Trong mùa xuân, thiên nhiên tự làm mới lại, con người cũng tự làm mới lại thân tâm mình, mọi vật đều cố gắng chuyển hóa thành mới, trong sạch, thanh tịnh. Đạt đến sự thanh tịnh, trong mát, không phiền não nhiễm ô, bình an và hạnh phúc, đó phải chăng là ước mơ và hành động, dầu vô ý thức, của tất cả một đời người?
Kinh Đại Bát-nhã nhiều lần nói sắc, tức là sự vật, vốn là thanh tịnh:
“Sắc thanh tịnh tức là trí huệ ba la mật thanh tịnh” (phẩm Tín hủy) “Tất cả pháp thanh tịnh nên thanh tịnh này thanh tịnh” (phẩm Thán tịnh). “Tất cả các pháp bản tánh thanh tịnh. Ở trong các pháp đó, nếu Bồ tát tâm thông đạt chẳng mê mờ, đó chính là Trí huệ Bát-nhã ba-la-mật” (phẩm Thông đạt).
Sắc hay sự vật thanh tịnh là đang thanh tịnh, chứ không phải đã thanh tịnh hay sẽ thanh tịnh. Vì “Hoặc có Phật hay không có Phật, những pháp tướng này luôn luôn thường trụ không khác, vì pháp tướng, pháp trụ, pháp vị thường trụ chẳng sai chẳng mất vậy” (phẩm Vô tác).
Tâm thanh tịnh thì thấy tất cả đều thanh tịnh, như Kinh Duy Ma Cật nói: “Tùy tâm mình thanh tịnh thì thấy cõi Phật thanh tịnh” (phẩm Nước Phật). Thật ra bản tánh của tâm thức chính là trí huệ Bát-nhã, thường chiếu sáng tất cả pháp khiến tất cả pháp hiển lộ thật tướng thanh tịnh của chúng:
“Trí huệ ba-la-mật hay chiếu sáng tất cả pháp, vì rốt ráo thanh tịnh vậy” (phẩm Chiếu minh).
Bản tánh của tâm thức vốn là trí huệ Bát-nhã, vốn là thanh tịnh, vô lậu, không từng có nhiễm ô:
“Tâm phàm phu cũng là vô lậu, chẳng bị dính lấm, trói buộc, vì là tánh Không vậy. Tâm Thanh Văn, tâm Độc giác Phật, tâm chư Phật cũng là vô lậu, chẳng bị dính lấm, trói buộc, vì là tánh Không vậy.
Sắc cũng là vô lậu, chẳng bị dính lấm, trói buộc, vì là tánh Không vậy” (phẩm Đoạn các kiến).
Tâm và cảnh đều vô lậu, chẳng bị dính lấm trói buộc, nên vốn là thanh tịnh. Tin và sống được điều này thì đây là đời sống chân thật, tự do và an vui.
Sắc hay sự vật vốn là thanh tịnh, do đó được gọi là Như:
“Sắc là tướng Như, Bát-nhã ba-la-mật là tướng Như: Như duy nhất, không hai, không khác. Nhẫn đến nhất thiết chủng trí là tướng Như, Bát-nhã ba-la-mật là tướng Như: Như duy nhất, không hai không khác” (phẩm Xu hướng Nhất thiết trí).
“Vì các pháp rốt ráo thanh tịnh, các pháp là tướng Như” (phẩm Đại Như).
Trong mùa xuân của trí huệ Bát nhã, tất cả đều thanh tịnh, đều Như. Cuộc chiến chống lại phiền não sanh tử, cuộc chiến để thoát khỏi khổ đau đã dứt bặt. Tất cả đều một màu bình tịnh của một mùa xuân không có bắt đầu nên cũng không chấm dứt.
Sắc hay sự vật cũng chính là tự do giải thoát, vì vô biên, vô lượng: “Vì sắc là Không, vì thọ tưởng hành thức là Không nên vô số, vô lượng, vô biên. Các pháp là Không nên vô tận, vô số, vô lượng, vô biên” (phẩm Thâm áo).
Một sắc là vô tận, vô lượng, vô biên nên mở ra thu nhiếp toàn bộ vũ trụ. Trong mùa xuân Bát-nhã này, một đóa hoa bao gồm toàn bộ vũ trụ, và toàn bộ vũ trụ phản chiếu trong một đóa hoa.
Trong cái thấy của trí huệ tánh Không, không những thế giới sự vật vô tình là thanh tịnh, mà thế giới chúng sanh hữu tình cũng thanh tịnh, vì tất cả phiền não đều vô tự tánh:
“Vì bổn lai chúng sanh thường thanh tịnh vậy. Này Kiều Thi Ca! Do nhân duyên này, vì chúng sanh vô biên nên biết Bát nhã ba la mật cũng vô biên” (phẩm Tán hoa).
