Mỗi năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân ấm áp cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở khoe sắc thắm, mùa hạ chói chang tia nắng ban mai, mùa thu gió heo may se lạnh nhưng cũng đủ để mọi người xích lại gần nhau hơn, mùa đông lạnh giá khiến ai cũng e sợ mỗi khi ra đường.
Tôi lại thắc mắc rằm tháng Bảy sao gọi là mùa Vu Lan, một ngày lễ thôi nhưng cũng được gọi là một mùa, không được tự nhiên cho lắm. Mùa Vu Lan là mùa báo hiếu nhưng chẳng lẽ chỉ đơn thuần có một ngày mà người ta sẽ báo hiếu đủ một đời chăng? Bạn biết là không đủ mà, phải không?
Không phải tự nhiên mà Đạo Phật luôn dạy “hiếu hạnh vi tiên” – tức chữ “hiếu” luôn làm đầu, bởi lẽ “hiếu” là quan trọng nhất, là chuẩn mực đạo đức, là thước đo nhân sinh quan của mỗi con người trong xã hội. Tôi nhận thức được rằng, mình được sinh ra trong một gia đình Đạo Phật là hạnh phúc lớn lao và chữ “hiếu” đã thấm nhuần, ăn sâu trong tâm hồn thơ bé của tôi.
Hiếu thảo có muôn ngàn cách để thể hiện, muôn ngàn cách để cảm nhận, tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người. Từ nhỏ, tôi luôn chăm ngoan, học giỏi, vâng lời ông bà, cha mẹ, tôi luôn cố gắng sống thật tốt, trân quý từng giây phút hiện tại sống bên mẹ, và mẹ bảo như vậy là đã báo hiếu được ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Hay đơn thuần là giúp mẹ làm những việc nhỏ nhặt trong nhà, giúp cụ già qua đường hay chỉ đường cho em nhỏ… đó cũng là cách thể hiện chữ hiếu, qua thời gian những việc làm nhỏ nhặt đó đã hun đúc, rèn luyện cho tôi ngày càng tiến bộ hơn và đó cũng là quà tặng vô giá cho những bậc sinh thành.
Trong Kinh Phật dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì bằng bất hiếu, sinh ra thời không gặp Phật, khéo thờ cha mẹ tức thờ Phật, thờ trời đất, quỷ thần không bằng có hiếu với cha mẹ”. Tôi luôn tâm niệm, cha mẹ là người thương yêu tôi nhất, không bao giờ tính toán, đong đếm tình thương, không có gì sánh được. Tình thương ấy là một thứ tình cảm rất đỗi tự nhiên xuất phát và cảm nhận từ con tim, tôi thương mẹ, mẹ thương tôi, thế là đủ rồi. Vì vậy, dù trái đất có thay hình đổi dạng, dù cuộc đời có hàng vạn đau thương, dù đi đâu trên khắp nẻo đường, cha mẹ mãi là người tôi yêu thương nhất trong trái tim này.
Khi tôi trở bệnh nặng, chỉ có mẹ là người luôn túc trực, chăm lo cho tôi, để rồi những lời an ủi, động viên của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi chiến thắng bệnh tật và chỉ có mẹ cùng tôi bước qua những đau thương, vấp váp của cuộc đời.
Mỗi năm đều có một mùa Vu lan nhưng với tôi mỗi ngày đều là ngày báo hiếu cho cha mẹ tôn thân vì chữ hiếu luôn có sẵn trong tâm hồn của tôi. Tôi ước mình được cài mãi lên ngực áo những bông hồng đỏ tươi để biết rằng mẹ yêu vẫn còn mãi trên đời, đó là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của mỗi con người.
Xin bạn hãy yêu quý cha mẹ, hãy giữ gìn, nâng niu cha mẹ như một báu vật, như một viên pha lê trong sáng dễ vỡ vô cùng. Đừng để khi cha mẹ không còn nữa mới khóc than, sầu muộn, khi đó đã quá muộn màng, như dòng sông trôi đi không bao giờ trở lại. Và tôi mong rằng, tất cả mọi người: “Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ, nghe không?”
Diệu Hiếu
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, trang web Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)