Niệm chết hay tưởng chết là một trong những đề mục tu tập quan trọng trong giáo pháp Thế Tôn. Mạng người chỉ trong hơi thở, thở ra mà không thở vào tức qua đời khác. Thường tư duy, nhớ nghĩ, tưởng niệm về sự mong manh của đời người như thế thì “sẽ thoát sanh, già, bệnh, chết, sầu lo khổ não”.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy tu hành về tưởng chết, tư duy tưởng chết.
Khi ấy có Tỳ-kheo Thượng tọa bạch Thế Tôn:
– Con thường tu hành tư duy tưởng chết.
Thế Tôn bảo:
– Thầy tư duy tu hành tưởng chết thế nào?
Tỳ-kheo bạch Phật:
– Con tư duy tưởng chết rằng: ‘Chỉ còn sống bảy ngày nữa, nên tư duy thất giác ý, ở trong pháp Như Lai có nhiều lợi ích, sau khi chết không hối hận’. Bạch Thế Tôn, con tư duy tưởng chết như thế.
Thế Tôn bảo:
– Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Đây chẳng phải tu hành về tưởng chết. Đây gọi là pháp phóng dật.
Lại có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Con có thể kham nhẫn tu hành tưởng chết.
Thế Tôn bảo:
– Thầy tu hành tư duy tưởng chết thế nào?
Tỳ-kheo bạch Phật:
– Nay con nghĩ rằng: ‘Ý muốn còn có sáu ngày, suy nghĩ Chánh pháp Như Lai rồi sẽ chết. Điều này có ích’. Con tư duy tưởng chết như thế.
Thế Tôn bảo:
– Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Thầy cũng theo pháp phóng dật, chẳng phải là tư duy tưởng chết.
Lại có Tỳ-kheo bạch Phật: ‘Muốn còn năm ngày, hoặc bốn ngày, hoặc ba ngày, hai ngày, một ngày’.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Đây cũng là pháp phóng dật, chẳng phải là tư duy tưởng chết.
Khi ấy lại có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Con có thể kham nhẫn tu hành tưởng chết như vầy: Con đến giờ đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, xong lại ra khỏi thành Xá-vệ trở về chỗ mình. Về trong thất vắng, con tư duy thất giác ý rồi mạng chung. Đây là tư duy tưởng chết.
Thế Tôn bảo:
– Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Đây cũng chẳng phải tư duy tu hành tưởng chết. Lời nói của các Thầy đều là hạnh phóng dật, chẳng phải là pháp tu hành tưởng chết.
Lúc đó Thế Tôn lại bảo Tỳ-kheo:
– Người có thể làm được như Tỳ-kheo Bà-ca-lợi. Đây gọi là tư duy tưởng chết. Tỳ-kheo ấy khéo hay tư duy tưởng chết, chán ghét thân này là nhơ nhớp bất tịnh. Nếu Tỳ-kheo tư duy tưởng chết, buộc ý ở trước, tâm không di động, nhớ số hơi thở ra vào, qua lại, trong đó tư duy thất giác ý, thì ở trong pháp Như Lai được nhiều lợi ích. Vì sao thế? Tất cả các hạnh đều không, đều tịch; khởi và diệt đều là huyễn hóa, không chân thật. Thế nên Tỳ-kheo! Nên ở trong hơi thở ra vào mà tư duy tưởng chết thì sẽ thoát sanh, già, bệnh, chết, sầu lo khổ não. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học như vậy!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 40.Thất nhật [2.trích],
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.49)
Có không ít người nghĩ rằng, luôn niệm tưởng về sự chết sẽ khiến cho người ta chán sống, không có ý chí phấn đấu vươn lên. Kỳ thực, ai không nhớ nghĩ về sự chết thì người ấy mới không thực sự sống, ảo tưởng về sự sống. Sinh mạng vô thường, giây phút trước còn phút giây sau mất là sự thật, không ai có thể dám chắc về giây phút tiếp theo.
Người luôn nhớ nghĩ về sự thật này, họ biết rõ giá trị và trân quý từng phút giây hiện tại của sự sống. Lúc này, người ấy sống với tâm thái nhẹ nhàng hơn, biết rõ vô thường nên tùy duyên mà nắm bắt hay buông xả. Người ta khổ đau nhiều vì vô tình hay cố ý quên đi sự thật này. Mọi tham lam, thù hận, si mê sẽ giảm bớt nếu ta nhận ra sự sống của mình chỉ trong hơi thở.
Mặt khác, khi nhớ nghĩ về sự mong manh của kiếp người, chúng ta cố gắng làm ngay những gì có thể cho mình, cho người thân và xã hội mà không hẹn hay lần lữa. Mỗi ngày đi qua thì đời sống ngắn lại, đến gần với sự chết hơn. Rõ biết vô thường nên người đệ tử Phật sống trọn vẹn, sống hết mình, tu học càng tinh tấn hơn.
Quảng Tánh