Nếp sống của chư Tăng – HT Thích Chơn Thiện

Hình Nếp sống của chư Tăng – HT Thích Chơn Thiện
- Tác giả: admin
Mục lục bài viết:

LTS. Phật học khái luận do HT.Thích Chơn Thiện biên soạn, in lần đầu vào năm 1993, sau đó tái bản nhiều lần, là một bộ cẩm nang giá trị dành cho người học Phật các truyền thống, được chư tôn Trưởng lão uyên thâm Phật pháp đánh giá rất cao. Ở số này, GN trích giới thiệu lại cùng quý độc giả một phần trong đó, liên hệ đến nếp sống Tăng (trong Tam bảo), tưởng niệm tác giả – HT.Thích Chơn Thiện vừa viên tịch.

Gọi là Tỳ-kheo đối với những vị nào xuất gia có tuổi đời từ hai mươi tuổi trở lên và được thọ Cụ túc giới (Ni thì phải có hai mươi hai tuổi đời), các vị dưới hai mươi tuổi thì phải hành đạo trong một thời gian cho đến tuổi hai mươi. Trong thời gian này, các vị này chỉ thọ Sa-di giới (cho Tăng) và Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na giới (cho Ni). Các vị Sa-di thường y chỉ, nương tựa vào các bậc Trưởng lão hay Thượng tọa, hoặc làm thị giả riêng cho quý vị Trưởng lão, Thượng tọa, và chịu trực tiếp sự hướng dẫn, giáo dục của quý vị này. Trong trường hợp chứng đắc A-la-hán quả, dù chỉ dưới mười tuổi, các Sa-di được Thế Tôn cho thọ Cụ túc giới và tuyên bố giữa Tăng chúng để chư Tăng biết mà cung kính đối xử.

Nếp sống của chư Tăng - HT Thích Chơn Thiện image-1731930931238

HT.Thích Chơn Thiện với chư vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội – Ảnh: Yên Hà

Các vị Tỳ-kheo mới thọ giới Cụ túc hay mới nhập đạo, thường chịu sự hướng dẫn, giáo dục trực tiếp của hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, đặc biệt là Tôn giả Xá-lợi-phất. Thế Tôn dạy Tôn giả Xá-lợi-phất hướng dẫn chư Tăng cho đến quả vị Tu-đà-hoàn, và Tôn giả Mục-kiền-liên hướng dẫn từ quả vị Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán.

Tất cả chư Tăng trong đoàn thể Giáo hội sinh hoạt giữ cùng chung một Giới bổn, mỗi nửa tháng đọc tụng một lần vào ngày 15 và 30 âm lịch (theo lịch Tàu). Trong những năm đầu, Thế Tôn thân hành tụng Giới bổn cho đến khi trong chúng có người phạm trọng giới. Ðây là truyền thống của chư Thế Tôn. Từ khi có Tỳ-kheo phạm trọng giới, Thế Tôn giao lại việc tụng đọc Giới bổn cho Tôn giả Ưu-ba-ly. Tôn giả Ưu-ba-ly thường phụ trách việc tụng đọc Giới bổn từ đó cho đến mãi về sau. (Xem Tăng chi III-A, tr.135).

Hàng năm, chư Tăng, Ni an cư vào mùa mưa. Tất cả trở về sống chung trong các tịnh xá lớn và các trú xứ nhỏ hơn. Trong thời gian này, chư Tăng không đi khất thực, đã có thiện nam, tín nữ, đến tại trú xứ “để bát” và lo tứ sự cúng dường. Cứ đến ngày Bố-tát (Uposatha), tụng đọc Giới bổn, thì tất cả đều quy tụ về quanh Thế Tôn. Chư Ni thì có đại diện đến xin lãnh giới ở chư Tăng và trở về trú xứ riêng của Ni để tụng đọc Giới bổn Ni.

Vào ngày Tự tứ, ngày kết thúc của mỗi mùa an cư, Thế Tôn và chư Tăng làm lễ Tự tứ. Lễ này được cử hành rất trang nghiêm, nhưng rất đơn giản, được tổ chức ngay giữa trời, hay trong một khu rừng.

