Mẹ ơi, lúc nào đến chùa con cũng nghe nhiều người nói đến chữ Phước, vậy nó có nghĩa là gì hở mẹ?
Con gái à! Nếu truy nguyên ra ngữ nghĩa của chữ Phước hay Phúc, thì dài dòng lắm. Tựu trung, con chỉ cần biết nôm na rằng: Phước chính là niềm vui trong cuộc sống. Người có phước thì gặp toàn chuyện may mắn, ấm no hạnh phúc. Ngược lại, người thiếu phước thì cuộc sống luôn đối mặt với vô vàn éo le, cay đắng. Trong nhân gian vẫn thường nói: “hữu phước hữu phần”, hoặc “phước địa đãi phước nhân”. Phước không phải tự dưng mà có, tất cả đều phải do tự thân tạo lấy. Nói khác đi, “có nhân lành thì mới gặt được quả ngọt”.
– Thế con phải làm gì để có phước hở mẹ?
– Nếu gặp được quý thầy thì con sẽ được chỉ dạy nhiều hơn. Ở đây, mẹ chỉ khuyên con nên chuyên cần lễ Phật, ra đường lễ phép hòa nhã với mọi người. Thấy ai đói rách thì thương, không được nói càn làm bậy, a dua với kẻ xấu là được con ạ.
– Mẹ ơi, vậy mấy người hay chở phẩm vật từng xe từng xe đến cúng dường, chắc họ có phước lớn lắm phải không mẹ?
– Còn tùy theo nữa con ạ, nếu họ cúng dường chỉ vì mục đích cầu danh hay cầu lợi thì có thể họ sẽ được cái họ cần, nhưng phước thì không được là bao. Con nên biết, danh và lợi sẽ phôi phai theo năm tháng, nhưng phước đức thì còn mãi với thời gian. Đến lúc lâm chung, danh lợi đều vô nghĩa, chỉ có phước đức là của hồi môn vô giá có thể mang theo mà thôi. Ví dụ: con đi ra nước ngoài, bắt buộc phải đổi tiền ra dollar mới sinh hoạt dễ dàng được. Cũng vậy, lúc về cảnh giới bên kia, nếu con không có phước đức để mang theo, chắc chắn sẽ gặp khó khăn như ngươi không có dollar vậy.
– Cũng có lý đó mẹ ạ! Nhưng trừu tượng quá, liệu thế gian họ có tin như thế không mẹ?
Việc này tùy theo căn cơ của mọi người. Ai hiểu thì hành chứ biết làm sao hơn. Nếu như ai cũng ngộ ra thì không còn là cõi đời nữa. Làm phước làm thiện đâu phải chờ đến lúc giàu có, hay làm những việc to lớn có trống đánh chiêng khua mới gọi là…mà lắm lúc những việc tưởng chừng như cỏn con thầm lặng, vẫn có giá trị của nó. Nhiều hạt cát góp lại cũng thành bãi sa mạc đó con ạ. Ngày xưa, bát cơm xiếu mẫu tuy bé nhỏ, nhưng lúc Hàn Tín quay lại trả ơn thì là vô giá. Cho nên, tạo phước không nên câu nệ, không mặc cảm rằng phẩm vật cúng dường bố thí của mình là nhỏ bé không đáng gì. Hơn thua nhau tấm lòng gởi gắm trong đó mà thôi.
– Mẹ à! Sách có câu: “cao lễ dễ thưa”. Người đời vẫn thường nhìn vào lễ vật để thể hiện sự khinh trọng khác nhau là sao vậy mẹ?
– Thói đời vẫn thế đó con ạ, nhưng cõi trên thì rất vô tư và rất công bằng. Họ chứng cái tâm và ghi nhận phước đức của bất cứ ai gieo mà không hề nhìn vào kích cỡ của lễ vật. Người nhận bố thí cúng dường mà biết đem của cải đó làm lợi lạc quần sanh thì mới đáng quý. Nếu làm khác đi thì tội báo phải mang lấy mà thôi.
– Con cảm ơn mẹ!
Hồ Văn Nhật
Trích Hương Từ Bi số 8