Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” là một trong những truyền thống tiêu biểu của dân tộc ta và mỗi khi đồng bào ta ở đâu đó gặp thiên tai, lũ lụt, thì tinh thần ấy lại được khơi dậy và trở thành một sức mạnh vô cùng to lớn để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Đây là một giá trị cộng đồng tiêu biểu, không dễ gì có được ở các dân tộc khác.
1. Cụm chung cư Sunview Town (Hiệp Bình Phước – Thủ Đức) – nơi tôi đang sinh sống có hơn 1.600 hộ dân. Bình thường thì việc ai nấy làm, nhưng từ mấy hôm nay, tối nào cũng có đông đảo bạn trẻ trực tại các phòng sinh hoạt cộng đồng – nơi tiếp nhận, phân loại các loại hàng hóa, vật phẩm… mà cư dân đóng góp để phục vụ cho công tác cứu trợ đồng bào miền Trung đang bị lũ lụt.
Mỗi người một việc, cùng kêu gọi thông qua nhiều kênh, qua những mối quan hệ có sẵn của các cá nhân sống trong chung cư, đặc biệt là trong nhóm “Cộng đồng Sunview Town” để kêu gọi đóng góp. Người thì mấy bao gạo, người thì đóng góp quần áo hoặc tiền mặt… Những người bận bịu như có con nhỏ hoặc ở xa mà không mang đồ đạc, vật phẩm đến để đóng góp thì anh em trong Ban quản trị cử người đến tận căn hộ để nhận. Thậm chí, có trường hợp ở xa, không đến đóng góp trực tiếp được, mọi người lại đăng lên mạng để xem những ai đi làm gần khu vực đó ghé nhận luôn. “Dù ban ngày ai cũng bận rộn với công việc của mình, nhưng nhiều người vẫn tranh thủ thời gian buổi tối để phụ sắp xếp, đóng gói hàng hóa để chuyển đi cho kịp, có người đến tận 22 giờ mới được nghỉ” – một thành viên Ban quản trị chung cư cho biết.
Chưa bàn đến giá trị vật chất nhiều hay ít, nhưng phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung cũng như các phong trào từ thiện được hình thành và càng lớn mạnh rõ rệt tại khu dân cư này. Từ những nhóm sinh viên, những nhóm hội khác đến Cộng đồng Sunview Town đều thể hiện sự quan tâm, nhiệt tình cao. Những lời kêu gọi đóng góp và sự đóng góp ngày càng nhiều, thậm chí quan tâm đến những cái nhỏ nhất, “tế nhị” nhất giúp chị em vùng bão lụt. Và dường như ngay lập tức được mọi người tìm kiếm, chia sẻ thông tin cần thiết để giúp đỡ.
2. Tại các điểm công cộng như khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học, siêu thị… những băng-rôn kêu gọi kèm với các thùng quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung cũng đã được đặt ở những nơi mà mọi người dễ thấy nhất. Hình ảnh những đứa trẻ đập heo đất hay những người già mang theo tiền tiết kiệm…. để đóng góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai không còn xa lạ ở đất nước chúng ta, bởi tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, đã trở thành truyền thống, ăn sâu vào tận máu thịt của mỗi con người Việt Nam.
Phong trào đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung sôi động từ ngõ ra phố, từ già đến trẻ, tại các cơ quan đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, từ học sinh, sinh viên đến văn nghệ sĩ, đến lãnh đạo các cấp. Câu chuyện M.C Phan Anh tự bỏ 500 triệu đồng tiền túi ra để cứu trợ đồng bào miền Trung lũ lụt chính là một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian vừa qua.
“Hiệu ứng” Phan Anh ngay lập tức lan tỏa với hơn 16 tỷ đồng được các mạnh thường quân đóng góp chung tay cùng M.C này hỗ trợ đồng bào vùng lũ. Tinh thần “thương người như thể thương thân” được biểu hiện rõ nét qua hình ảnh những tấm lòng vàng đến từ mọi miền đất nước, thậm chí có những người đã nằm xuống ngay trên mảnh đất “đòn gánh miền Trung” khi họ tham gia công tác cứu trợ ở đây.
Nếu như chỉ cách đây một thời gian ngắn thôi, mỗi lần mở những trang báo, xem TV hay lên mạng đọc, một cảm giác vô cùng hoang mang, buồn chán bởi những thông tin về hiện tượng xuống cấp về mặt đạo đức như vô cảm, học sinh đánh nhau, lột đồ rồi tung lên mạng, thậm chí có trẻ còn mang xăng đốt chính ngôi trường mà mình đang theo học… Nhưng khi khúc ruột miền Trung rơi vào cảnh hoang tàn do thiên tai, lũ lụt, thì tinh thần thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” lại trỗi dậy, trở thành một sức mạnh, một giá trị cộng đồng hết sức to lớn giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
ThS.Nguyễn Quế Diệu