Trong ba tháng an cư mùa mưa, chư Tăng chuyên học hỏi Phật pháp và hành trì Thiền định dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn và chư vị Trưởng lão.

Ngoài ba tháng an cư, chư Tăng đi vào một sinh hoạt mới, được mở rộng. Chư Tăng được tung ra khắp các phương hướng, đi đến các trú xứ khác nhau, trong các quốc độ, vừa khất thực để độ nhật, vừa thuyết pháp độ sinh, và vừa nỗ lực tinh cần tiếp tục hành thiền để đoạn trừ các lậu hoặc.

Thông thường, chư Tăng ở các trú xứ chung quanh Thế Tôn thì có một số sinh hoạt nhất định trong mỗi ngày. Sáng thì đi khất thực khắp các nẻo đường, thứ tự từng nhà, không phân biệt; khất thực xong, các vị trở về trú xứ riêng hay đến dưới gốc cây trong các khu rừng để độ ngọ (ăn trưa). Sau bữa ăn, các vị rửa bát, xếp gọn các y, ngơi nghỉ trong chốc lát, liền lại đến một gốc cây hay căn nhà trống, ngồi kiết-già lưng thẳng, để niệm trước mặt và hành Tứ niệm xứ hay niệm hơi thở vào, hơi thở ra.

Vào xế chiều (sau khi chỉ tịnh, chư Tăng hoàn toàn không ngủ trưa), Thế Tôn hay Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp. Thỉnh thoảng có các thời pháp do các Tôn giả khác phụ trách. Thời gian có thể kéo dài. Sau thời pháp, chư Tăng nghỉ ngơi bằng cách đi bách bộ, luôn luôn giữ mình trong phương châm “Nói năng như Chánh pháp và im lặng như Chánh pháp”. Ðiều này có nghĩa là hoặc bàn luận Phật pháp (nói năng), hoặc ngồi Thiền định (im lặng).

Suốt năm canh của một đêm, chư Tăng ngồi thiền và đi bách bộ vào canh một; ngủ nghỉ canh hai; ngồi thiền và bách bộ vào canh ba; ngủ nghỉ canh tư; và lại ngồi thiền và bách bộ ở canh năm. Chư Tỳ-kheo luôn luôn giữ mình trong nếp sinh hoạt đều đặn. Mọi việc tương hệ, sinh hoạt nhỏ khác thì căn cứ vào Giới bổn để xử lý.

Phần y phục, chỗ nghỉ (sàng tọa) và thuốc men thì đã có cư sĩ Cấp Cô Ðộc, nữ cư sĩ Lộc Mẫu (Visakhà) cùng với các thiện nam, tín nữ khác lo.

Thường ngày, vẫn thường có các thí chủ, trai chủ đến cung thỉnh Thế Tôn và chư Tăng đi thọ trai. Chư Tỳ-kheo được phép thọ biệt thỉnh, nghĩa là được mời dùng cơm riêng ở các tư gia. Sau mỗi bữa cơm trưa cúng dường, Thế Tôn hay một Đại Tôn giả thường ban một thời pháp ngắn như là một thời kinh tùy hỷ và chúc lành.

Thế Tôn cũng đi khất thực và cũng thọ trai theo thể thức biệt thỉnh, tùy theo nguyện vọng của các thí chủ, trai chủ.

Việc nhận lời thọ trai không phân biệt sang hèn, có uy quyền hay không của các trai chủ: trai chủ nào thỉnh trước thì được Thế Tôn nhận lời trước, như trường hợp một kỹ nữ, cô gái vườn xoài, thỉnh được Thế Tôn và Tăng chúng, trong khi các hoàng tử đến muộn hơn nên không được Thế Tôn nhận lời thọ trai trong cùng ngày. Sau lời tác bạch cầu thỉnh thọ trai của trai chủ, Thế Tôn thường yên lặng nhận lời, nếu chưa có người thỉnh trước. Ðây là thái độ có tính truyền thống của chư Thế Tôn: yên lặng là tỏ sự đồng ý.

Trong chín tháng sau mùa mưa, chư Tăng được phép độc cư Thiền định trong các khu rừng.

