Ở Bạc Liêu, trong sự giao thoa lâu dài và dung hợp văn hóa, tín ngưỡng, người Kinh vẫn cúng mùng 5 tháng 5 như một mốc trong các lễ dân gian, một dấu hiệu chia sẻ văn hóa hay…
Bánh ú bằng lá tre là món ăn truyền thống khi tiết Đoan ngọ đến. Ảnh: Xuân Hải
Bạc Liêu nằm trong vùng “phủ” cộng đồng bà con gốc Hoa cư trú từ lâu đời trong hơn 1 triệu người Hoa ở Nam Bộ. Nguyên gốc địa danh BẠC LIÊU cũng được diễn giải theo từ Hán, phiên âm theo cách đọc gốc “pò léo”, điều đó giải thích tỉ lệ dân tộc Hoa ở thành phố Bạc Liêu rất cao, và theo đáy là văn hóa- ẩm thực- tín ngưỡng- tập quán cùng đặc thù kinh tế thưỡng mãi rất riêng.
Theo địa giới hành chính Bạc Liêu hiện nay, một phần của Minh Hải cũ, ngoài thành phố tỉnh lỵ, người Hoa trãi rộng theo đúng câu “nhất cận thị nhị cận giang”, phổ dân cư choán hầu hết các đô thị lớn nhỏ gần sông gần đường lớn, hình thành các bổn phố sầm uất: Hòa Bình, Phước Long, Giá Rai, Gành Hào… Và, ở những chốn ấy tất yếu tồn tại rất lâu đời các miếu mạo thờ Thần dung chứa văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa dược mang từ cố quốc cùng phong tục tập quán đặc sắc.
Mưa lất phất, xin mạo muội mô tả chút xíu về tết Đoan Ngọ của Người Hoa Bạc Liêu trong cái “phông” chung của văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa.
Tục truyền, lại có căn cứ sử liệu vững, về nhân tài kiệt xuất Trung Hoa cổ đại – thi sĩ Khuất Nguyên, minh triết vạn vật cùng thời cuộc, vì tấc lòng không được “chia sẻ” – theo ngôn từ bây giờ- khuyến tấu cùng triều ca Trung Hoa thời ấy không thành, đã phẫn uất trầm mình tự tử trên sông để lại câu truyền đời “đời đục hết chỉ mỗi mình ta trong”. Từ đấy, dân gian lấy ngày Ông tử tiết, mùng 5 tháng 5 âm lịch, cúng kính vọng trang trọng và gọi “tết Đoan Ngọ”, ghi dấu ấn một nhân tài Trung Hoa trong dòng chảy lịch sử.
Các bổn phố chuẩn bị cho ngày tết này: bánh ú gói bằng lá tre (?!), chì trôi nước (cg. Chè sôi nước- Nam Bộ)..và tề tựu ở các miếu cùng chung tay quét tước vệ sinh bày biện. Người ta nhân đấy, tổ chức tiệc mang đậm nét ẩm thực Trung Hoa: vịt quay, giò heo bách thảo..ăn kèm bánh bao. Lễ chính được cử hành ở miếu, các chức sắc long trọng dâng lễ thánh thần tổ tiên trong khói hương , xướng giọng lớn tên từng món ăn và phẩm vật, chuyền tay nhau kính cẩn dâng lên ban thờ chính trong tiếng trống dồn. Kết thúc, lộc: những phần thức ăn hay trái cây, được chia như chia sẻ may mắn phúc lộc. Nếu có điều kiện, từng phần lộc ấy được phân phát từng nhà trong bổn phố.
..Khi ấy, từng gia đình người gốc Hoa lập ban thờ ngoài trời hay trong nhà trang trọng cúng Tết Đoan Ngọ tại gia.
“Tình tiết” thú vị nay không hay ít thấy do môi trường xuống cấp: bổn phố tắm sông! Sự tắm mang tính tượng trưng tưởng nhớ thi sĩ Khuất Nguyên song rất vui, ồn ả.
Ở Bạc Liêu, trong sự giao thoa lâu dài và dung hợp văn hóa, tín ngưỡng, người Kinh vẫn cúng mùng 5 tháng 5 như một mốc trong các lễ dân gian, một dấu hiệu chia sẻ văn hóa hay.
Quê tôi đang mưa lất phất, bánh ú lá tre được bày bán ở nhiều nơi và hơi hướng Tết Đoan Ngọ đã rất gần…
Nguyện cho quốc thới dân an mưa thuận gió hòa nhà nhà no ấm, bằng an.
Bạc Liêu, 17/6/2018 (mùng 4/5 âm lịch)
Nguyễn Thành Công