HỎI: Tôi có nghe nói ăn uống các vật phẩm mà quý thầy (cô) ở chùa mời (hoặc cho đem về) là mang tội rất nặng, đọa địa ngục, vì không phải người tu mà nhận của tín thí. Nhà tôi ở gần chùa, các vật phẩm nhà chùa dùng không hết nên thường đem cho. Tôi rất băn khoăn vì nếu nhận thì mang tội mà nếu không nhận để vật phẩm hư hỏng cũng không đành. Vậy tôi phải làm sao?
(DIỆU MỸ, Q.8, TP.HCM)
ĐÁP: Bạn Diệu Mỹ thân mến!
Theo tinh thần Giới luật của đạo Phật, các món tài vật khi được mời hoặc được cho một cách chính đáng là tài vật hợp pháp. Khách được mời hoặc người được cho tùy duyên thọ dụng mà không hề mang tội.
Sau những cuộc lễ, các chùa thường có chút quà bánh trái gửi biếu thập phương bá tánh, gọi là lộc Phật. Bà con Phật tử và quý khách rất trân quý, hoan hỷ với lộc Phật này. Hoặc sau lễ mà dư thừa vật thực, nhà chùa cũng kêu gọi các Phật tử thân cận, bà con xung quanh “ủng hộ” dùm, vì nếu dùng không hết để hư hỏng thì mang tội.
Thật rõ ràng, không hề có lỗi trong việc thọ dụng này, nói chi đến đọa địa ngục. Thậm chí ngược lại, nhận lộc Phật rồi gieo duyên lành với Tam bảo mà hướng thiện là điều hay, được phước. Liên hệ đến một phương diện khác, tài vật cho những chuyến từ thiện do nhà chùa chủ trương đều là của thí chủ, các nhà hảo tâm ủng hộ. Chẳng lẽ những người nhận sự giúp đỡ, sẻ chia từ nhà chùa lại mang tội “không tu mà nhận của tín thí” sao?
Do vậy cần phân biệt rõ việc thọ dụng vật thực nhà chùa mời hay nhận lộc nhà chùa cho, hoàn toàn khác với lạm dụng của đàn na tín thí cúng dường Tam bảo. Đành rằng vật thực ở chùa là của tín thí, không phải người tu thì không nên tự tiện thọ dụng. Nhưng khi được nhà chùa mời hay cho, lộc Phật thì mình cứ dùng.
Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như – Quảng Tánh