Tôi đã đặt chân trên nhiều ngả đường đất nước, nhưng không phải với riêng tôi, con đường bắt đầu từ ngả ba chùa Đại Ninh dẫn vào thôn làng hẻo lánh Phú An mãi là con đường hạnh nguyện.
Từ thưở cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm trác tích khai sơn đến nay đã hơn 50 năm, các bậc danh tăng, ẩn sĩ đã đặt chân lên con đường cát mịn này dẫn vào tĩnh xứ, dẫn vào cô am và dẫn vào diệt độ. Hòa thượng Thích Tâm Thanh, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Ni trưởng Hải Triều Âm, và biết bao trang Thích tử đã mở ra bước ngoặc đời mình khi đã một lần đặt chân lên Hương lộ Phú An. Biết bao Phật tử trong nước đến hải ngoại, những người tầm phương học đạo, tao nhân mặc khách, và cả các em thơ chập chững vào đời, đã vô tình nhón chân vào đạo, khi thiên tải nhất thì chạm chân lên con đường nhỏ liêu xiêu. Tôi chợt nhớ 2 câu thơ, hình như là của Thiền sư Viên Chiếu:
“Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”
Suốt tuổi hành điệu hầu Thầy, tôi không hiểu được 3 chữ “nghi vô lộ”. Mãi đến lúc trưởng thành, bỏ chùa bỏ chúng ra đi tìm lối thoát, tìm kiếm mãi giữa bộn bề nhân thế, năm năm, mười năm, tìm mãi mới thấy ra dẫn lộ. Ở đâu vậy, Ở ngay trên lối về im lặng giữa cô thôn, nơi mình từ đó ra đi. Tôi dịch hai câu thơ trên mà tự cho rằng đó là bản dịch câu này đạt nhất:
“Ngỡ cuối biển đầu non là tuyệt lộ
Giữa mịt mùng hoa liễu hiện cô thôn”.
Ngày xưa, Hương lộ Phú An chỉ là con đường cát mịn. Mỗi khi mưa xuống, cát ở đây chảy về phủ mịn con đường sạch như rửa. Tôi vẫn thường trốn Thầy tôi ra đường, bỏ dép, để 2 chân dẫm lên lối cát mịn màng, dịu êm và thỏa thích. Cây đa bên đường tỏa bóng, gốc to hơn cả một lâu đài, con đường dẫn đến bờ sông, nơi Thầy tôi từng bắt cầu cho xóm thôn qua lại, sát bờ sông cũng là một tàng cổ thụ, thấp thoáng ngôi miếu cổ cạnh thảo am. Một chút âm linh phảng phất rờn rợn tâm thức tuổi thơ của chú tiểu miền quê tóc còn để chỏm, tất cả đã làm nên những giai điệu trữ tình bàng bạc trong những trang thơ:
“Chiều theo gió xuống tự chân mây
Chiều xuống lưng đồi bên khóm cây
Cây leo xuống cỏ vờn thăm cỏ
Lìa cỏ chiều ra bến nước đầy…”
(Chiều Xuống – Nhất Thanh).
Hay có khi là một chút trần gian len giữa tâm hồn thuần tịnh:
“Cô thôn chiều nước mây trôi
Từ em muôn thuở về ngồi bến sông
Sông ơi xanh thẳm phương lòng
Hương trời sắc nước trắng trong diệu vời
Ta về hạnh ngộ chao ơi
Rưng rưng cúi lạy đất trời em qua
Chắc chiu một dáng hiền hòa
Lá cây lá cỏ cũng hòa rung ngân
Đưa em về cõi tâm xuân
Chiều cô thôn nhẹ ngập ngừng hương bay…”
(Cô Thôn – Nhất Thanh).
Vậy đó, vẫn rất chi trần gian tục lụy, Thầy tôi đã đưa tôi vào con đường hạnh nguyện. Lửa đã thắp, pháp đã tràn, và đường xưa mở lối. Sáng kệ chiều kinh, triêu mộ nhị thời, 2 kỳ sóc vọng. Vầng trăng xưa mãi mãi là chứng nhân cho bao đến đi tụ tán. Dân chúng hai bên đường ngày một đông hơn, am thất liêu xiêu hóa thành tự viện. Thầy tôi vận động làm đường, bắt cầu qua sông, hạ thế điện lưới… Xóm làng thay da đổi thịt thì sứ mệnh hoằng sanh cũng phải luân lưu trên nhịp cầu tương ứng. Người tu sĩ Phật giáo Đại thừa cũng phải tư duy để kịp cùng đời sống. Rồi vậy đó, theo định luật vô thường thành trụ hoại không, các bậc tôn sư cũng dần ra đi vào cõi vô tung vô tích. Chỉ còn ở đây và bây giờ, người ở lại, làm gì để khỏi thẹn lòng với những dấu chân xưa…
Nguyên Hiền