Cư sĩ mặc pháp phục Tăng sĩ là hiện tượng khá phổ biến trong Phật giáo Việt Nam, dẫn đến nhiều ngộ nhận đau lòng…
Làm thế nào để phân biệt đâu là tu sĩ hay cư sĩ khi họ tham gia chương trình thi ca nhạc hay biểu diễn nhạc?
“Từ góc độ khách quan, rất khó phân biệt đâu là Tăng sĩ, đâu là cư sĩ. Người tham gia phải biết mình là ai, Tăng sĩ hay cư sĩ, để ứng xử thích hợp. Ngộ nhận về hình thức Tăng sĩ là do cư sĩ mặc pháp phục xuất gia. Dù giới luật Phật không cấm cư sĩ mặc pháp phục như Tăng sĩ, đã đến lúc Hiến chương GHPGVN và Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hóa nên sớm bổ sung quy định “không cho phép cư sĩ mặc pháp phục xuất gia”. Đây là cách xây dựng hình ảnh người xuất gia có lý tưởng tu học cao quý. Cư sĩ mặc pháp phục Tăng sĩ là hiện tượng khá phổ biến trong Phật giáo Việt Nam, dẫn đến nhiều ngộ nhận đau lòng. Hiện tượng giả sư đi khất thực (mà thực chất là đi xin tiền), giả sư bán nhang, giả sư vận động xây chùa, làm từ thiện, giả sư làm việc bậy… ngày càng tinh vi và phức tạp. Quần chúng và Phật tử không thể phân biệt đâu là thật, giả, dẫn đến sự mất tín tâm của nhiều người.
Thượng tọa Thích Nhật Từ
Tại sao không có hiện tượng giả linh mục, giả giáo sĩ các tôn giáo khác mà chỉ có giả sư trong đạo Phật? Đó là do cơ chế quản lý của Phật giáo quá lỏng lẻo. Nội quy các ban ngành chuyên trách thuộc Trung ương Giáo hội không quy định đâu là pháp phục Tăng sĩ và cư sĩ. Pháp phục tu sĩ bán tràn lan tại các các chùa. GHPGVN không cấm cư sĩ mặc pháp phục Tăng sĩ bằng văn bản. Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát, Ban Tăng sự, Ban Văn hóa chưa phối hợp với các cơ quan Nhà nước nhằm phát hiện và nghiêm trị những kẻ giả sư.
Hơn nữa, về pháp phục Tăng sĩ, trên nguyên tắc cái gì không cấm thì được phép… đã dẫn đến nhiều tình huống cười ra nước mắt. GHPGVN cần pháp quy hóa những quy định về người xuất gia và tại gia để tránh bị lẫn lộn, lạm dụng, hiểu lầm, gây hoang mang và đánh mất niềm tin của quần chúng”.
TT.Thích Nhật Từ