Lâu nay, người ta thường nghĩ những cách thức hối lộ cụ thể, bằng vật chất, đã được “áp dụng” trong hàng nghìn năm nay, ở mọi nơi: hiện vật, hiện kim.
Vừa rồi, có dịp đến cửa công, chứng kiến một sự mà qua đó, với riêng tôi, có một phát hiện mới về sự hối lộ quen thuộc. Khi ông khách đến giao dịch hành chính dùng những lời lẽ vuốt đuôi lộ liễu, những mỹ từ tung hô đến phát ngượng, trước đông người- cô công chức trẻ đã có một ứng xử hay: cô đùa lại một chút, cho rằng không phải đưa tiền quà mới là hối lộ cán bộ, dùng lời lẽ ngon ngọt quá mức cũng là một hình thức hối lộ- hối lộ về tinh thần. Lần đầu tôi được nghe đến khái niệm này. Ông khách sượng đơ, còn tôi và (có lẽ) mọi người có mặt tại chỗ, phải suy ngẫm về chuyện này: hối lộ tinh thần.
Quả thật, khái niệm này không hề rỗng. Vào cửa công, bên cạnh quà cáp, hứa hẹn vật chất, thường thường những kẻ muốn nhận sự nhanh chóng, dễ dãi, đi ngang về tắt (chưa nói đến sai trái nghiêm trọng khác) thường mua lòng cán bộ bằng lời lẽ ngon ngọt, nịnh hót kiểu như ông khách đã làm với cô công chức nọ. Và chuyện này, chiêu này, có từ ngàn xưa. Ai cũng biết đến thói xàm nịnh trong cung cấm phong kiến, đã có hẳn những từ ngữ để chỉ “hiện tượng” này: nịnh thần. Đấy là nói quan với nhau, quan dưới với quan trên, với vua. Còn dân với quan, cũng có kẻ nịnh, tất nhiên.
Sự tác động của lời lẽ nịnh hót, bợ đỡ, với một số quan phụ mẫu chi dân là không phải bàn. Thực tế thì ít người dám ăn nói mạnh mẽ, thẳng thẳn với người có chức quyền. Thậm chí đến viết lách người ta còn tránh né, lạng lách chữ nghĩa cho ít đụng chạm, nói chi trực diện với các quan.
Thực tế thì vậy, song hầu như luật không đề cập cụ thể đến hiện tượng này, và do đó không có chế tài gì. Hối lộ bằng tiền bạc, quà vật thì có thể lập biên bản (cho dù ít khi), còn nịnh nọt, tung hô công chức cán bộ thì không nghe đá động đến. Có thể đây là một lổ hổng chăng?
Phật giáo coi trọng khẩu ngữ- lời nói. Trong ngũ giới cấm, đã có hẳn giới cấm về lời nói: ăn nói gian dối, đâm thọc, hai đầu, dùng lời lẽ ngon ngọt để mê hoặc người khác …là có tội, thậm chí là tội trọng. Và để tu, thì phải tu cả thân- khẩu và ý. Điều này rõ ràng là rất chí lý.
Nguồn cơn của hối lộ nói chung và hối lộ tinh thần như đã đề cập, có lẽ rất sâu xa trong số đông, gần như là một vấn đề “văn hóa”. Có lần, bà con chòm xóm của tôi thường xuyên đi cửa công làm chế độ chính sách- vì họ là đối tượng có công- mỗi lần đi lại một lần kể về đủ thứ nhiêu khê lệ nhiều hơn luật ở phòng này ban nọ, nghe mà nhức óc. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, họ kể để xả bớt tress thôi, chứ cuối cùng cũng chép miệng: ừ, thì phải ơn ích cho người ta. Như là chuyện nhẫn nhịn, quà biếu, cửa trước cửa sau là đương nhiên vì “người ta” ban ơn cho họ. Khi tôi phản đối: việc gì phải trả ơn, trách nhiệm của cán bộ công chức là phục vụ cho nhân dân mà, việc họ cung cấp dịch vụ công là trách nhiệm và đã được trả lương, không phải mang ơn. Mấy dì mấy thiếm phản đối kịch liệt: không ai nghĩ như chú đâu. Thế mới biết, đấy là vấn đề “văn hóa”, làm sao dễ dàng gỡ bỏ được, nó có từ ngàn xưa. Đến cửa quan phải khép nép, thưa bẩm, và xong một thủ tục nào đấy- dù là cỏn con- phải mang ơn trong lòng, có dịp phải trả cho người ta, nếu không trả được ngay hay trả trước! Nhiều người, ngay cả ngày nay, coi đấy là chuyện bình thường, đương nhiên. Cho nên, xuất phát từ tinh thần đó, sự “hối lộ tinh thần” là bước đầu trong qui trình hối lộ, dầu bôi trơn, bước khởi động, kế đấy là hiện vật hiện kim. Riết thành nếp, vào cửa công chẳng mấy ai ăn nói đỉnh đạc đường hoàng cho ra phong thái công dân, và cán bộ công chức có lẽ tự coi đấy cũng là một thứ “văn hóa” ở cửa công chăng?
Nhưng để kiểm soát sự hối lộ tinh thần- tạm gọi vậy- tạo ra bầu không khí lành mạnh, trong sạch ở cửa công, và khép thêm một vòng nữa cho nỗ lực phòng chống tham nhũng, có nên chăng lưu ý đến “hiện tượng” hối lộ “phi vật thể này”? Tất nhiên, đây cũng có thể coi là chuyện đùa cho vui, vì chỉ riêng ngăn chặn hối lộ “cổ điển” bằng vật chất đã gần như bó tay rồi, đúng không? Cá nhân tôi chưa phát hiện được bất kỳ câu chữ nào đề cập đến hình thức “hối lộ tinh thần” trong các văn bản pháp luật.
Nhưng hoàn toàn có thể tiếp cận vấn đề theo cách như qui định về tác phong trong công sở, kể cả tác phong của công dân trong giao dịch hành chính tại cửa công. Đã có qui định về thể thức và phong cách ngôn ngữ hành chính, thì hoàn toàn có thể có qui định về tác phong trong giao dịch hành chính trong mối quan hệ cán bộ- công dân.
Như vậy, rõ ràng cô công chức trẻ đã nói ở trên, đã nhìn thấy vấn đề.
Thành Công