Nói chung, thức và ngủ là những giấc mộng khi sống mà chúng ta chưa có ai làm chủ được! Vậy thì khi chết chúng ta sẽ làm chủ được không?
Lý Bạch, nhà thơ danh tiếng nhất Trung Hoa đã xác định:
“Xử thế nhược đại mộng…”
và thắc mắc:
“Hồ vi lao kỳ sinh?”
Được dịch:
Ở đời như giấc mộng to
Cớ sao mà nhọc, mà lo sự đời?
Tản Đà, nhà thơ lớn của Việt Nam lại thách thức:
“Đố ai nằm ngủ không mơ?”
Như vậy, trong cuộc sống chúng ta có hai loại giấc mộng:
– Thức mộng, ngủ mộng.
– Sống mộng, chết mộng.
Thử hỏi trong chúng ta có ai đã làm chủ được những loại giấc mộng ấy chưa?
Thật vậy, người học trò, sinh viên trong khi học hành, thi cử có thí sinh nào dám khẳng định là mình sẽ đậu 100% không?
Nhà nông khi gieo, cấy lúa có người nào dám bảo đảm “mùa này sẽ bội thu hơn mùa trước” không? Cho đến thương gia đâu dám tự hào là hàng hoá của mình đắt đỏ, và nhà chức trách, dân biểu đâu chắc chắn được việc hành chánh, ứng cử của mình là tốt đẹp, đắc cử…
Đó là ban ngày, trong khi thức! Còn nói đến khi ngủ, chẳng những ban đêm, mà cả những giấc ngủ ban ngày, chúng ta cũng có được những giấc mộng vui, buồn, khổ đau, sung sướng v.v… Lúc thức dậy nhiều khi chúng ta nhớ rất rõ ràng, rành mạch, nhưng chắc chắn là tốt ít-xấu nhiều, mừng ít–lo nhiều!… Thử hỏi trong chúng ta có ai dám bảo là làm chủ được giấc mộng trong khi ngủ?
Nói chung, thức và ngủ là những giấc mộng khi sống mà chúng ta chưa có ai làm chủ được! Vậy thì khi chết chúng ta sẽ làm chủ được không?
Đạo Phật dạy, sau khi chết, chúng ta sẽ đi vào một trong sáu con đường: Trời, người, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh; tuỳ theo mức độ ăn ở, tu hành… Ngoại trừ thành Phật, thành Thánh hay sanh về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà theo tông Tịnh độ.
Cho đến, nói chung chúng ta – những nhà tu hành (theo đạo Phật) có vị nào khẳng định được nơi mình sẽ đến chưa? Hay vẫn là:
“…Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng…” (Quy Sơn Cảnh Sách).
(…Đường trước mờ mờ, chưa biết về đâu!…).
Hoặc lập luận như Ni sư Diệu Nhân đời Lý:
“Sanh lão bệnh tử
Tự cổ thường nhiên…”.
(Sanh già bệnh chết,
Từ xưa vẫn thường).
Và giải quyết vấn đề một cách dễ dàng:
“… Dục cầu thoát ly
Giải phược thiêm triền…”.
(Muốn cầu thoát ly,
Mở trói thêm buộc…)
Cũng là điều hay, nhưng ít ai làm được!
Cuối cùng rồi sẽ ra sao, sau khi chết và trong lúc sống?
Có chăng, theo chúng tôi, chúng ta nên cầu nguyện và thực hành ba bài nguyện: “Nguyện tiêu, nguyện sanh và nguyện dĩ thử công đức..” là đơn giản và thiết thực nhất!
TT. Thích Giải Quảng
Giáo thọ môn Sử Phật Giáo – trường trung cấp Phật học Đồng Nai