Người Quảng Trị thích ăn ớt ra răng, có lẽ bạn nên về tận nơi để mục sở thị, còn thôi thì chịu khó nghe người Quảng Trị kể trạng vậy.
Bài liên quan:
>>Quảng Trị: Chùa Sơn Thành tượng đài Quán Thế Âm cao 25m
>>Quảng Trị: Làng Cu Hoan mừng hội trung thu
>>Quảng Trị: Lễ đài Phật đản huyện Triệu Phong tổ chức tại chùa Lưỡng Kim
Có lần tôi đọc trên bolg của Hoàng Công Danh, có nghe kể rằng.
Một hôm đám bạn cùng lớp, trên đường đi chơi tạt vô ghé thăm nhà người bạn. Bà mẹ thấy con có bạn học về chơi, mừng hú lên, liền chạy ù qua hàng xóm mượn mấy bò gạo về nấu cơm, và nói với con rằng, tụi bây về không báo trước, nên bữa ni tau cho ăn cơm với rau lang luộc, với cá mòi kho nước, chỉ có rứa thôi.
Nhà thơ Hồ Tĩnh Tâm đang cầm rỗ ớt chuần bị ăn cơm. Ảnh: nhân vật cung cấp
Đến bữa, rau lang luộc thì cả rỗ, tha hồ chấm nước mắm cua mà ăn thỏa thích, còn trách cá mòi kho nước, đám học trò khoắng đũa, mò như thợ lặn, vậy mà nỏ thấy con cá mô cả. Đứa con thấy vậy, ngạc nhiên la to lên hỏi mẹ, mạ ơi, rứa chứ cá mòi chộ mô mà nỏ thấy hè. Người mẹ ngồi băm bèo ngoài sân, nói vọng vô nhà, cá trong trách chứ mô, cá mòi đỏ quê miềng đó, ngon không con.
Tất nhiên là ngon. Vì nói thật. Nếu có cá mòi mà nỏ có ớt, bữa cơm trắng không độn ngô khoai, cũng có ra chi mô; còn cắn trái ớt tưởng tượng ra cá mòi, ăn cùng cơm trắng, rứa thì còn chi ngon bằng, đối với mấy đứa trai hừng hực sức lớn, lại còn đang đói bụng.
Rồi tôi còn nghe chuyện ni, hay nỏ chịu nổi.
Làng Gia Độ quê tôi có cô nọ thi đậu tiến sĩ, được điều ra thủ đô làm việc ở Viện Toán học. Đứa con gái chưa tới một tuổi, phải đem gởi nhà trẻ quốc tế, mỗi tháng đóng tới mấy triệu, vậy mà mấy cô nuôi dạy, dù bằng cách nào cũng không ép đứa trẻ bú sữa hay ăn bột được cả. Cứ bột hay sữa đút vào, là con bé nó lè ra ngay lập tức. Ngạc nhiên, các cô đem chuyện nói với người mẹ, người mẹ hỏi lại, rứa chứ mấy o có trộn ớt bột vô sữa vô bột không, không có ớt bột là cháu nó nỏ ăn mô. Quả nhiên sau đó, cứ trộn càng nhiều ớt bột vô sữa vô bột, là con bé nó ních tì tì, mấy cũng hết.
Hôm ở sài Gòn dự đám giỗ người chú ruột, có người bà con ở làng đến dự, nói với tôi, tau tiện thể đi nuôi bệnh con cháu trong viện Chợ Rẫy, ghé về đây thắp nén hương cho chú mi. Rồi ông kể tôi nghe, hôm kia có người bị xe đâm chết ngoài đường, mà không ai biết danh tánh, nên bệnh viện phải mổ pháp y xem xét. Tau đứng coi, thấy trong bụng toàn ớt sừng trâu, ớt cứt chuột, tau la lên, ông ni người Quảng Trị quê tôi chớ mô. Rứa mà đúng đó mi. Hồi sáng ni có người nhà vô tìm nhận mặt. Người làng Gia Độ mình chứ mô. Ăn ớt nhiều cỡ đỏ, thì chỉ có dân Gia Độ mình thôi.
Ấy, cái sự hay ăn ớt, thích ăn ớt, của người Quảng Trị quê tôi thì khỏi phải nói. Tôi về quê, thấy trong vườn, trên gò, ngoài bãi, ở đâu dân quê tôi cũng trồng ớt. Ớt muối dưa, ớt làm tương, ớt làm mắm, ớt phơi khô đâm ra làm ớt bột. Ớt phục từ trong nhà ra ngoài sân, nhiều vô thiên lũng. Cứ bữa cơm là phải có ớt, không có ớt là không được. Người lớn ăn ớt, trẻ con cũng ăn ớt. Người chết, khi cúng cũng phải có dĩa ớt trên bàn thờ. Ăn cơm, ăn khoai, ăn chi mô cũng phải có ớt. Nỏ có ớt, tới nem công chả phượng dân quê tui cũng nỏ thèm ăn.
Ăn ớt nhiều nên dân quê tôi rất trực tính, nói chi cũng nói thẳng đùi đụi, không có sợ mất lòng ai cả; còn làm lụng việc nhà, việc đồng áng, ai mô cũng siêng, cũng chịu khó. Nhờ ăn ớt nhiều nên mới có được đức tính ấy. Và có lẽ, nhờ ăn ớt nhiều từ nhỏ, nên dân quê tôi học giỏi lắm, tiến sĩ nhiều như ngô trên Bích La, ra đường, đụng đâu cũng gặp tiến sĩ; còn như cử nhân, thì đến ông nông dân ngày hai buổi đi cày cũng có bằng, ông lão bảy mốt tuổi cũng thi lấy bằng đại học lận lưng cho vui. Ăn thứ ớt cay xé lưỡi thành thần từ đời này qua đời khác, nên dân Quảng Trị, bên cạnh tính kiên nhẫn, tính chịu nghe, chịu học, khi đụng chuyện chi không hài lòng, cũng dễ nổi nóng như Trương Phi, nhưng xong thì thôi, không hề có để bụng bao giờ.
À, mà nhém chút xíu tôi quên. Ăn ớt truyền đời, nên miệng lưỡi dân quê tôi cay như ớt. Không nói thì thôi, đã nói thì ra nói. Nói yêu thì đến cua cũng phải bò ra khỏi lỗ. Nói ghét thì người bị ghét chỉ có nước bỏ đi. Có điều bạn phải nhớ, ăn ớt nhiều như núi, nên dân quê tôi nói trạng thuộc vào hạng nhất nước đấy.
Tất cả là nhờ hay ăn ớt, thích ăn ớt, và ăn ớt rất chi là nhiều là nhiều.
Hổng tin, cứ đến Đông Hà, hỏi Xuân Lợi ở quán cà phê Giang Châu thì biết.
Tới đây, xin tặng bạn đọc câu ca dao Quảng Trị, để thấy, tính cách ớt của người Quảng Trị, vận cả vào ca dao, tục một chút, mà hay chi mô mà hay, hay tới nổ trôốc côi luôn.
Thương em anh đút c… qua bờ rào
Đút qua đút lại gai cào sước da
Dzu – Hồ Tĩnh Tâm / Phật học đời sống
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)