Thế giới hiện có 1,13 tỷ người sống chung với bệnh cao huyết áp, chủ yếu tập trung tại châu Á và châu Phi.
– Vì sao nên kiểm tra huyết áp vào buổi sáng?
Theo kết luận của Majit Ezzati, giáo sư sức khỏe môi trường từ Đại học Hoàng gia London (Anh) trên tờ The Lancet ngày 15/11, số người huyết áp cao đã tăng gần gấp đôi từ năm 1975 đến 2015. Ở hầu hết các nước, đàn ông dễ bị cao huyết áp hơn phụ nữ. Trung Quốc, Ấn Độ là 2 quốc gia có số bệnh nhân bị cao huyết áp đáng báo động với lần lượt 226 triệu và 220 triệu người được ghi nhận.
“Tại châu Á, tuổi thọ tăng đi cùng tỷ lệ cao huyết áp tăng”, Ezzati giải thích. Ông bổ sung hiện tượng này do sự hạn chế về thực phẩm tươi, sạch cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Các số liệu chứng tỏ “huyết áp liên quan đến đói nghèo”.
Hơn 1 tỷ người trên thế giới bị cao huyết áp
Cao huyết áp được xác định là tình trạng huyết áp tâm thu từ 140 mm Hg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mm Hg trở lên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính huyết áp cao gây ra 7,5 triệu cái chết mỗi năm, tương đương 13% ca tử vong trên toàn cầu. Có nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh như ăn quá mặn và quá nhiều kali, tiếp xúc với chì do ô nhiễm không khí, thiếu chẩn đoán và điều trị kịp thời hoặc mang gen di truyền. Ngoài ra, trẻ em suy dinh dưỡng dễ bị cao huyết áp lúc trưởng thành.
Năm 2011, WHO từng thiết lập mục tiêu giảm 25% số ca cao huyết áp vào năm 2025, song Ezzati nhận định tỷ lệ mắc bệnh sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới. Cao huyết áp đang dần trở thành mối đe dọa nguy hiểm hơn cả béo phì lẫn tiểu đường bởi có thể dẫn đến đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh thận.
Để cải thiện diễn biến cao huyết áp, Ezzati tin rằng cần đưa ra chiến lược như tăng cường nguồn hoa quả, rau củ tươi và viện trợ phục vụ nhu cầu dinh dưỡng. “Trên thực tế, người dân các nước nghèo không nạp đủ calories tốt”, vị giáo sư nói. “Phải ưu tiên đưa thực phẩm tươi, lành mạnh đến cho họ”. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cần cải thiện hệ thống chẩn đoán, điều trị huyết áp cao bởi “phòng chống thôi là không đủ”.
Minh Nguyên