Vừa qua, khi về viếng thăm chùa Văn Trai (Báo Ân Tự 報恩寺), thôn Văn Trai xã Văn Phú, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, chúng tôi được vị sư trụ trì cho tham khảo nguồn tư liệu nhà chùa[1]. Thông qua các văn bia còn xót lại, chúng tôi được biết chùa ra đời rất sớm, niên đại cũng không rõ ràng.
Chỉ biết được lần trùng hưng năm Bảo Thái triều Lê do phu nhân của Gia Quận Công đúng ra lo liệu. Đợt trùng tu này, hầu hết các công trình như thượng điện, tiền đường, hành lang, gác chuông, tam quan đều được tu sửa. Do có công như thế, hai vợ chồng Gia quận công được nhân dân địa phương bầu hậu thờ tại chùa. Lúc này không thấy ghi lại vị tăng sĩ trụ trì.
Hiện vườn chùa còn có mấy ngôi tháp, đáng chú ý là tháp Kim Liên và tháp Tường Quang, các ngôi tháp còn lại không biết tên và dùng để thờ vị nào. Lần theo con chữ trong văn bia tháp, chúng tôi mới nhận ra hai ngôi tháp thờ hai vị thiền sư đã được Kế đăng lục ghi chép lại hành trạng. Đây là dịp để chúng ta thẩm định lại sách và xác định rõ địa danh thời xưa được sách ghi chép. Xác định được vai trò của hai thiền sư trong công việc phát triển tông môn, xây dựng đạo tràng.
Ngôi tháp Kim Liên chỉ còn lại rất nhỏ, một tầng, biển đá đề “Kim Liên Tháp”. Văn bia ghi lại như sau: “Nam mô Kim Liên tháp Từ tâm hiếu hạnh phúc tuệ trang nghiêm chân tính tỳ kheo Tịch Truyền Nghiễm Nghiễm trí đức thiền sư hóa thân thiền tọa hạ”[2]. Theo Kế Đăng Lục ghi lại tiểu sư thiền sư như sau: “Đại sư Kim Liên Tịch Truyền, tổ đời thứ 78 thuộc kế đăng Hà Nội người Trình Viên, Thượng Phúc, trụ trì chùa Vân Trai. Ngài đi tu từ nhỏ, một hôm đến chùa Liên Tôn, đảnh lễ hòa thượng Từ Phong Hải Quýnh[3] cầu xin tế độ. Ngài là người từ bi đức hạnh, nghiêm trì giới luật, mỗi ngày 3 lần hành đạo lễ tụng. Sư thọ 70 tuổi thì cáo bệnh, bảo thượng thủ Tường Quang rằng: “Số đời ta như vậy”, ngày đó quay mặt về tây mà hóa. Các học trò thiêu thi hài, xây tháp, tạo tượng thờ phụng. khi ấy là năm Gia Long 15 (Bính Tý) (1816), phó chúc kệ rằng:
Tâm là phần có trước trời đất,
Thân là phần có sau trời đất.
Thân tâm trong trời đất,
Xoay vần liên tục thôi”[4].
Chúng ta có thể bổ sung tư liệu thiền sư thời Tây sơn. Theo Xuất gia Sa Di Quốc Âm Thập Giới ở phần cuối ghi lại tên người giám san như sau: “Kim Sơn quán tỳ kheo Tịch Truyền Nghiễm Nghiễm giám san, đệ tử sa di tự Chiếu Khoan Hạo Hạo trùng san”[5]. Vào đời Cảnh Thịnh, thiền sư Tịch Truyền đã từng trụ trì quán Kim Sơn. Hiện chúng tôi vẫn không biết quán Kim Sơn ở địa điểm nào. Có thể nằm trên địa bàn huyện Thường Tín bây giờ, gần chùa Hội và Vân Trai chăng? Do đó mà có một số thư tịch cho ngài có hiệu là Kim Sơn. Sư chính là vị đại đệ tử truyền pháp của thiền sư Hải Quýnh chùa Liên Tông, nhiều người lầm tưởng thiền sư trụ trì chùa Liên Phái. Tuy chỉ giữ chức trưởng sơn môn nhưng sư lại trụ trì chùa Hội, Vân Trai, Kim Sơn mà không kế đăng Liên Phái. Chùa Liên Phái theo các tư liệu cho biết sư đệ là thiền sư Tịch Thị trụ trì. Sư Tịch Thị vẫn còn tháp Chân Như thờ thiền sư sau chùa.