Việc nói Pháp của chư Tôn giả hoàn toàn thuần túy giáo lý giải thoát, và được trình bày một cách rất xác thực, cụ thể, minh bạch và đúng pháp. Chư Tăng không được phép biểu dương các Thần túc thông (các phép mầu), Thiên nhĩ thông hay Tha tâm thông. Chư Tăng vận dụng thân giáo và khẩu giáo. Phần ý giáo chính là công việc giảng dạy và học tập thường kỳ của chư Tăng và cư sĩ. Thế Tôn luôn luôn nhấn mạnh đến Giáo hóa thần thông. Ngài nhàm chán và ghê tởm các pháp thuật, thần thông.

Chuyện kể, một lần ngoại đạo sư biểu diễn thần thông đi lướt nổi trên mặt sông Hằng, từ bờ này qua bờ kia, và thách thức Thế Tôn làm như vậy. Thế Tôn ôn tồn hỏi ngoại đạo sư do tu tập bao lâu mà được kết quả thần thông ấy. Ngoại đạo sư ấy đáp là ba mươi năm. Thế Tôn mỉm cười nói: “Ta chỉ cần có ba xu là qua được bên kia sông Hằng” (nghĩa là đi đò).

Câu chuyện nói lên rõ thái độ sống rất thực, rất tự nhiên và rất người của Thế Tôn, vừa nói rõ thái độ coi nhẹ các thần thông của Thế Tôn.

Thế Tôn xây dựng việc tu tập và việc nói Pháp của chư Tăng trên căn bản Giới bổn, Thiền định và Trí tuệ, tuyệt đối không đi ra ngoài các sinh hoạt đó. Về các nghi thức tế lễ, Thế Tôn dạy giới đàn tế lễ tốt là cúng hoa trái; tốt hơn nữa là bố thí; tốt hơn nữa là trì giới; tốt hơn nữa là hành Thiền định; và tốt hơn nữa là hành Trí tuệ để đoạn trừ các lậu hoặc. Thế Tôn hoàn toàn không khích lệ chư Tăng sống dựa vào mong cầu, cầu nguyện hay vọng ngoại mà chỉ có chú tâm tỉnh giác, chánh niệm tu tập. Mỗi lần, Thế Tôn hỏi một số Tỳ-kheo đang theo Thế Tôn đi dọc bờ sông Hằng rằng: “Nếu có một đám dầu nổi trên mặt nước, và có các lễ sư thông thạo trong việc cúng lễ cầu nguyện ngồi ở trên bờ, các lễ sư cầu nguyện cho đám dầu chìm xuống, có được không?” – “Bạch Thế Tôn, không”, chư Tăng đáp. “Nếu có một viên đá chìm xuống lòng sông, các lễ sư ấy cầu nguyện cho viên đá nổi lên được không?” – “Bạch Thế Tôn, không”, chư Tăng đáp. Thế Tôn dạy: “Ðúng vậy”, và tiếp tục cuộc hành trình.

Câu chuyện này nói lên rõ ràng không phải là việc tế lễ đoạn trừ các nghiệp, các lậu hoặc; mà là việc tu tập để đoạn trừ các nghiệp, các lậu hoặc.

Trên mọi nẻo đường khất thực và hoằng hóa, Thế Tôn và chư Tăng luôn luôn đi chân không và đi bộ với bình bát trên tay. Giản dị chỉ có thế, chư vị không dùng xe cộ và các thần thông. Hình ảnh nổi bật nhất là cho đến khi nghe Thế Tôn vừa nhập diệt ở Kusinàra, bấy giờ Tôn giả Mahà Kassapa (Ðại Ca-diếp) đang trên đường về từ Pàva đến Kusinàra, Tôn giả tiếp tục đi bộ về, tuyệt đối tôn trọng hành trì lời dạy của Thế Tôn, không sử dụng thần thông ngay cả thời điểm tối quan trọng này.

Hẳn nhiên, Thế Tôn vẫn rất tế nhị và rất kín đáo, dùng thần thông xuất hiện trước các hội chúng để giáo hóa. Bấy giờ Thế Tôn dùng thần thông để đóng vai trò hệt một người trong hội chúng, nhưng tuyệt nhiên nội dung giáo hóa vẫn là Giới, Ðịnh, Tuệ qua thân giáo và khẩu giáo.