Trong trí huệ Bát nhã, không những không gian thanh tịnh mà thời gian cũng thanh tịnh:
“Này Tu Bồ Đề! Vì quá khứ thanh tịnh nên vị lai và hiện tại thanh tịnh. Vì vị lai thanh tịnh nên quá khứ và hiện tại thanh tịnh. Vì hiện tại thanh tịnh nên quá khứ và vị lai thanh tịnh.
Tại sao thế? Vì hiện tại thanh tịnh cùng với quá khứ và vị lai thanh tịnh không hai không khác, không dứt không hoại vậy” (phẩm Tín hủy).
Tất cả các pháp đều thanh tịnh, thanh tịnh cho đến rốt ráo chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm:
“Đức Phật nói: Này Tu Bồ Đề! Vì sắc thanh tịnh nên Bát nhã ba la mật thanh tịnh. Vì thọ tưởng hành thức thanh tịnh nên Bát nhã ba la mật thanh tịnh. Này Tu Bồ Đề! Nếu sắc chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch thì gọi là sắc thanh tịnh” (phẩm Vô tác).
Trong mùa xuân trí huệ Bát-nhã, mọi vật đều sáng sạch, mở rộng đến vô biên, nghĩa là tự do vô biên, nhưng trong ấy không phải rỗng không một cách vô cơ, vô tình mà có tình thương nhuần thấm, bao bọc khắp, liên kết mọi sự với nhau. Một mùa xuân ấm áp, chan hòa nắng ấm. Trí huệ luôn luôn đi liền với từ bi, trí huệ chính là từ bi.
“Do nhân duyên này nên nói rằng Đại thừa đồng đẳng với hư không cũng dung thọ vô lượng vô biên vô số chúng sanh” (phẩm Đẳng Không).
Sự dung thọ tất cả chúng sanh của tánh Không chính là từ bi, và cả hỷ xả, tức là Bốn tâm vô lượng. Thế nên thực hành Đại thừa là thực hành trí huệ tánh Không cùng với từ bi:
“Ngài Tu Bồ Đề nói: Này ngài Xá Lợi Phất! Tôi muốn khiến Đại Bồ-tát thực hành Bồ-tát đạo chẳng rời niệm này: chính là niệm đại bi.
Bấy giờ Đức Phật khen: Lành thay, lành thay! Đây chính là trí huệ Bát-nhã của Đại Bồ-tát. Ai muốn nói thì phải nói như vậy. Tu Bồ Đề nói về Bát nhã ba la mật đều là tuân theo ý của Phật. Đại Bồ tát học Bát nhã ba la mật phải học như lời Tu Bồ Đề nói” (phẩm Vô sanh).
Trí huệ và từ bi là hai yếu tố căn bản của nền tảng Đại thừa. Chúng ta luôn luôn sống trong mùa xuân vĩnh cửu của trí huệ và từ bi ấy, dù có ý thức hay không, nhiều hay ít. Kho tàng thanh tịnh, tự do và ấm áp này là có sẳn, và chúng ta luôn luôn sống trong kho tàng ấy:
“Bát-nhã ba-la-mật là kho thanh tịnh. Vì sắc thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật là kho thanh tịnh” (phẩm Kinh nhỉ văn trì).
Phật Di Lặc Từ Thị là người sống trọn vẹn trong kho thanh tịnh ấy, nên ngài luôn luôn cười, nụ cười hỷ xả, tượng trưng cho mùa xuân bất tuyệt.
Trước khi nói Kinh Đại Bát-nhã, trong phẩm đầu tiên, chúng ta thấy Đức Thích Ca cũng hiển lộ mùa xuân trí huệ và từ bi ấy:
“Tất cả lỗ chân lông khắp thân của Phật cũng đều mỉm cười, phóng ánh sáng chiếu khắp cõi Đại thiên suốt đến hằng sa thế giới ở mười phương”(phẩm Tự).
Kinh dạy chúng ta phải biết “hộ trì, an trụ trong Bát-nhã ba-la-mật” (phẩm Kiên cố). Dầu chỉ một ngày, dầu chỉ một niệm, “có thể làm, có thể học đúng như lời, quan sát đúng như trong Bát nhã ba la mật, siêng năng tinh tấn đầy đủ thì lúc phát khởi một niệm sẽ được vô lượng vô biên vô số phước đức” (phẩm Thâm áo).
Nói theo đời thường, chỉ một niệm, chỉ một ngày sống trong kho tàng mùa xuân Bát-nhã cũng đủ mãn nguyện cho cả một đời người.
Nguyễn Thế Đăng
(Giác ngộ)