Vị kế đăng trụ trì chùa Vân Trai sau thiền sư Tịch Truyền là đại sư Chiếu Khoan. Theo Kế Đăng Lục ghi lại tiểu sư thiền sư như sau: “Đại sư Tường Quang Chiếu Khoan, tổ thứ 79 thuộc kế đăng Hà Nội. Sư người Tân Độ, Trình Viên, Hà Nội. Họ Nguyễn, thuở nhỏ xuất gia. Sư đến chùa Vân Trai, đảnh lễ hòa thượng Kim Liên y chỉ. Sư là người khiêm tốn, tiếp người hiền, tinh tu lục độ, ngày đêm sáu thời lễ tụng nhiễu Phật. Mỗi lần ngài gặp tăng chúng khiêm tốn lễ bái, không phân cao thấp. Phàm đến các nơi đều khuyên người diễn giải kinh điển, phóng sinh tu phúc, bố thí in kinh. Đối với ba y bình bát, tự mình mang theo không làm phiền người khác. Thiện tín qui y số tính không kể. Ba năm tịch cốc, sáu năm ăn uống một lần trong ngày. Phàm người cúng dường ngài đều phân phát cho chúng tăng, không dám ăn riêng. Lúc 70 tuổi, ngài bảo thủ tọa Từ Tính rằng: ta từ nhỏ đến già, chỉ nhất tâm niệm phật cầu sinh tịnh độ. Nay đến lúc về tây, hãy nghe câu kệ của ta:
Hạng người thứ nhất tu pháp vô vi
Hạng người thứ hai phúc tuệ song tu
Hạng người thứ ba hành thiện trừng ác
Hạng người thứ tư phải tinh thông tam tạng.
Nói xong, tức thời ngồi yên niệm Phật mà mất. Đệ tử xây tháp tạo tượng phụng thờ. Khi ấy là năm Canh Dần, Minh Mệnh 11 (1830)”[6].
Theo văn bia tháp Tường Quang ghi lại: “Nay thiền sư Chiếu Khoan trụ trì chùa Báo Ân, xã Vân Trai. Sư quê Thường Tín, Sơn Nam, chính tín xuất gia, đồng chân vào đạo. Sư trùng tu chùa chiền, trong ngoài trang nghiêm, thiện tín nghe tên, làng xã mộ đức…”[7]
Thiền sư Chiếu Khoan lúc còn sa di đã giúp thầy mình lo công tác trùng san tác phẩm Xuất Gia Sa Di Quốc Âm Thập Giới của tổ Như Trừng Lân Giác. Đây là một phật sư quan trọng nhằm bảo lưu tư liệu về văn học Phật giáo. Nhờ bản in này mà chúng ta có được một tư liệu quốc âm thời hậu Lê, với ngôn ngữ thật chân chất, một số từ việt cổ còn xót lại nhằm giúp cho nhà Ngôn ngữ học có cơ hội tiếp xúc với nhiều vốn từ cổ. Bản in này khắc năm Cảnh Thịnh 5 (1793). Theo một tờ chiếu của Vua Cảnh Thịnh[8], thời Tây Sơn cho biết chính sách của nhà nước đối với Phật Giáo lúc này cởi mở. Tuy không cho phép xây thêm chùa nhưng có nhiều biện pháp nhằm cho Phật giáo phát triển theo chiều tích cực. Cộng với chính sách xem trọng chữ nôm, do đó Tịch Truyền và Chiếu Khoan liền khắc in lại tác phẩm.
Theo bản in Kinh Kim Cương cho biết: “Thiền sư Chiếu Khoan Hạo Hạo trụ trì chùa Báo Ân đã cùng đàn na khắc in vào mùa đông năm Canh Thân (1800) dưới sự chứng minh của hòa thượng Hải Quýnh Chiêu Chiêu, viện Ly Trần, chùa Liên Tôn, bản sư tỳ kheo Tịch Truyền Nghiễm Nghiễm, quán Kim Sơn giám khắc”[9].
Trong bản in Chuẩn Đề Nghi Phạm có đóng chung với Chuẩn Đề Nghi tức nghi thức hành trì chú Chuẩn Đề cho biết vào năm Minh Mệnh 5 (1824), thiền sư Hạo Hạo, viện Tường Quang đã khắc in nghi thức này, bản lưu tại chùa Linh Bảo. Thiền sư Hạo Hạo đây chính là thiền sư Chiếu Khoan, trụ trì chùa Báo Ân. Theo tư liệu trên, chùa Báo Ân lúc này có một viện lấy tên là viện Tường Quang. Sau này khi thiền sư mất, đệ tử lập tháp lấy tên tháp cũng Tường Quang, do đó người ta hay gọi tên ngài là Tường Quang Chiếu Khoan, tức lấy tên viện để gọi tên, đây là một cách khiêm xưng theo các chùa tại Việt Nam.
Thiền sư Chiếu Khoan còn đứng in Đức sinh lục[10] vào năm Quí Hợi, bản lưu tại chùa Thiên Phúc, xã Đông Thai, huyện Thanh Trì. Khi đứng in sách, thiền sư có mời trưởng lão Thích Minh Minh viện Hoa Lâm chứng minh, tỳ kheo Tịch Giảng Nhất Nhất chùa Phù Ninh, tỳ kheo Tịch Tĩnh viện Từ Phong, tỳ kheo Vô Lự chùa Đa Bảo chứng san.
Về hệ thống truyền thừa và bài kệ truyền thừa, Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ ghi lại như sau: “khoảng triều Bảo Thái[11] nhà Lê, hòa thượng Viên Văn, người nước Đại Minh, lại truyền phái Lâm Tế, 48 chữ rằng:
“Trí tuệ thanh tịnh,
Đạo đức viên minh.
