Nay tác phẩm “Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng” của Ấn Thuận, được các thành viên của Trung tâm dịch và xuất bản cũng không ngoài lý do này, nhằm giới thiệu giới nghiên cứu người Việt thấy rõ trong quá trình phát triển tư tưởng Phật học ở Ấn Độ do TT Thích Hạnh Bình phiên dịch
Nhằm trang bị kiến thức chuyên môn trong ngành cho người nghiên cứu Phật học, nhất là người có tâm muốn dịch bộ “Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh” sang Việt ngữ. Bước đầu Trung tâm Nguyên cứu Phật học Hán truyền vừa giảng dạy vừa phiên dịch các tác phẩm nghiên cứu mang tính chìa khoá của Hoà thượng Ấn Thuận. Ví dụ như “Lịch sử Biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thuỷ” – giới thiệu quá trình biên tập kinh điển Phật giáo như thế nào; “Thuyết Nhất Thiết hữu Bộ Vi Chủ Ðích Luận Thư Dữ Luận Sư Chi Nghiên Cứu” – giới thiệu quá trình hình thành tư tưởng Hữu bộ và nội dung ý nghĩa các tác phẩm của phái này; “Sơ kỳ Ðại thừa Phật giáo chi Khởi nguyên dữ Khai triển”- giới thiệu quá trình hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa, tư tưởng chính và tính đặc thù của từng bộ kinh… để cho người nghiên cứu người dịch thấy rõ Phật giáo Ấn Độ có nhiều tông phái khác nhau, tư tưởng khác nhau. Tất cả những Thánh điển của những bộ phái này đều được phiên dịch và biên tập trong bộ Hán dịch “Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh”, nhưng lại không ghi rõ Kinh, Luật, Luận nào thuộc bộ phái nào. Điều đó dễ dàng dẫn đến sự nhầm lẫn quan điểm của bộ phái này hiểu thành bộ phái kia, nếu việc đọc hiểu đã không đúng thì làm sao dịch cho đúng được. Đó chính là lý do tại sao Trung tâm dịch các loại sách mang tính chìa khoá, làm rõ nội dung ý nghĩa của các kinh luận… được biên tập trong Đại tạng kinh, trước khi tiến hành phiên dịch kinh điển.
Bìa sách Nghiên cứu tư tưởng Như Lai tạng
Nay tác phẩm “Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng” của Ấn Thuận, được các thành viên của Trung tâm dịch và xuất bản cũng không ngoài lý do này, nhằm giới thiệu giới nghiên cứu người Việt thấy rõ trong quá trình phát triển tư tưởng Phật học ở Ấn Độ, sau thời kỳ Duy thức học, trong Phật giáo Đại thừa xuất hiện tư tưởng Như Lai tạng (tathāgata-garbha), cho rằng trong thân của mỗi chúng sanh có một cái gọi là Như Lai Tạng, cái ấy hoàn toàn thanh tịnh bất diệt. Tư tưởng này nhằm trả lời câu hỏi: Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi Niết bàn? Ở đây trả lời Như Lai tạng thường trụ bất diệt.
Qua đó cho thấy, quá trình diễn biến tư tưởng trong Phật giáo ở Ấn Độ khá phức tạp, nhưng khá thú vị. Do vậy, việc nghiên cứu Phật học ở Việt Nam, nếu chúng ta không am tường tư liệu, không thấu rõ phương diện diễn biến này, thật khó tránh khỏi sự ngộ nhận.
Hy vọng nội dung thảo luận của Hoà thượng Ấn Thuận trong tác phẩm này gợi ý cho độc giả thêm một ý kiến để chúng ta rộng đường tìm ra chân lý.
Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền
Giám đốc
Thích Hạnh Bình