề thực tế đang hiện hữu, nhưng đây chỉ là hiện tượng cá biệt, đáng thương hơn là trách cứ. Xét trên bình diện tổng thể, Tăng Ni trẻ vẫn có bản chất tốt, tất cả họ đều cần tu hiếu học, luôn tỉnh giác, như thật tuệ tri các pháp, phấn đấu vượt qua những cám dỗ của đời sống vật chất đầy cám dỗ, và luôn luôn nhận thức tâm hình dị tục để luôn nỗ lực cống hiến bằng sở tu, sở học của mình để trang nghiêm tự thân, xương minh Đạo pháp, trang nghiêm Giáo hội. Đây chính là bản chất của Tăng Ni trẻ, đáng khen sao lại dèm siểm, chê bai. Tác giả cho rằng, thế nhân khủng hoảng niềm tin, hoài nghi về các giá trị đạo đức bởi lối sống thực dụng của phần lớn chư Ni đương đại. Đây là suy luận theo kiểu dùng hiện tượng để đánh giá bản chất, thiếu tính nghiêm túc để xây dựng.
Hiện tượng cá biệt Tăng Ni trẻ có hành xử chưa đúng là có thật, nhưng với trách nhiệm của người đi trước, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao có hiện tượng đó, để từ đó tìm ra giải pháp khuyến giáo, chấn chỉnh. Đó là nhận thức chuẩn mực, tích cực xây dựng, đó là trách nhiệm của người đi trước.
Mọi lúc, mọi nơi, từng cá nhân nếu không vượt qua tư kiến, chỉ cần có một sự thấy biết không đúng đắn (tà kiến), tư duy không đúng đắn (tà tư duy), nói năng không đúng đắn (tà ngữ) và việc làm không đúng đắn (tà nghiệp), lập tức (thị phi) khen chê xuất hiện. Đây là quy luật tất yếu khách quan của xã hội. Nếu cá nhân dùng thân kiến, biên kiến, kiến thủ, tà kiến của mình để lý giải một sự kiện, giải quyết một vấn đề, mục đích cũng chỉ để vun trồng bản ngã, đem tâm phàm mà bàn luận thánh ý; dùng hiện tượng cá biệt để đánh đồng với bản chất thanh tịnh của số đông Tăng Ni trẻ là nhận thức không chuẩn mực, nói cách khác đó là tà kiến. Như thế chưa xứng đáng mang trên mình tên gọi là đệ tử Phật, không xứng đáng là người văn minh, tiến bộ trong một xã hội văn minh, tiến bộ và luôn bị gió thị phi, gió bát phong chi phối.
TT.Thích Thiện Thống