Chân như tính hải,
Tịch chiếu phổ thông.
Tâm Nguyên quảng tục,
Bản giác xương long.
Năng nhân thánh quả,
Thường diễn khoan hoằng.
Duy truyền pháp ấn,
Chính ngộ hội dung.
Kiên trì giới hạnh,
Vĩnh thiệu tổ tông”
Hòa thượng Viên Văn đến núi Tiên Du, trùng hưng chùa Phật Tích là đời thứ nhất. Truyền xuống đời thứ 2 hòa thượng Minh Lương, chùa Phù Lãng, núi Côn Cương; truyền xuống đời thứ 3 hòa thượng Chính Giác Chân Nguyên, chùa Long Động, núi Yên Tử; truyền xuống đời thứ 4 thượng sĩ Như Trừng, chùa Liên Tôn; truyền xuống đời thứ 5 hòa thượng Trạm Công Tính Tuyền, chùa Tam Huyền; truyền xuống đời thứ 6 tổ sư Từ Phong Hải Quýnh; truyền xuống đời thứ 7 đại sư Kim Sơn Tịch Truyền; truyền xuống đời thứ 8 đại sư Tường Quang Chiếu Khoan; truyền xuống đời thứ 9 đại sư Phổ Tính, núi Hùng Vương”[12].
Qua đó, chúng ta biết được hệ thống truyền thừa dòng Lâm Tế tại miền bắc được truyền thừa ở chùa Vân Trai. Chùa Vân Trai lúc này là tổ đình, nơi an cư kiết hạ của chư Tăng. Vai trò của ngôi chùa đối với phật giáo là không nhỏ. Từ Vân Trai nối kết với Liên Phái, Phúc Thung, Sùng Phúc (chùa Hội), Nghiêm Xá, Hàm Long, Đại Bi (chùa sét) tạo nên một hệ thống truyền thừa Phật giáo mạnh mẽ, góp phần phát triển chốn tổ Liên Tông.
Qua tiểu truyện của hai vị tổ sư chùa Vân Trai, chúng ta được biết vào thời Tây Sơn, Nguyễn sơ có các vị tổ sư hoằng truyền Phật giáo tại vùng Thường Tín. Họ đã đóng góp vào ngôi nhà Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn chuyển mình. Qua đó, chúng tôi thấy được tổ đình Vân Trai là một chốn tổ đã bị bỏ quên lâu nay, ít người biết đến. Thời Tây Sơn, Nguyễn, chùa là một trung tâm, được phật tử thường lui tới nghe pháp, là điểm an cư kiết hạ, là ngôi trường đạo tạo nhiều bậc thiền sư nổi tiếng.
Ngô Quốc Trưởng
(Đã đăng trong Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2 năm 2010, tr. 31-32, có bổ sung một số thông tin)
[1] Nhân đây, chúng tôi cám ơn Đại đức Nguyên Thiệp, trụ trì chùa đã tạo điều kiện giúp đỡ.
[2] Thác bản của chúng tôi. Chùa Hội (Sùng Phúc Tự) cũng ở Thường Tín có bia tháp ghi giống như vậy. Theo “Sùng Phúc Cúng Tổ Khoa” có ghi lại tên thiền sư. Như thế, thiền sư Tịch Truyền cũng trụ trì chùa Hội.
[3] Từ Phong Hải Quýnh (1728-1811), họ Nguyễn, người làng Nghiêm Xá, Quế Võ, Bắc Ninh. Năm 16 tuổi, ngài xuất gia với tổ Bảo Sơn Tính Thược, chùa Liên Phái. Ngài có nhiều đệ tử, mở mang thiền phái Liên tông. Ngài từng trụ trì các chùa như Liên Tông, Phúc Thung, Sùng Phúc (chùa Hội), Nghiêm Xá (chùa Hồng Ân).
[4] Như Sơn, Kế Đăng Lục, bản in năm 1907, Chùa Nguyệt Quang, Đông Khê trùng khắc, tờ 50b.
[5] Như Trừng diễn nôm, Xuất Gia Sa Di Quốc Âm Thập Giới, chùa Sùng Phúc tàng bản, in năm Cảnh Thịnh 5, văn bản lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu AB. 366.
[6] Như Sơn, Kế Đăng Lục, bản in năm 1907, Chùa Nguyệt Quang, Đông Khê trùng khắc, tờ 51b.
[7] Thác bản của chúng tôi, bia lập năm Minh Mệnh 15 (1834).
[8] Lê Văn Thuyên (chủ Biên), Văn Bản Hán Nôm Làng Xã Vùng Huế, NXB Thuận Hóa, 2008, tr. 183, 184.
[9] Bản lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 254. phần này được viết sau bài tựa.
[10] Bản lưu tại thư viện viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC 374.
[11] Niên hiệu Phúc Thái thì đúng hơn.
[12] Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ của Hòa Thượng Phúc Điền, kí hiệu VHv. 9, tờ 1b10 đến 2a 8.