Lịch sử ghi lại, chỉ có Tôn giả Mục-kiền-liên là có dùng thần thông, thi thố để hàng phục một số các ngoại đạo sư manh động và kiêu mạn. Trường hợp này Thế Tôn có quở trách. Tuy vậy, chúng ta cũng nhận ra được bối cảnh truyền đạo, hành đạo quá khó khăn và phức tạp thời đó đòi hỏi sự có mặt của Tôn giả Mục-kiền-liên với việc sử dụng các đại thần thông của Tôn giả.

Cho đến đây, chúng ta thấy nếp sống của chư Tăng thật là giản dị, rất gần gũi với thiên nhiên; cho đến cuối đời vẫn nhẹ nhàng và giản dị.

Ðiển hình là chính Thế Tôn, là bậc Thiên Nhân Sư, vô thượng ở đời, Ngài vẫn dung dị trong tấm y vàng; có những lúc chỉ mặc y phấn tảo, đi chân không, dùng tấm lót ngồi (tọa cụ) đan bằng cỏ khô; có những lúc Ngài trú mưa qua một đêm trong chái nhà lá của thợ làm đồ gốm một mình. Ngài sinh ra dưới cội cây, xuất gia tu tập dưới cội cây, Thành đạo dưới cội cây và nhập Niết-bàn cũng dưới cội cây, chỉ đơn giản nằm nghiêng trên chiếc võng dây treo giữa hai cây tàla. Cuộc sống ấy dung dị nhưng thơ mộng biết bao! Ðẹp đẽ biết bao! Xúc cảm biết bao! Chính những hình ảnh, những nét vẻ dung dị đó là những hào quang tối thượng và kỳ diệu nhất để cho đời chiêm ngưỡng. Ôi! Thật là tuyệt diệu! Ðấy là suối nguồn cảm hứng cho những bức danh họa, cho những vần thơ kỳ ảo, cho những bản nhạc tuyệt vời và là cho cuộc đời những ý sống dạt dào.

Xúc cảm về nếp sống đó của chư Tăng, đời sau đã có sáng tác bốn câu kệ mô tả:

“Nhứt bát thiên gia phạn,

Cô thân vạn lý du.

Kỳ vi sanh tử sự,

Thuyết pháp độ xuân thu”.

Tạm dịch:

“Một bát cơm ngàn nhà,

Một thân vạn dặm xa,

Chỉ vì chuyện sanh tử,

Nói pháp độ người qua”.

Trong tập “Thiền đạo tu tập”, bản dịch của Như Hạnh, đã thi hóa bốn câu kệ trên như sau:

“Một bát cơm ngàn nhà,

Thân chơi muôn dặm xa,

Mắt xanh xem trần thế,

Mây trắng hỏi đường qua”.

“Cô thân” trong bài kệ không nên hiểu là chỉ một mình theo nghĩa thông thường, mà phải hiểu là một mình theo nghĩa Thế Tôn dạy ở Tương ưng bộ kinh III, tr.11-12, rằng: “Thế nào là kẻ du hành một mình?” – “Ðấy là người ly hoàn toàn tham ái và chấp thủ”. Nếu còn tham ái, chấp thủ thì gọi là du hành hai mình hay du hành có gia đình.

Tỳ-kheo Thích Chơn Thiện

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Mục lục bài viết: Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả

Chư hành giả cùng ôn lại tư tưởng giải thoát của Hòa thượng Giác Huệ

Mục lục bài viết: PHĐS: Như mọi ngày, 8g sáng ngày 5/12/2024 (nhằm 5/11/Giáp Thìn) chư hành giả vân tập về giảng đường Giác Huệ cùng nhau lắng nghe sự chia sẻ từ Hoà thượng Giác Pháp, UVHĐTS, Phó thường trực Ban thường trực Giáo phẩm Hệ phái, phó Ban tổ chức khoá tu về

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Mục lục bài viết: Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này

Gập ghềnh con đường đến trường

Mục lục bài viết: Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức

Sống tích cực là con đường tới thành công

Mục lục bài viết: Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Mục lục bài viết: Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Mục lục bài viết: Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Mục lục bài viết: Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều