Hôm nay chủ nhật, khách lên chùa hành hương lễ Phật đông hơn ngày thường. Các Thầy tri khách, thị giả có vẻ bận rộn, ai cũng nói cười, không khí trở nên vui hơn…
Hôm nay chủ nhật, khách lên chùa hành hương lễ Phật đông hơn ngày thường. Các Thầy tri khách, thị giả có vẻ bận rộn, ai cũng nói cười, không khí trở nên vui hơn. Riêng Thầy Nhật Trung an nhiên nhìn những cánh hoa lan màu trắng đang mơn mởn dưới ánh nắng ban mai dìu dịu nhẹ nhàng, thật là màu tinh khiết của giống lan Hồ Điệp. Không gian nơi đây hài hoà và dễ chịu. Nơi Thầy ở là một mái nhà tranh nằm trong khuôn viên chùa, được gọi là “tịnh thất”. Đó là thế giới của riêng Thầy. Mọi người đến đây đều có chung cảm giác dễ chịu với không gian thoáng mát hài hoà. Tịnh thất nằm lọt giữa những lớp phong lan và cây cảnh. Chúng đua nhau tỏa hương khoe sắc như mời khách hãy cùng Thầy tận hưởng sự tự tại an nhiên. Khách sẽ được hưởng, được thưởng thức không khí trong lành sau những ngày mệt nhọc với công việc. Nhớ lại hồi đó, vào một ngày không nắng lắm, vị Sư trụ trì tiếp một người khách viếng chùa trẻ tuổi rất “model”, từ mái tóc đến trang phục đúng là “mốt”. Với tinh thần bác ái, đầy lòng vị tha và từ bi vô hạn, chỉ qua một lần tiếp xúc, Sư trụ trì đã cảm hóa người thanh niên ấy một cách lạ thường. Ngày tháng dần trôi, chàng thanh niên trở thành Phật tử thuần thành của ngôi chùa ấy. Khi ấy, tôi được biết, đây là ngôi chùa gắn liền với cuộc đời hành đạo của Sư ông, nó được mang tên là Điền Thọ. Từ khi khai sơn, Sư ông đã chọn nơi đây làm chốn Già lam cho tăng chúng tu học. Sau khi Sư ông viên tịch, Sư trụ trì hiện tại đã nối gót hành đạo, Sư luôn che chở đùm bọc những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn. Một hôm, Sư trụ trì gọi chàng thanh niên và bảo: “Sư xuất gia cho con nhé!”. Theo truyền thống của Tông môn, lễ thế phát xuất gia được tiến hành hàng năm vào mùa Phật Đản. Tuần sau là rằm tháng tư. Bất ngờ và đột ngột, hơi lúng túng, chàng thanh niên trả lời: “Sư cho con suy nghĩ lại”. Sư trụ trì đáp lại bằng ánh mắt cảm thông ẩn sau nụ cười khó tả. Có lẽ đức hạnh được toả ra từ thân giáo của Sư, là sức mạnh thần kỳ đã níu giữ chân anh ta ở chùa suốt hai năm qua. Chàng nghĩ thầm: Có một ma lực nào chăng? Hay quá cảm kích Sư trụ trì? Bao ý nghĩ đắn đo, thêm vào đó là sự quyết định quá nhanh, chưa kịp chuẩn bị, khiến anh ta cảm giác choáng vì chỉ còn hơn một tuần, mặc dù anh ta đã tự dặn lòng là phải thử thách với chính mình. Mùa Phật Đản đã đến, chàng thanh niên thanh lịch ngày nào có vẻ phóng thoáng đã trở thành vị tu sĩ và được Sư phụ đặt tên là Nhật Trung. Lễ thế phát duy chỉ có Sư phụ và vài huynh đệ, không người thân bạn bè chứng kiến. Đối với Nhật Trung, nơi nương tựa gởi gắm cuộc đời chỉ có Phật Pháp và Ân Sư, đó là niềm tin tuyệt đối. Còn nhớ năm đó, sau một đêm dài thức trắng với không khí đón giao thừa, chỉ mình Thầy ấy với mùa xuân lạnh lẽo, yên tĩnh giữa rừng tràm thanh vắng, một mình trong tịnh thất, lần đầu tiên Thầy sống thực với chính mình. Chung quanh Thầy chỉ có bàn thờ Phật, kế là chiếc bàn nhỏ đặt chậu mai vàng và chiếc mâm xếp trái cây tươi, bên ngoài các nàng hoa đang đón chúa xuân. Thầy tự nhủ: Sự thật này là phù du hay ảo tưởng? So sánh 20 mùa xuân đã qua, nào pháo hoa, bè bạn, người thân. Ôi! sao tịch mặc…! Xuất gia ở tuổi trưởng thành, cộng thêm tình cảm của Sư phụ dành cho mình đầy bao dung, luôn dang tay dắt dìu đệ tử, dù không nói ra nhưng Nhật Trung cảm nhận ở Sư phụ một tình cảm sâu kín tận đáy lòng sánh như cha con. Sư phụ ít nói nhưng Nhật Trung rất kính và sợ, mãi đến bây giờ vẫn không muốn xa Sư phụ. Được ở cốc một mình, ngoài công việc của đại chúng, của chùa, Nhật Trung dành thời gian cho thế giới của riêng mình. Chăm sóc cây kiểng, sửa lại những giò lan, tưới cho chậu hồng, chậu mai ít nước, như cùng muốn cùng san sẻ cuộc sống đầy yêu thương cho tất cả. Những tưởng cuộc sống đã yên và nơi đây là điểm dừng chân cuối cùng, nhưng sự đời có lúc lại không như những gì mình mong muốn. Như những cơn sóng, bao thăng trầm bão tố, chướng duyên nối nhau ập đến. Mâu thuẫn, cay đắng, phủ phàng nào biết bày tỏ cùng ai! Sau những lần như thế, sự quyết định một lần nữa bị phân vân! Nên về hay nên ở? Nên tiếp tục tu hay hoàn tục? Bao nhiêu câu trả lời vây quanh Nhật Trung. Ngán ngẫm sự đời, vào đạo lại mông lung, bao trăn trở lẫn đắng cay giờ đây chỉ một mình quyết đoán. “Một mình, một cốc, một vườn hoa”, trầm ngâm, suy tư, bao đêm nước mắt ngắn dài. Giờ đây, đọc lại câu kinh “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển” Nhật Trung càng thấm thía sự tình. Biết rõ tâm nguyện thị hiện ứng thân độ sanh của Bồ-tát Quán Thế Âm, Nhật Trung đã gởi trọn bao suy tư cho Ngài và đêm đêm cầu nguyện. Đúng là mầu nhiệm. Ngày tháng dần trôi, bao ưu phiền tan biến. Tâm hồn Thầy giờ đây đã như những cánh hoa lan tràn đầy nhựa sống. Nhật Trung hiểu vì sao mình là người rất thích săn sóc hoa lan. Đêm nay vầng trăng mười sáu soi từ mọi ngóc ngách của khu vườn. Dường như trăng cũng đang ngắm vườn hoa. Nhật Trung hé của bước ra để cùng trăng thưởng ngoạn, chợt giật mình nhìn thấy bóng Sư phụ đứng cạnh cốc tự lúc nào. Dù không nói, nhưng dường như lúc nào Sư phụ cũng chia sẻ với Nhật Trung. Hơn bao giờ hết, Nhật Trung thấy ấm áp và có lỗi với Ân Sư, nghĩ mình đã tu mà tâm còn vọng động. Những phút giây ấy, tự cõi lòng Thầy lại ngân vang giọng Ân Sư trầm ấm: “Phật dạy: Tất cả đều do duyên sinh và cũng do duyên diệt”. Ngắn gọn mà mầu nhiệm đến không ngờ! Chẳng khác cơn mưa sau một mùa nắng cháy, mọi nóng bức ngột ngạt tiêu tan. Cõi lòng lật qua trang mới. Trăm ngàn lần Thầy thầm kính đảnh lễ Ân Sư, sám hối trước Tam Bảo, cảm thấy mình thật sự trưởng thành và dõng mãnh tiến bước trên lộ trình giải thoát. Và từ đây lòng dặn lòng thôi nhớ, thôi thương…
Trung Từ / Phật học đời sống