Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã dành trọn đời để thuyết pháp độ sinh. Ngoài việc trao truyền các phương pháp tu tập để chuyển mê khai ngộ, Ngài rất chú trọng đến các vấn đề quốc gia và xã hội. Theo Đức Phật, một quốc gia hùng mạnh, khiến các nước lân bang nể trọng, không dám lăm le xâm chiếm, không đơn thuần là chuyên phát triển về quân sự và kinh tế, mà trên hết cần thành tựu sự “yên dân” (Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân-Nguyễn Trãi). Cụ thể, nếu thành tựu bảy pháp dưới đây thì “không bị giặc ngoài phá hoại”.
Không bị giặc ngoài phá hoại
“Một thời Phật ở thành La-duyệt trong vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo năm trăm người. Bấy giờ, vua A-xà-thế nước Ma-kiệt nói với quần thần rằng:
– Nước Bạt-kỳ rất thịnh vượng, dân cư đông đúc. Ta sẽ chinh phạt chiếm đất nước đó.
Lúc ấy, vua A-xà-thế lại bảo Bà-la-môn Bà-lợi-ca rằng:
– Nay ông đến chỗ Thế Tôn, đem tên họ ta thăm hỏi Thế Tôn, lễ kính, thừa sự rồi thưa rằng: ‘Vua A-xà-thế bạch Đức Thế Tôn, vua có ý muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ có được hay không?’ Nếu Như Lai có nói gì, ông hãy khéo suy nghĩ rồi về nói cho ta. Vì sao thế? Như Lai nói không hai lời.
Bấy giờ Bà-la-môn vâng lời vua dạy, đến chỗ Thế Tôn, thưa hỏi rồi ngồi một bên. Khi đó, Bà-la-môn bạch Phật:
– Vua A-xà-thế lễ kính Thế Tôn, thừa sự, thăm hỏi.
Và Bà-la-môn ấy bạch thêm rằng:
– Ý vua muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ, trước đến hỏi Phật xem có được không?
Khi ấy Thế Tôn thấy Bà-la-môn kia lấy y che đầu, chân mang giày ngà voi, lưng đeo kiếm bén, chẳng nên thuyết pháp cho ông ta. Thế Tôn mới bảo A-nan:
– Nếu dân chúng Bạt-kỳ tu bảy pháp thì trọn không bị ngoại xâm tiêu diệt. Thế nào là bảy? Nếu nhân dân Bạt-kỳ tụ tập một nơi không phân tán thì không bị nước khác phá hoại. Đó là pháp đầu tiên không bị giặc ngoài phá hoại.
Lại nữa A-nan, người nước Bạt-kỳ trên dưới hòa thuận, thì nhân dân Bạt-kỳ không bị người ngoài cầm giữ. A-nan! Đó là pháp thứ hai không bị giặc ngoài phá hoại.
Lại nữa A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không dâm dục với đàn bà của người khác. Đó là pháp thứ ba không bị giặc ngoài phá hoại.
Lại nữa A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không đem việc ở đây truyền đến chỗ kia, cũng lại không đem việc đàng kia truyền lại đàng này… Đó là pháp thứ tư không bị giặc ngoài phá hoại.
Lại nữa A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, thừa sự, lễ kính người Phạm hạnh… Đó là pháp thứ năm không bị giặc ngoài phá hoại.
Lại nữa A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không tham lam tài sản của người khác… Đó là pháp thứ sáu không bị giặc ngoài phá hoại.
Lại nữa A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ đều đồng một lòng, không theo thần tự, chuyên tinh ý mình, liền chẳng bị giặc ngoài phá hoại. Đó là pháp thứ bảy không bị giặc ngoài phá hoại.
A-nan, đó là người Bạt-kỳ tu bảy pháp này, trọn không bị giặc ngoài phá hoại.
Khi ấy Phạm chí bạch Phật:
– Dù cho người nước Bạt-kỳ chỉ thành tựu một pháp thôi, cũng không thể phá hoại được, huống là đến bảy pháp thì làm sao phá hoại được. Thôi, thôi! Bạch Thế Tôn, việc nước bề bộn tôi muốn trở về chỗ mình…”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 40.Thất nhật [trích],
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.24)
Rõ ràng, một quốc gia mà toàn dân “đoàn kết, hòa thuận, không phóng dật, nội bộ không xào xáo, tôn trọng người chân tu, không tham lam, biết tu học chuyển hóa phiền não”, nói theo ngôn ngữ hiện đại nếu quốc gia nào xây dựng được xã hội dân sự “đạo đức, dân chủ, công bằng, văn minh” thì trở nên hùng mạnh, “không bị giặc ngoài phá hoại”. Kinh văn nhấn mạnh, chỉ cần thành tựu một yếu tố thôi cũng đủ để lân bang kiêng dè, huống hồ có tất cả bảy pháp.
Liên hệ với tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay, khi mà bên ngoài biên giới và hải đảo đang có tranh chấp, bên trong thì tham nhũng và xuống cấp đạo đức hoành hành, thiết nghĩ những lời dạy của Đức Phật rất đáng để mọi người suy ngẫm và ứng dụng nhằm dựng xây đất nước ngày càng trở nên hùng mạnh khiến cho các thế lực ngoại xâm, bành trướng phải chùn bước.
Hơn ai hết, người Phật tử vâng theo lời Phật dạy, nỗ lực và tự giác thực thi bảy pháp trong đời sống cá nhân và cộng đồng. Đó cũng là đóng góp thiết thực cho việc dựng xây và bảo vệ đất nước.
Quảng Tánh